Cần gói tín dụng đặc thù cho nhà ở xã hội

VI ANH 09/04/2023 05:00

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, tuy nhiên kèm theo đó là những điều kiện bắt buộc dành cho người đi vay.

>>Xu hướng thuê văn phòng tương lai tại Hà Nội

Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các ngân hàng về nội dung triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, cải tạo lại chung cư cũ với quy mô khoảng 120.000 tỷ đồng. Từ đầu tháng 4, Thủ tướng đã phê duyệt đề án xây dựng ít nhất một triệu nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp đến năm 2030, trong đó dự kiến hoàn thành 428.000 căn vào năm 2025.

Hướng dẫn cụ thể về gói tín dụng ưu đãi

Theo đó, từ nay đến cuối tháng 6, mức vay dành cho chủ đầu tư là 8,7%/năm và kéo dài trong 3 năm kể từ ngày giải ngân; còn lãi suất vay cho người mua nhà khoảng 8,2%/năm trong 5 năm. Có thể thấy, bối cảnh thị trường bất động sản hiện nay vẫn đang đóng băng do thanh khoản bị tác nghẽn vốn từ cả người mua lẫn người bán. Do đó, với gói tín dụng có mức lãi suất ưu đãi này sẽ giúp nhiều người tháo gỡ được khó khăn.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng sẽ được 4 ngân hàng thương mại nhà nước triển khai, có thể kể đến như Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank. Theo NHNN quy định, thời hạn giải ngân của gói tín dụng kéo dài từ 1/4 đến 31/12/2030. Các NHTM sẽ tự huy động nguồn vốn của mình để cho vay và cho phép các ngân hàng khác tham gia với điều kiện tuân thủ hướng dẫn của cơ quan quản lý.

Theo thống kê, trong 2 năm vừa qua, nguồn cung NƠXH có dấu hiệu chững lại khi đưa vào hoạt động dự án với 260 căn, trong khi theo kế hoạch năm 2025 thành phố phải xây dựng được 35.000 căn. Mặt khác, việc hoàn thiện dự án vẫn còn nhiều trở ngại như thủ tục đầu tư dự án còn nhiều phức tạp, công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, đặc biệt là chủ đầu tư thiếu vốn vay. Do vậy, việc áp dụng gói tín dụng ưu đãi sẽ tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp thực hiện dự án.

Tuy nhiên, cứ 6 tháng một lần Nhà nước sẽ xem xét điều chỉnh lãi vay và tính cho định kỳ 6 tháng tiếp theo. Các doanh nghiệp nhận định, trong thời gian tới các dự án hưởng được ưu đãi này rất hiếm bởi thủ tục pháp lý kéo dài mất 1 năm. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị, cùng với gói tín dụng này, nhà nước có thể tính đến gói cấp bù lãi suất ở mức 3 – 4%/năm. Từ đó, các chủ đầu tư có thể tiếp cận nguồn vốn vay ở mức lãi suất 5%/năm, gíup đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội.

Sau tháng 6 tới, tức là từ 1/7, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo ưu đãi lãi suất cho vay đến các ngân hàng thương mại tham gia chương trình này. Dựa trên Nghị quyết 33 của Chính phủ, lãi suất cho vay luôn thấp hơn 1,5-2% so với lãi vay trung dài hạn bằng VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước, tức là việc cho vay vốn để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hay cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, sẽ luôn thấp hơn lãi suất cho vay thương mại của ngân hàng. Để nhiều người dân, nhiều chủ đầu tư được hưởng gói vay ưu đãi này, cần phải đẩy nhanh các dự án mới ra thị trường mới đảm bảo có người vay.

Cần thêm gói tín dụng đặc thù

Nhiều ý kiến cho rằng người mua nhà ở xã hội cần lãi suất thấp, ổn định tối thiểu 10 – 15 năm. Đa số người mua NƠXH có thu nhập không cao, ít có cơ hội tăng thêm thu nhập cùng với cuộc sống bấp bênh nên sẽ gặp rủi ro nếu lãi suất chỉ trong 5 năm.

>>Lãi suất tiếp tục giảm dưới mốc 9%: Cơ hội cho người mua nhà

Theo ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty Lê Thành với gần 2 thập kỷ xây nhà ở xã hội bán và cho thuê, hiểu rõ phân khúc khách hàng này, ông Nghĩa thừa nhận việc người dân mua nhà với lãi suất 8,2% trong 5 năm đầu sẽ đối mặt nhiều rủi ro và sau đó lãi suất quay về tình huống tự thương lượng.

"Mong Chính phủ xem xét lại, mở ra một gói tín dụng đặc thù cho vay nhà ở xã hội có hỗ trợ lãi suất từ Nhà nước với mức lãi suất 5% một năm cố định trong thời gian dài, may ra mới hỗ trợ được người dân yếu thế", ông Nghĩa nói.

Cùng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, 8,2% một năm là mức "vẫn rất cao" nếu so với lãi suất vay ưu đãi 5% một năm áp dụng cho năm 2023 đối với người mua nhà ở xã hội.

Đồng thời, sau khi lãi suất cho vay hết thời hạn ưu đãi, NHTM và khách hàng tự thỏa thuận, sẽ dẫn đến rủi ro cho người vay mua nhà ở xã hội. Từ đó tạo thêm gánh nặng cho đối tượng có thu nhập thấp như công nhân lao động. Vì vậy, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét để hoàn thiện cơ chế này cho hợp tình hợp lý hơn.

Ông Châu đề xuất: "Rất mong Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu gói 110.000 tỷ đồng dành riêng cho nhà ở xã hội và trình Chính phủ xem xét áp dụng tương tự cơ chế của gói 30.000 tỷ đồng trước đây. Như vậy mới thật sự hỗ trợ người có thu nhập thấp được an cư".  

Có thể bạn quan tâm

  • Nhận định về sự phát triển bất động sản thương mại và công nghiệp trong tương lai?

    Nhận định về sự phát triển bất động sản thương mại và công nghiệp trong tương lai?

    11:00, 07/04/2023

  • Quảng Nam: Rà soát lĩnh vực bất động sản và khai thác khoáng sản

    Quảng Nam: Rà soát lĩnh vực bất động sản và khai thác khoáng sản

    01:00, 07/04/2023

  • Thái Bình: Thị trường bất động sản công nghiệp cơ hội bứt phá

    Thái Bình: Thị trường bất động sản công nghiệp cơ hội bứt phá

    13:37, 06/04/2023

  • Bất động sản công nghiệp: Thách thức dần xuất hiện

    Bất động sản công nghiệp: Thách thức dần xuất hiện

    03:00, 06/04/2023

VI ANH