Thời của khối ngoại M&A bất động sản

DIỆU HOA 23/03/2023 05:00

Các chuyên gia cho biết, không ít quỹ đầu tư nước ngoài đang khảo sát, sẵn sàng nhập cuộc thị trường bất động sản Việt Nam.

>>M&A bất động sản khát dự án “sạch”

Lợi thế M&A bất động sản thuộc về khối ngoại trong bối cảnh dòng tiền khó

Trong một chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Việt Hoàng, Giám đốc phát triển kinh doanh Colliers Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản nhà ở duy trì sức hấp dẫn đối với dòng tiền đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam.

Khối ngoại tích cực M&A

Theo chuyên gia Colliers Việt Nam, trong bối cảnh dòng vốn chưa khơi thông và tín dụng hạn chế trong nước, đây là thời điểm tốt để các quỹ hưu trí, quỹ vốn bảo hiểm hay các quỹ tài sản có chủ quyền từ châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương tiếp cận các dự án bất động sản nhà ở tại Việt Nam – nơi thị phần vốn nghiêng về khối nội.

Trong khi đó, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Sohovietnam - đơn vị chuyên môi giới M&A dự án cũng cho biết đang nhận được nhiều yêu cầu đặt hàng từ các nhà đầu tư quốc tế lẫn trong nước. 

Tương tự, đại diện Savills cũng cho hay đơn vị này đang nhận được nhiều yêu cầu tư vấn của các nhà phát triển bất động sản trong nước về thiết lập cấu trúc các thương vụ và định giá giao dịch. 

Theo ghi nhận của Diễn đàn Doanh nghiệp, chỉ trong 3 tháng đầu năm, nhiều thương vụ mua bán sáp nhập liên quan đến bất động sản có giá trị lớn đã được hé lộ, mở đầu cho xu hướng M&A được dự báo sẽ bùng nổ trong năm nay.

Trong đó có thể kể đến như chủ khách sạn dát vàng Wyndham Hanoi Golden Lake gần đây rao bán rộng rãi khách sạn này với giá khởi điểm 250 triệu USD. Thông tin mới đây, chủ đầu tư khách sạn này cho biết đã có một số nhà đầu tư Trung Quốc, Ấn Độ, UAE quan tâm đàm phán giá cả và các điều kiện mua lại.

Đầu tháng 3, Frasers Property Việt Nam cũng đã công bố hợp tác với công ty đầu tư đa ngành Gelex Group để phát triển danh mục đầu tư bất động sản công nghiệp và nâng cao sự hiện diện của mình tại miền Bắc. Tổng vốn đầu tư cho danh mục này khoảng 250 triệu USD. Hay quỹ đầu tư CapitaLand đang đàm phán một thương vụ trị giá khoảng 1,5 tỷ USD với Vinhomes.

Trước đó, vào tháng 1, Tập đoàn ESR đã mua lại cổ phần chiến lược trong Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW. Thỏa thuận này là một phần trong đợt huy động vốn sơ cấp lớn hơn của BW lên tới khoảng 450 triệu USD.

>>Thấy gì trong xu hướng M&A doanh nghiệp toàn cầu năm 2023?

Thời điểm bùng nổ 1 - 3 năm tới

Theo ông Phan Xuân Cần, việc ách tắc pháp lý khiến nhiều dự án dù muốn cũng không đủ điều kiện để chuyển nhượng. Do đó, ông dự báo thị trường M&A bất động sản sẽ diễn ra một cách âm thầm trong năm nay, với lợi thế thuộc về bên mua.

Khách sạn dát vàng Dolce Hanoi Golden Lake đang được đàm phán chuyển nhượng

Vị chuyên gia cho rằng năm nay sẽ có một số giao dịch diễn ra, thậm chí có thể trị giá cả tỷ USD, nhưng chỉ với những dự án có pháp lý rõ ràng. Sẽ có nhiều thương vụ thành công hơn trong 1-3 năm tới.

Đồng quan điểm, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam đánh giá giữa lúc nhiều doanh nghiệp địa ốc trong nước đối mặt khó khăn về nguồn vốn lẫn pháp lý, hoạt động M&A có thể là cơ hội lớn cho khối ngoại đang chủ động được dòng tiền.

Trong đó, nhóm nhà đầu tư gốc Á với lợi thế gần về vị trí địa lý và có một số tương đồng về văn hóa, đồng thời đã hiện diện tại thị trường Việt Nam sẽ dễ tiếp cận các thương vụ M&A ngay khi các nhà phát triển bất động sản trong nước cởi mở hơn trong quá trình mặc cả, đàm phán.

Ở góc nhìn thận trọng hơn, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn đầu tư tại Savills Việt Nam cho rằng thực trạng các dự án bị ách tắc pháp lý, đã thu tiền trước từ khách hàng, các doanh nghiệp cũng chưa minh bạch về tài chính, đặc biệt chưa có đơn vị kiểm toán độc lập. Điều này gây cản trở cho các nhà đầu tư nước ngoài trong việc quyết định tham gia vào các dự án.

Do đó, vị chuyên gia cho rằng kể cả khi dự án đã hoàn thiện về pháp lý, quá trình thương lượng cũng thường kéo dài 1-1,5 năm. Vì vậy, nếu tính thời điểm thị trường bất động sản bắt đầu gặp khó từ tháng 4/2022, thì sớm nhất phải đến cuối năm 2023 - đầu năm 2024 mới xuất hiện nhiều thương vụ thành công.

"Không thể dự báo chính xác thời điểm bùng nổ của các hoạt động M&A, bởi tiến trình đàm phán phụ thuộc phần lớn vào các động thái tháo gỡ pháp lý từ phía cơ quan chức năng", TS Sử Ngọc Khương nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • M&A bất động sản khát dự án “sạch”

    M&A bất động sản khát dự án “sạch”

    20:00, 20/11/2022

  • Khối ngoại thận trọng M&A bất động sản

    Khối ngoại thận trọng M&A bất động sản

    14:25, 10/11/2022

  • M&A bất động sản tăng tốc

    M&A bất động sản tăng tốc

    13:47, 26/07/2022

  • Hàng trăm triệu USD hâm nóng thị trường M&A bất động sản

    Hàng trăm triệu USD hâm nóng thị trường M&A bất động sản

    03:00, 11/04/2022

DIỆU HOA