Doanh nghiệp địa ốc tiếp tục “khất nợ” trái phiếu
Áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong tháng 8 đang tiếp tục gia tăng trong khi danh sách loạt doanh nghiệp chậm thanh toán vẫn tiếp tục nối dài.
>>Nợ xấu bất động sản có chiều hướng gia tăng
Dựa trên số liệu mới công bố từ Công ty Cổ phần Chứng khoán VnDirect, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong tháng 7 năm nay lên đến hơn 21,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tháng 8 được coi là tháng cao điểm thứ hai trong năm về lượng giá trị trái phiếu đạo hạn (sau tháng 6).
Doanh nghiệp địa ốc “khất nợ”
Theo ước tính, trong tháng 8 có khoảng trên 27,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn, tăng khoảng 31% so với tháng trước (số liệu đã loại trừ các trái phiếu được mua lại trước hạn đến 26/7).
Trong Q3, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trên toàn thị trường đạt hơn 75,9 nghìn tỷ đồng, tăng 14,9% so với Q2. Đáng chú ý, lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất gần 43,6% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong quý. Tiếp theo đó, ngành tài chính - ngân hàng cũng chiếm 30% tổng giá trị đáo hạn.
Ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch FiinGroup và Fiin Ratings cho rằng, hiện nay nhóm doanh nghiệp bất động sản là nhóm “khất nợ” nhiều nhất trong thời điểm đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu là bởi chu kỳ lĩnh vực địa ốc đi xuống cùng với bối cảnh vĩ mô, cũng như những thay đổi chính sách pháp lý. Điều này gây ảnh hưởng đến hoạt động cấp phép dự án và quá trình mở bán bị trì trệ. Từ đó làm giảm lợi nhợi cũng như dòng tiền các doanh nghiệp sụt giảm.
Có thể kể đến doanh nghiệp khất nợ trái phiếu như Công ty Cổ phần Đầu tư Ngôi sao Gia Định (TP.HCM) đã thông báo về việc chậm thanh toán lãi trái phiếu có mã GDSCH2123001. Lô trái phiếu này có khối lượng phát hành theo mệnh giá là 400 tỷ đồng, thời hạn kéo dài 36 tháng.
Doanh nghiệp này đã lý giải rằng việc thanh toán lãi trái phiếu bị chậm do tình hình tín dụng bị siết chặt, trong khi diễn biến thị trường giao dịch bất động sản không thuận lợi. Điều này đã dẫn đến tình trạng các chủ đầu tư không cân đối dòng tiền và không thu xếp kịp nguồn thanh toán đúng hạn cho trái chủ.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã và chưa niêm yết trên sàn chứng khoán cũng đang phải chọn phương án xin chậm thanh toán các khoản trái phiếu đến hạn do chưa chuẩn bị được tài chính.
Đơn cử, Công ty Cổ phần Fuji Nutri Food đã đưa ra lý do chưa thể sắp xếp kịp nguồn thanh toán, và xin "hoãn" khoản lãi trái phiếu FNFCH2124001 trị giá 720 tỷ đồng. Lô trái phiếu này đã được phát hành vào ngày 18/3/2021 với kỳ hạn 3 năm và lãi suất thực tế 11,5% mỗi năm cho kỳ tính lãi đầu tiên.
Trước đó, Fuji Nutri Food đã phát hành lô trái phiếu này nhằm góp vốn cho việc hợp tác kinh doanh theo hợp đồng với Công ty Cổ phần Địa ốc Ngân Hiệp, liên quan đến việc đầu tư Dự án Khu du lịch Ngân Hiệp 2 – Hồ Tràm.
>>Bitexco kiến nghị nhằm phát triển đồng bộ KĐT The Manor Central Park
Trước thực trạng trên, ông Thuân nhận định rằng, thị trường trái phiếu sẽ dần phục hồi nhưng với tốc độ rất chậm. Điều này xảy ra dù mặt bằng lãi suất đang có xu hướng đi xuống.
Giải pháp cho doanh nghiệp
Liên quan đến việc đàm phán hoãn nợ trái phiếu, theo báo cáo mới nhất về triển vọng thị trường trái phiếu của SSI Research cho biết, Nghị định 08/2023 về trái phiếu phát hành riêng lẻ đã mở ra cơ hội pháp lý cho việc hoãn nợ trái phiếu hiện tại trong khoảng thời gian đến hai năm hoặc chuyển đổi trái phiếu thành tài sản khác. Bên cạnh đó, Nghị định này cũng tạo ra tâm lý trì hoãn việc thanh toán trái phiếu trong thời gian dài hơn từ phía nhà phát hành.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc hoán đổi nợ trái phiếu được coi là giải pháp khả thi.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế cho rằng, vào thời điểm phương án này được chấp thuận thông qua việc ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023, phương án này được coi là khả thi đối với cả doanh nghiệp lẫn chủ nợ trái phiếu.
Ông Thịnh nói thêm, dưới góc nhìn tích cực, giải pháp này có thể tạo cơ hội cho người dân mua bất động sản với giá thấp hơn so với thị trường. Biện pháp này không chỉ “ép buộc” các trái chủ, mà còn cho thấy rằng bên phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo. Điều này tạo sự yên tâm hơn đối với những người đầu tư.
Có thể bạn quan tâm