VARS: Phân nhóm doanh nghiệp bất động sản khó khăn để xử lý

DIỆU HOA 07/06/2023 13:15

Báo cáo chuyên đề “Thực trạng sức khỏe thị trường bất động sản Việt Nam” do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) công bố cho thấy bức tranh không mấy sáng sủa của các doanh nghiệp bất động sản.

>>Giá bất động sản khó giảm sâu

Nếu không tìm được “lối thoát” kịp thời rất có thể thị trường sẽ phải đối mặt với kịch bản ra đi của hàng loạt doanh nghiệp

Trong suốt thời gian kể từ đầu năm 2022, Chính phủ đã tạo ra những chiếc phao để cứu thị trường nhưng chưa đến được với doanh nghiệp. Sức chống đỡ của các doanh nghiệp có giới hạn, nếu không “ngoi lên” kịp thời, chắc chắn sẽ bước sang giai đoạn “sặc nước, ngừng thở” đồng loạt. 

Bức tranh màu xám bao trùm thị trường

Theo báo cáo của VARS, trong 5 tháng đầu năm 2023, có 554 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Lượng hàng tồn kho lớn, chủ yếu đến từ các dự án xây dựng dở dang, buộc phải tạm dừng do doanh nghiệp không còn đủ nguồn lực để tiếp tục triển khai dự án

Dữ liệu từ 20 doanh nghiệp bất động sản có tổng tài sản lớn nhất tại ngày 31/12/2022 cho thấy có tới 6 doanh nghiệp phải cắt giảm 40 - 50% nhân sự. Đáng chú ý, quý 1/2023, một số doanh nghiệp lớn tiếp tục cắt giảm nhân sự.

Đất Xanh (DXG) cắt giảm thêm 1.384 người so với đầu năm; Đất Xanh Services (DXS) cũng cắt giảm 1.245 người so với đầu năm; không cắt giảm nhân sự trong năm 2022 nhưng đến quý 1/2023, VHM cũng đã cắt giảm 1.527 nhân sự. 

Các doanh nghiệp bất động sản còn hoạt động phải phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, lực lượng lao động. Thậm chí dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng dự án dở dang; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO,... 

Theo báo cáo của VARS, riêng với các doanh nghiệp môi giới hiện tượng sụt giảm số lượng môi giới bất động sản trở thành làn sóng càn quét trên quy mô rộng khắp các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, tại khắp các địa phương trên cả nước, không có ngoại lệ.

Theo khảo sát của VARS, số lượng môi giới bất động sản hiện nay hoạt động trên thị trường chỉ còn khoảng 30-40% so với thời điểm cuối năm 2022. Hiện tượng này diễn ra trong khoảng thời gian dài, với từng đợt giảm dần và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề

Nếu không tìm được lối thoát kịp thời, thị trường sẽ phải đối mặt với kịch bản ra đi của nhiều doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARs, tình trạng khó khăn kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới các đối tượng tham gia thị trường bất động sản mà còn kéo theo sự trì trệ của hàng loạt các ngành nghề liên quan khác.

"Nếu không tìm được “lối thoát” kịp thời, rất có thể thị trường sẽ phải đối mặt với kịch bản ra đi của hàng loạt các đối tượng, từ doanh nghiệp đầu tư, phát triển bất động sản đến kinh doanh dịch vụ bất động sản và môi giới bất động sản. Hậu quả này sẽ trở thành vấn nạn cho cả nền kinh tế" - ông Đính lo ngại.

Phân tích rõ hơn, vị chuyên gia cho biết, tứ giác liên thông gồm: Bảo hiểm - Ngân hàng - Chứng khoán - Bất động sản liên quan chặt chẽ với nhau. Khó khăn của thị trường bất động sản nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây hệ lụy xấu đến các lĩnh vực còn lại và cả nền kinh tế.

Báo cáo của VARS phân tích, trường hợp giá trị sản xuất của nhóm ngành bất động sản thay đổi giảm 10%: GDP sẽ giảm 1,247%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng mạnh nhất, giảm tới 0,861%.

Tiếp theo đó là các ngành: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 0,366%); du lịch (giảm 0,352%); dịch vụ khác (giảm 0,348%); ngành chịu ảnh hưởng giảm thấp nhất là công nghiệp khai thác (giảm 0,210%)…

>>Chỉ 43% doanh nghiệp bất động sản tồn tại trong năm 2023

"Bắt mạch, cắt thuốc" cho thị trường

Dựa trên việc "bắc mạch" từng doanh nghiệp, phân nhóm doanh nghiệp khó khăn để xử lý, VARS đưa ra đề xuất giải pháp với 3 trường hợp.

Trường hợp 1, đối với các doanh nghiệp còn lực, còn “dấu hiệu sinh tồn”, khẩn trương thí điểm phê duyệt, giải quyết trực tiếp các vướng mắc, đưa doanh nghiệp thoát khỏi trạng thái nguy hiểm.

Để doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa hàng vào thị trường. Phương án này ưu tiên các dự án cấp thiết, phù hợp với nhu cầu thực. Đặc biệt lưu ý những doanh nghiệp lớn, có ảnh hưởng nhiều đến thị trường.

Trường hợp 2, đối với các doanh nghiệp yếu, hết năng lực triển khai dự án nhưng đã hoàn thiện cơ bản các thủ tục pháp lý thì tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư. Giải pháp này nhằm mục đích kết nối các chủ đầu tư với các nhà đầu tư để thực hiện kêu gọi đầu tư hoặc M&A.

Trường hợp 3, đối với các doanh nghiệp có dự án tồn đọng nhiều vướng mắc, trong khi không còn đủ năng lực triển khai dự án, nhà nước có biện pháp hỗ trợ, thực hiện việc “mua lại” các dự án của doanh nghiệp. Sau đó hoàn thiện thủ tục vướng mắc tồn tại. Rồi thực hiện đấu giá để lựa chọn các nhà đầu tư mới thực hiện dự án.

Song song với đó, tiếp tục có các giải pháp nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc chung cho toàn thị trường bằng các nghị định, chính sách sát thực, cụ thể, nhằm đúng vấn đề thị trường đang trông đợi.

Có thể bạn quan tâm

  • Lãi suất hạ nhiệt, thị trường bất động sản chính thức đón sóng đầu tư

    Lãi suất hạ nhiệt, thị trường bất động sản chính thức đón sóng đầu tư

    11:00, 07/06/2023

  • Chỉ 43% doanh nghiệp bất động sản tồn tại trong năm 2023

    Chỉ 43% doanh nghiệp bất động sản tồn tại trong năm 2023

    03:00, 07/06/2023

  • Đòn bẩy phát triển bất động sản tại Đồng bằng sông Cửu Long

    Đòn bẩy phát triển bất động sản tại Đồng bằng sông Cửu Long

    11:48, 06/06/2023

  • Tiến độ các dự án bất động sản được gỡ khó như thế nào?

    Tiến độ các dự án bất động sản được gỡ khó như thế nào?

    00:30, 06/06/2023

  • Giá bất động sản khó giảm sâu

    Giá bất động sản khó giảm sâu

    03:00, 05/06/2023

  • Thị trường bất động sản được gỡ khó nhờ giảm lãi suất cho vay

    Thị trường bất động sản được gỡ khó nhờ giảm lãi suất cho vay

    01:00, 05/06/2023

DIỆU HOA