Thái Bình: Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm

MINH HUỆ - TRUNG THÀNH 22/10/2022 03:10

Thái Bình xác định phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch là một xu thế phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững.

>>>Thái Bình: Tiềm năng du lịch từ biển “vô cực”

Từ phát triển nông nghiệp …

Thái Bình xác định phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2022 - 2025 và đến năm 2030 gắn với du lịch, phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững. Và có lợi thế đa chiều, vừa phát triển kinh tế, vừa giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, vùng miền, vừa bảo đảm sinh kế cho người dân tại khu vực nông thôn.

Thực tế tại nhiều địa phương trong thời gian qua cho thấy, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội ngày càng rõ rệt. Các mô hình du lịch nông nghiệp với sự tham gia trực tiếp của người dân bản địa đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân, trở thành một phương thức giảm nghèo, hướng tới phát triển bền vững, hiệu quả tại những cộng đồng còn khó khăn và các miền quê trong cả nước.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình: Với thế mạnh và tiềm năng của địa phương, Thái Bình xây dựng Đề án Phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022 - 2025 và đến năm 2030 (Đề án).

Trải nghiệm bình mình trên biển Vô cựcp/- Thái Bình (ảnh Thắng Nguyễn)

Trải nghiệm bình mình trên biển Vô cực - Thái Bình (ảnh Thắng Nguyễn)

Theo đó, thời gian tới, Thái Bình sẽ tập trung khai thác thế mạnh về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển du lịch về nông nghiệp, nông thôn của Thái Bình trở thành điểm đến hấp dẫn, là ưu tiên lựa chọn cho du khách trong và ngoài nước; xây dựng và giữ vững thương hiệu nông sản Thái Bình trên thị trường trong nước và quốc tế thông qua hoạt động du lịch.

Đề án đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ củng cố và phát triển khoảng 80 - 85 điểm sản xuất nông nghiệp có nét đặc trưng riêng về chất lượng sản phẩm, phương thức canh tác, văn hóa, cảnh quan, môi trường sinh thái để chứng nhận chất lượng, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa phục vụ du lịch; mỗi huyện, thành phố có từ 2 điểm trở lên được chứng nhận là điểm du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn.

 Xây dựng mô hình sản xuất muối Diêm Điền theo phương pháp cổ truyền tạo sản phẩm muối tâm linh, muối chất lượng cao gắn với di tích Phủ Bà Chúa muối tại xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy để thu hút các hoạt động du lịch.

Sử dụng có hiệu quả giá trị từ gần 5.000 ha rừng ngập mặn và vùng đất ngập nước để bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, sinh kế dưới tán rừng và du lịch; xây dựng ít nhất 03 bến thuyền, 02 chòi canh, 03 km đường tuần tra bảo vệ rừng gắn với du lịch; hỗ trợ phát triển nghề nuôi ong và gia cầm dưới tán rừng tạo sản phẩm nông sản thân thiện với môi trường.

Khai thác tối ưu lợi thế vùng cửa biển và hạ lưu các dòng sông, hệ thống bãi nổi, bãi bồi ven sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa, sông Trà lý để phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch mang đặc trưng riêng của Đồng bằng Bắc Bộ với tín ngưỡng thờ Mẫu và Tứ phủ.

Thành lập từ 3 - 5 hợp tác xã nông nghiệp sản xuất, tiêu thụ nông sản gắn với hoạt động du lịch; vận động, hỗ trợ 15 - 20 hợp tác xã nông nghiệp đăng ký thêm khâu dịch vụ nông nghiệp gắn với hoạt động du lịch; thu hút được 15 - 20 doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Khuyến khích được khoảng 100 hộ nông dân tích tụ ruộng đất quy mô lớn tổ chức sản xuất theo hướng nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch.

Phấn đấu 50% điểm nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch ứng dụng kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Vận động người dân trong tỉnh và con em quê hương lập nghiệp ở địa phương khác mỗi người trồng mới từ 10-20 cây xanh góp phần tạo hình ảnh tỉnh Thái Bình đồng thời quay về du lịch tại tỉnh kết hợp với mua sắm nông sản.

Trải nghiệm kéo lưới vào buổi sớm mai - Thái Thụy - Thái Bình (ảnh Thắng Nguyễn)

Trải nghiệm kéo lưới vào buổi sớm mai - Thái Thụy - Thái Bình (ảnh Thắng Nguyễn)

Theo lãnh đạo Sở VH& DL Thái Bình: Phát triển cây trồng vật nuôi có lợi thế, mang đặc trưng vùng miền tạo dấu ấn riêng biệt của tỉnh Thái Bình, đồng thời xây dựng các Trung tâm giới thiệu nông sản và tiếp đón du khách. Phát triển sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tạo sản phẩm phục vụ du lịch theo đường sông Trà Lý, theo tuyến đường bộ từ Đền thờ Bác Hồ đến chiếng chèo làng Khuốc, di tích lịch sử Đền Trần (Hưng Hà)…

Cùng với đó, sẽ phát triển vùng sản xuất nông nghiệp cao, nông nghiệp sinh thái, gắn với thăm quan làng nghề, du lịch tâm linh, rừng ngập mặn theo tuyến đường bộ từ Đền thờ Bác Hồ đến rừng ngập mặn Thái Thụy, Tiền Hải và Khu du lịch sinh thái cồn Đen. 

…đến gắn với du lịch trải nghiệm

Những năm gần đây, mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều thanh niên. Sự tham gia trực tiếp của họ đã tạo ra sự phong phú, hấp dẫn cho các sản phẩm nông nghiệp, mở hướng đi mới cho thanh niên địa phương phát triển kinh tế.

Theo anh Nguyễn Bá Duẩn – thôn Đồng Phúc cho biết: Vườn nho của gia đình anh rộng hơn 2.000m2, hơn 2 năm tuổi. Vào vụ, các ngày cuối tuần anh Duẩn thường tiếp bình quân 20 lượt khách từ các nơi, kể cả tỉnh ngoài về tham quan, trải nghiệm mua sản phẩm.

Anh Duẩn dự kiến đầu tư mở rộng diện tích trồng nho hạ đen ngay gần khu vườn cũ. Anh chia sẻ: Việc có khách đến trải nghiệm tạo sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Người tiêu dùng khi đến vườn không chỉ thấy được quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm mà còn được mua nho với giá hợp lý. Lượng nho chín đến đâu bán hết đến đấy, còn không đủ so với nhu cầu của khách hàng.

Du khách trải nghiệm hái nho tại vườn nho của anh Nguyễn Bá Duẩn, thôn Đồng Phúc, xã An Lễp/- Quỳnh Phụ (ảnh báo Thái Bình)

Du khách trải nghiệm hái nho tại vườn nho của anh Nguyễn Bá Duẩn, thôn Đồng Phúc, xã An Lễ - Quỳnh Phụ (ảnh báo Thái Bình)

Không chỉ có mô hình trồng nho hạ đen ở An Lễ, nhiều mô hình của thanh niên được nhiều người đến tham quan, trải nghiệm như Daza EcoFarm của chị Nguyễn Lan Anh, thôn Đà Giang, xã Nguyên Xá (Đông Hưng) sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với các sản phẩm: gạo, trà hoa hồng, trà hoa cúc, bạc hà khô… Để có được sự tin tưởng của khách hàng và xây dựng thương hiệu, trang trại thường xuyên tổ chức đưa khách, đặc biệt là học sinh về trải nghiệm thực tế quá trình trồng, thu hoạch và chế biến nông sản.

Vườn sinh thái hoa sen, súng cảnh của anh Vũ Thanh Toàn, thôn Cự Lâm, xã Xuân Hòa (Vũ Thư) cũng được khá nhiều đoàn khách đến thăm. Theo anh Toàn: Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên cùng những thành quả từ xây dựng nông thôn mới đã và đang trở thành điểm tựa vững chắc để du lịch nông nghiệp phát triển. Qua đó tạo ra những sản phẩm du lịch mới, đa dạng phục vụ nhu cầu của du khách bên cạnh các loại hình du lịch thế mạnh của tỉnh như biển, văn hóa, tâm linh, sinh thái, góp phần quan trọng nâng cao đời sống cho người nông dân, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững.

Theo chủ các mô hình, khách đến thăm, trải nghiệm chính là một trong những cách quảng bá tốt nhất, không chỉ về sản phẩm của mô hình mà cả về mảnh đất và con người địa phương. Những mô hình làm nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm thành công đã gợi mở cho nhiều thanh niên lên kế hoạch làm giàu từ mô hình này. 

Trải nghiệm tại vườn sen - Thái Bình (ảnh báo Thái Bình)

Trải nghiệm tại vườn sen - Thái Bình (ảnh báo Thái Bình)

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp chị Nguyễn Hương Giang – Hà Nội cho biết: Gia đình tôi đi vãn cảnh chùa Keo, chụp ảnh tại vườn sen, sau đó về tắm biển, nghỉ một đêm tại cồn Vành, sáng hôm sau về đền A Sào và trải nghiệm hái nho tại xã An Lễ. Tôi ngạc nhiên khi thấy các bạn trẻ quê mình làm được mô hình trải nghiệm khá mới và bước đầu thành công. Tôi nghĩ rằng có nhiều địa điểm, mô hình mới, hấp dẫn thì chắc chắn các địa danh trong tỉnh sẽ ngày càng được nhiều người biết, đến thăm, từ đó mang lại thu nhập cho các mô hình và việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp gắn với trải nghiệm thực tế đang là hướng đi cho thấy sự phù hợp, hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

  • Thái Bình: Doanh nhân huyện Kiến Xương phát huy nội lực, đoàn kết, sáng tạo

    Thái Bình: Doanh nhân huyện Kiến Xương phát huy nội lực, đoàn kết, sáng tạo

    14:57, 12/10/2022

  • Thái Bình: Tiềm năng du lịch từ biển “vô cực”

    Thái Bình: Tiềm năng du lịch từ biển “vô cực”

    03:00, 12/10/2022

  • Vincom Retail nhận giải thưởng thương hiệu truyền cảm hứng châu Á – Thái Bình Dương 2022 tại APEA

    Vincom Retail nhận giải thưởng thương hiệu truyền cảm hứng châu Á – Thái Bình Dương 2022 tại APEA

    15:51, 10/10/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thái Bình: Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO