Cẩn trọng với chiêu trò tinh vi của môi giới bất động sản
Sự xuất hiện từ những kẽ hở trong pháp luật về quản lý môi giới bất động sản đã tiếp tay cho nhiều “cò mồi” tự xưng môi giới lừa đảo khách hàng qua các hình thức ngày càng tinh vi.
>>Chung cư mini: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Nhiều thủ đoạn tinh vi lừa khách mua nhà
Trong thời gian qua, xuất hiện tình trạng môi giới tự vẽ "dự án ma" để lừa đảo và chiếm đoạt tiền của khách hàng, đặc biệt là khách hàng có sẵn dòng tiền nhưng thiếu kinh nghiệm trong ngành bất động sản. Điều này trở thành một vấn đề gây hậu quả nghiêm trọng, bởi không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng và nhà đầu tư, mà còn tạo ra sự bất ổn trong thị trường bất động sản.
Điển hình mới đây là vụ lừa đảo của một doanh nghiệp có trụ sở tại TP.HCM. Để thu hút các nhà đầu tư, công ty này đã tuyển một số lượng lớn nhân sự đóng vai trò làm môi giới bất động sản. Sau đó, họ hướng dẫn nhân sự tham gia vào các trang mạng xã hội để chia sẻ hình ảnh các căn nhà đẹp trên website của công ty và trên các nền tảng khác để giới thiệu bán.
Nhiều người có nhu cầu mua nhà sẽ được hẹn gặp tại một địa điểm, sau đó được đưa lên xe chở đến một địa điểm hoàn toàn không liên quan đến dự án ban đầu. Trên xe sẽ là những "diễn viên quần chúng" được thuê để làm "cò mồi" nhằm lôi kéo và đánh vào tâm lý khách hàng thông qua các lời tư vấn và các chiêu trò khuyến mãi như khách hàng chốt cọc liên tục... các lô đất đẹp gần như đã được giao dịch hết, chiết khấu giảm giá chỉ trong ngày duy nhất, cũng như rút thăm trúng thưởng...
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong nhiều năm qua, Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014 đã ủy quyền cho các chủ đầu tư dự án bất động sản quyền tự quyết định cách họ đưa sản phẩm của mình đến với khách hàng. Mỗi năm, các nhà phát triển và chủ đầu tư sẽ tạo ra hàng trăm nghìn sản phẩm, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của hạ tầng đô thị, hạ tầng dịch vụ và nguồn cung nhà ở.
Tuy nhiên, thực tế vẫn có không ít công ty địa ốc thực hiện chiến lược "nói một đằng, làm một nẻo", đưa những sản phẩm không đáp ứng đủ điều kiện bán hàng hoặc thiếu pháp lý lên thị trường. Sau đó, họ thường sử dụng các chiêu trò và tạo hiệu ứng đám đông để thu hút khách hàng. Hậu quả của điều này gây ra nhiều bất ổn trong thị trường bất động sản, bao gồm các vụ khiếu nại, tranh chấp và biểu tình từ phía khách hàng và nhà đầu tư.
Ông Tạ Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Wowhome cho biết, trước đây, chiêu trò "lùa gà" người mua bất động sản đã bị phát hiện, kèm theo đó là hàng loạt dự án "ma" đã bị xử phạt. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng liên tục đưa ra các cảnh báo, dẫn đến việc giảm dần tình trạng này. Tuy nhiên, thời gian gần đây lại bắt đầu dấu hiệu của việc tái xuất hiện của chiêu trò này.
Cần có cơ chế pháp luật ràng buộc trách nhiệm của môi giới
>>Hạ tầng tỷ đô thúc đẩy bất động sản phía Đông Hà Nội
Từ vấn đề trên, ông Kiên đưa ra lời khuyên đối với khách hàng và nhà đầu tư rằng cần phải tiến hành tìm hiểu và nghiên cứu kỹ lưỡng về hồ sơ pháp lý của sản phẩm cũng như quá trình giao dịch với các chủ đầu tư và môi giới có uy tín. Điều này rất quan trọng để đảm bảo tính minh bạch và an toàn cho giao dịch.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS cho rằng, thực tế, dù đã có quy định xử phạt nhưng môi giới bất động sản vẫn là ngành nghề gần như không có rào cản, mọi đối tượng đều dễ dàng tham gia.
Theo luật pháp hiện hành, quyết định xử phạt môi giới không cung cấp đầy đủ và chính xác hồ sơ, thông tin về bất động sản cũng như kinh doanh dịch vụ môi giới mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc hết hạn. Tuy nhiên, mức phạt này chỉ dao động từ 10 – 25 triệu đồng.
Nhằm bảo vệ quyền lợi cho người mua nhà cũng như nhà đầu tư, VARS khuyến nghị rằng cần có cơ chế pháp luật ràng buộc về vai trò, trách nhiệm của môi giới bất động sản trong việc tư vấn, cung cấp thông tin. Tất cả những đối tượng hành nghề tư vấn môi giới cho khách hàng phải hoàn thành đúng, đủ các quy định trước khi hoạt động, trong đó bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề môi giới.
Bên cạnh đó, cần bổ sung vào Luật Kinh doanh bất động sản các điều khoản cụ thể về vai trò, chức năng và nhiệm vụ của các tổ chức xã hội nghề nghiệp về môi giới bất động sản. Điều này nhằm hỗ trợ Nhà nước trong việc quản lý, giám sát thị trường bất động sản và tiết kiệm ngân sách quốc ra. Đồng thời, phù hợp với chuẩn mực pháp luật của nhiều nước trên thế giới.
Đáng chú ý, hiện nay có hơn 300.000 môi giới trên cả nước nhưng chỉ có 10% là đã nhận chứng chỉ hành nghề.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA, theo Luật Kinh doanh bất động sản, để được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới thì phải qua một khóa đào tạo theo nội dung chương trình của Bộ Xây dựng, qua sát hạch có chứng chỉ đã qua khóa đào tạo, sau đó Sở Xây dựng sẽ xem xét việc cấp chứng chỉ hành nghề. Do đó, việc siết chặt hoạt động môi giới là vấn đề cấp thiết nhằm ổn định lại thị trường.
Bên cạnh đó, ông Châu cho rằng, cần có thêm ID mã định danh đối với từng cá nhân để địa phương dễ dàng kiểm soát hoạt động.
Có thể bạn quan tâm
Hạ tầng tỷ đô thúc đẩy bất động sản phía Đông Hà Nội
03:00, 17/09/2023
Hải Phòng: Tạo không gian phát triển cho thị trường bất động sản
03:00, 15/09/2023
Startup CertifID phát triển công nghệ chống gian lận cho thị trường bất động sản
11:31, 13/09/2023
Hoàn thiện mô hình Sàn giao dịch bất động sản
14:00, 14/09/2023
Giải phóng tồn kho bất động sản
03:00, 13/09/2023