Vị thế của các "ông lớn" địa ốc Việt
Doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đang được chia thành 4 nhóm điển hình: Rủi ro, cân bằng, tiềm lực và người chơi mới.
>>Con đường phục hồi của nhóm ngành bất động sản
Cách thức phân loại dựa trên đánh giá về áp lực nợ ngắn hạn và tổng nợ so sánh với quy mô tài sản của các doanh nghiệp dựa theo số liệu từ báo cáo tài chính mà doanh nghiệp công bố.
Thứ nhất, là các doanh nghiệp ở nhóm “rủi ro” khi áp lực nợ ngắn hạn và tổng nợ lớn hơn so với quy mô tài sản.
Theo Batdongsan.com.vn, nhóm này bao gồm một số đơn vị như Novaland (NVL), Vinhomes (VHM), Viglacera (VGC), Sunshine Homes (SSH), Phát Đạt (PDR), Hà Đô (HDG), Becamex IDC (BCM), CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SJS).
Các doanh nghiệp thuộc nhóm này đang chuyển mình theo hướng thu gọn để cân bằng thông qua tái cơ cấu nợ và cân bằng dòng tiền bằng việc bán bớt tài sản, giảm lượng hàng tồn kho bằng cách điều chỉnh giá bán hoặc đưa ra chính sách ưu đãi, khuyến mãi phù hợp.
Thứ hai, là nhóm các doanh nghiệp phát triển bất động sản có vị thế “cân bằng” với tỷ lệ nợ và quy mô tài sản ở mức hợp lý. Đại diện của nhóm này là Văn Phú Invest (VPI), Đất Xanh (DXG), IDICO (IDC), Nam Long (NLG), Sài Gòn Thương Tín (SCR), C.E.O (CEO), Kinh Bắc (KBC). Giải pháp của họ là tối ưu vận hành và tập trung vào thế mạnh sản phẩm lõi để củng cố dòng tiền ổn định, ưu tiên tái cơ cấu các khoản nợ rủi ro lớn trong ngắn hạn.
Thứ ba, là nhóm chủ đầu tư bất động sản “tiềm lực” có tỷ lệ nợ ngắn hạn và tổng nợ thấp, quy mô tài sản lớn, điển hình có thể kể tới Khang Điền (KDH) và một số chủ đầu tư nước ngoài.
Chuyên gia Batdongsa.com.vn nhận định, những doanh nghiệp ở vị thế tiềm lực tập trung vào các sản phẩm bất động sản tạo dòng tiền bền vững, tìm kiếm cơ hội với phân khúc/loại hình mới và thu mua quỹ đất hợp lý, mở rộng đến khu vực địa lý mới.
Thứ tư, đơn vị nghiên cứu này cũng cho biết, ngoài các nhóm hiện tại, thị trường xuất hiện nhóm “người chơi mới”, nhóm này là một ẩn số với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư đang tìm kiếm cơ hội thâm nhập thị trường bất động sản thông qua M&A, thu mua quỹ đất với những doanh nghiệp bất động sản phù hợp hoặc tự thành lập doanh nghiệp để phát triển sản phẩm riêng.
>>Bất động sản “tìm cơ hội trong thách thức”
Trong khi đó, thông tin chung về thị trường, dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy giá rao bán nhà phố tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong quý đầu năm 2023 tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Soi kỹ hơn chu kỳ một năm qua, giá rao bán nhà phố Hà Nội đã tăng liên tiếp qua các quý.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, giá rao bán nhà phố từ quý 1/2022 tăng dần và đạt đỉnh vào quý 3 và quý 4 cùng năm nhưng sang đến quý 1/2023 đã giảm, tuy nhiên vẫn cao hơn so với quý 1/2022. Giá rao bán trung bình trong quý 1/2023 đối với nhà mặt phố là khoảng 335 triệu/m2 tại Hà Nội, và 220 triệu/m2 tại TP. Hồ Chí Minh.
Với loại hình chung cư, sau khi tăng đáng kể vào quý 4/2022, mặt bằng giá rao bán tất cả các phân khúc chung cư tại Hà Nội và phân khúc chung cư trung – cao cấp TP. Hồ Chí Minh đều có sự điều chỉnh giảm.
Do đó, tính đến quý 1/2023, mặt bằng giá rao bán chung cư tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh không có quá nhiều biến động so với cùng kỳ năm 2022, ngoại trừ phân khúc cao cấp (trên 50 triệu/m2) tại Hà Nội giảm giá 10% và phân khúc bình dân (dưới 35 triệu/m2) tại TP. Hồ Chí Minh tăng giá đến 13%.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, thị trường vẫn đang ở trạng thái trầm lắng, thanh khoản thấp, đặc biệt là loại hình đất nền. Tuy nhiên, xét về dài hạn, đất nền vẫn là loại hình đầu tư tiềm năng nếu biết lựa chọn những sản phẩm đất nền có giá trị sử dụng cũng như khả năng khai thác tạo ra dòng tiền trên chính sản phẩm đó như có thể xây nhà trọ, khà kho, công xưởng hoặc trở thành căn nhà thứ hai.
Hiện nay, tỷ lệ đô thị hoá của Hà Nội khoảng 49% và TP. Hồ Chí Minh khoảng 70%, cả nước ta có 8 tỉnh thành có tỷ lệ đô thị hoá trên 50%. Như vậy, vẫn còn dư địa phát triển và nhu cầu về đất đai luôn hiện hữu.
Có thể bạn quan tâm