Địa ốc đóng băng, môi giới về đâu? (Kỳ II): Đóng cửa, sa thải hàng loạt

VŨ HỒNG TÂM 18/05/2023 05:00

Bước vào quý 2/2023, doanh nghiệp bất động sản vẫn đối mặt với tình trạng hoạt động cầm chừng vì ế ẩm, cạn tiền trả lương và cắt giảm nhân sự hàng loạt.

>>Thị trường địa ốc đóng băng, môi giới về đâu?

Là nhân viên kinh doanh từng làm việc ở một công ty bất động sản đang phát triển nhiều dự án tại khu vực giáp ranh Đà Nẵng, anh Tuấn cho biết đang phải sống bằng trợ cấp thất nghiệp do nằm trong nhóm nhân sự thuộc trường hợp buộc sa thải. Theo anh đợt sa thải nhân sự lần này nhiều đồng nghiệp anh đã từ bỏ ý định xin việc mới trong ngành địa ốc vì cơ hội ít và rủi ro cao.

Chị Phương, Giám đốc kinh doanh một công ty bất động sản lớn có trụ sở tại quận Hải Châu đã bị công ty nợ lương từ đầu năm 2023 đến nay. Dưới chị là các Trưởng phòng, Trưởng nhóm và nhân viên sale cũng đã nghỉ việc gần hết vì không bán được hàng, không có phí môi giới, công ty lại nợ lương nên không đủ chi phí trang trải cuộc sống.

a

Doanh nghiệp bất động sản hoạt động cầm chừng vì ế ẩm, cạn tiền trả lương và cắt giảm nhân sự hàng loạt.

Trong khi đó, chị Thiện nhân viên hành chính một công ty địa ốc có trụ sở quận Ngũ Hành Sơn - thành viên một tổng công ty địa ốc lớn chia sẻ gần cuối năm 2022 đầu năm 2023, chị đã nhận được chỉ thị của sếp tổng về việc công ty sẽ giảm quỹ lương 60% và kể cả cắt giảm nhân sự để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó cho đến khi có thông báo mới.

“Đây quả thực là tin sốc cho những nhân sự nặng gánh gia đình như tôi, hay nhân sự có vay mượn đầu tư bản thân nhằm tạo một “cái mác bên ngoài” bảnh bao để bán hàng, chắc chắn sẽ không thể gồng được cùng công ty, họ có thể nghỉ việc để tìm hướng đi mới”, chị Thiện kể.

Giám đốc một công ty bất động sản có trụ sở tại Quảng Nam chia sẻ: “Công ty ông đã giảm hơn 60% nhân sự và cắt giảm quỹ lương trên 40% tùy cấp bậc, chỉ giữ lại các vị trí trọng yếu do thị trường quá khó. Hiện guồng làm việc tại công ty chỉ duy trì trên dưới 25% so với năm ngoái, nhiều vị trí phân bổ nhân viên một người làm thay công việc của 4 người trước đây, và không thể khác hơn vì khó khăn quá”.

Cơn bão đóng cửa cắt giảm nhân sự không chỉ dừng lại ở các công ty địa ốc mà còn lan đến các ngành khác, theo công bố mới đây của một ông lớn trong ngành bán lẻ, số liệu ngày 31/3 toàn công ty có 68.048 nhân viên, giảm 5.960 người so với ngày 31/12/2022. Quý thứ 2 liên tiếp, ông lớn ngành bán lẻ lĩnh vực điện thoại, điện máy này đã phải cắt giảm lượng lớn nhân viên.

Cuối năm 2022, công ty này từng cắt giảm 6.223 người. Như vậy qua 6 tháng, công ty này đã giảm khoảng 12.000 nhân viên. Số lượng nhân viên cắt giảm đồng nghĩa với việc công ty đóng cửa bớt các cửa hàng. Nguyên nhân có thể đến từ khó khăn chung của thị trường bán lẻ, trong quý vừa qua doanh thu mảng bán lẻ điện máy, điện thoại đã giảm 25- 35% so với cùng kỳ các năm trước.

a

Theo thống kê từ các sàn là hội viên VARS, trong quý I, 30-50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động.

Tương tự như các công ty môi giới địa ốc và ngành bán lẻ, tỉ lệ biến động giảm nhân sự trong các tập đoàn, tổng công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán cũng không mấy khả quan hơn, báo cáo tài chính sau kiểm toán đã cho thấy thực trạng chung về tình hình nhân sự của các công ty địa ốc đang niêm yết hiện nay.

Điển hình, Tập đoàn Danh Khôi đã giảm hơn 85% nhân sự trong năm 2022 từ 1007 người xuống chỉ còn 149 người vào thời điểm 31/12/2022.

Ngoài những doanh nghiệp trên, thị trường địa ốc cũng chứng kiến nhiều doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết kinh doanh sa sút dẫn đến việc phải cắt giảm nhân sự, cá biệt có công ty chỉ còn chưa đến 25 nhân viên, nhiều sàn giao dịch nằm ở những vị trí đắc địa buộc phải đóng cửa trả mặt bằng.

Trong quý vừa qua, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là hơn 60.000 đơn vị, cao hơn số gia nhập và tái gia nhập. Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản rơi vào tình cảnh ảm đạm, kéo theo thanh khoản và sức mua giảm mạnh.

Tình cảnh nhân sự ngành địa ốc ngồi chơi, chuyển nghề, làm thêm online... là đương nhiên. Hầu hết sàn giao dịch mới thành lập trong vòng 2 năm trở lại đây đều đóng cửa.

Theo thống kê từ các sàn là hội viên VARS, trong quý I, 30-50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. Đặc biệt, có khu vực con số này lên tới 80%.

Chủ tịch VARS chia sẻ: “Thời gian tới các sàn giao dịch cần bám sát tình hình thị trường để có những điều chỉnh kịp thời, tránh tình trạng cho nhân viên nghỉ nhiều, khi thị trường ấm lên lại không có đủ nguồn lực triển khai hoạt động kinh doanh. Các sàn cần có biện pháp động viên, trấn an, hỗ trợ đội ngũ nhân sự cứng để đảm bảo giữ được đội ngũ nòng cốt, chuẩn bị cho thời kỳ sắp tới”.

Có thể bạn quan tâm

  • Thời của bất động sản du lịch Vân Đồn

    Thời của bất động sản du lịch Vân Đồn

    09:00, 17/05/2023

  • TP.HCM: Thêm nhiều dự án bất động sản được gỡ vướng

    TP.HCM: Thêm nhiều dự án bất động sản được gỡ vướng

    03:00, 17/05/2023

  • Bất động sản Hà Nội: Ẩn số về giá

    Bất động sản Hà Nội: Ẩn số về giá

    05:00, 16/05/2023

  • Bất động sản nghỉ dưỡng khó

    Bất động sản nghỉ dưỡng khó "đảo chiều"

    00:10, 16/05/2023

VŨ HỒNG TÂM