Môi giới bất động sản "rụng như sung"
Số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước, một doanh nghiệp vừa giảm hơn 3.000 nhân sự là những thông tin đáng buồn của ngành môi giới BĐS.
>>Thanh lọc môi giới bất động sản
Môi giới "rụng như sung"
Theo báo cáo thị trường bất động sản quý I/2023 của Bộ Xây dựng số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 doanh nghiệp (tăng 30,2%) và 1.816 doanh nghiệp (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Xây dựng, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện đang gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30 - 40% so với giai đoạn đầu năm 2022. Đặc biệt, tại một số khu vực, số lượng môi giới bất động sản tiếp tục nghỉ việc lên tới 80% ngay trong quý I/2023.
Làn sóng môi giới bất động sản nghỉ việc bắt đầu từ những tháng trước Tết năm 2023. Nhiều sàn giao dịch cho 50% môi giới nghỉ việc không lương.
Đáng chú ý, thông tin tại dữ liệu báo cáo hợp nhất năm 2022, CTCP Tập đoàn Đất Xanh - một trong những nhà phân phối bất động sản lớn bậc nhất cả nước ghi nhận sự sụt giảm đáng kể trong quy mô nhân sự Tập đoàn.
Kết thúc năm 2022, số lượng nhân viên của doanh nghiệp này là 3.773 người, giảm 2.660 người so với cuối năm 2021 (tương đương 41%). Đáng nói, số nhân viên của Tập đoàn Đất Xanh đã giảm 3.191 người so với dữ liệu ngay cuối tháng 9, tức chỉ trong ba tháng.
Một "ông lớn" ngành môi giới địa ốc khác là CenLand ghi nhận trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, doanh nghiệp đã linh hoạt trong việc điều chỉnh cơ cấu chí phí, trong đó đã giảm khoảng 40–50% nhân sự.
>>“An cư lạc nghiệp” cho người lao động
Đương đầu với khó khăn
Theo các chuyên gia, môi giới bất động sản đã không nhận được lương trong nhiều tháng do thị trường trầm lắng và cả nguyên nhân không có "hàng" để bán.
Sang đến năm 2023, tình hình môi giới bất động sản cũng không khả quan hơn khi số lượng môi giới tự bỏ nghề gia tăng. Trong khi đó tình hình kinh doanh khó khăn cũng buộc doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự.
Ông Nguyễn Trung Vũ - Chủ tịch CenLand chia sẻ, năm vừa qua là một năm rất buồn của ngành bất động sản và không biết bao giờ thị trường mới gượng dậy. Những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022, chỉ riêng doanh thu môi giới một tháng của CenLand đã là 300 tỷ đồng. Nhưng tới thời điểm hiện tại mỗi tháng doanh thu mảng này không nổi 20 tỷ đồng.
“Thị trường quay đầu khủng khiếp và cũng không thể biết được những diễn biến sắp tới. Đội sale bất động sản gần như bỏ nghề tới 90%. CenLand bán hai dự án của một doanh nghiệp lớn nhưng hiện nay chủ đầu tư này cũng không có khả năng trả tiền bán hàng cho chúng tôi”, ông Vũ cho hay.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng đây là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn.
Theo ông Đính, các doanh nghiệp cần bám sát tình hình thị trường để có những điều chỉnh kịp thời. Tránh tình trạng cho nhân viên nghỉ nhiều đến khi thị trường "ấm" lên lại không đủ nguồn lực triển khai hoạt động kinh doanh. Đặc biệt phải có biện pháp động viên, trấn an, hỗ trợ đội ngũ nhân sự "cứng" để đảm bảo giữ được đội ngũ nòng cốt, chuẩn bị cho thời kỳ sắp tới.
Có thể bạn quan tâm