Lãi suất cho vay bất động sản dần "dễ thở"
Hiện mức lãi suất vay mua nhà đang giảm về mức kỳ vọng của người mua có nhu cầu thực. Theo các chuyên gia, thị trường địa ốc có thể trở nên thuận lợi hơn vào cuối năm khi những khó khăn được tháo gỡ.
>>Áp lực tài chính đè nặng doanh nghiệp bất động sản
Nhiều chính sách gỡ khó cho thị trường
Trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường bất động sản trải qua giai đoạn trầm lắng, Chính phủ cùng với các bộ ngành và UBND các tỉnh đã đưa ra những biện pháp quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Trong đó, NHNN cũng đã có 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành. Hiệu quả của những đợt giảm lãi suất này đã trở nên rõ ràng khi các ngân hàng thương mại đã liên tục giảm sâu lãi suất huy động.
Nhờ đó, trong những tháng gần đây, nhiều ngân hàng đã áp dụng mức giảm lãi suất đáng kể cho các khoản vay, bao gồm cả vay mua nhà với kỳ hạn ngắn.
Dựa trên báo cáo từ Công ty Chứng khoán VNDirect, tính đến cuối tháng 8, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trung bình tại các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng cổ phần đã giảm khoảng 1,1/1,8% kể từ đầu năm. Điều này đã tác động đến lãi suất cho vay, với mức giảm dao động từ 0,5 - 1,0%.
Trong tháng 9, lãi suất cho vay mua nhà tại các ngân hàng đang có sự biến động, với mức lãi suất dao động từ 4,99% - 11,8%/năm. Trong đó, mức lãi suất thấp nhất hiện nay là Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) ở mức 4,99%/năm, tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ áp dụng trong 3 tháng đầu với các khoản vay có thời hạn trên 24 tháng.
Tại các ngân hàng thương mại khác như HDB, TPBank, Eximbank, VIB..., lãi suất cho vay mua nhà chủ yếu dao động trong khoảng từ 6,8% - 9%/năm. Ngoài ra, cũng có một số ngân hàng áp dụng mức lãi suất cao hơn 9%/năm, có thể kể đến như SeABank (9,29%/năm), UOB (9,49%/năm)...
Bên cạnh những chính sách về lãi suất, NHNN cũng triển khai loạt giải pháp nhằm gỡ khó và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng trong các lĩnh vực chủ chốt, bao gồm cả lĩnh vực bất động sản.
Theo VNDirect, trong nửa đầu năm 2023, tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đã tăng 4,68%, đạt mức 2.701 nghìn tỷ đồng (~21,9% tổng tín dụng toàn nền kinh tế). Tuy nhiên, sau đó, lĩnh vực này đã thu hẹp xuống còn 2.622 nghìn tỷ đồng (+1,65% kể từ đầu năm, ~21,0% tổng tín dụng toàn nền kinh tế) trong 7 tháng.
>>Giải bài toán cho nhà ở xã hội
Trong số đó, tín dụng cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (946 nghìn tỷ đồng) đã tăng 17,4% kể từ đầu năm, trong khi tín dụng cho mục đích tiêu dùng liên quan đến bất động sản (1.753 nghìn tỷ đồng) đã giảm 1,12%.
Theo nhận định của các chuyên gia VNDirect, xu hướng hấp thụ tín dụng trái chiều trên thị trường cho thấy rằng mức lãi suất cho vay hiện tại đã trở nên dễ tiếp cận hơn đối với các chủ đầu tư, nhưng vẫn chưa đủ để thu hút người mua nhà.
Mức lãi suất sẽ dễ tiếp cận hơn trong thời gian tới
Theo TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia, thời gian qua, một loạt chính sách đã có tác động mạnh đến thị trường nhà đất. Chẳng hạn, chính sách tiền tệ đang dần được "nới lỏng", NHNN đã thực hiện 4 lần giảm lãi suất điều hành, dẫn đến giảm dần mặt bằng lãi suất. Ngoài ra, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như cơ cấu nợ và đảo nợ cũng đã được triển khai. Đây là những chính sách chưa từng xuất hiện trong lĩnh vực tài chính và thị trường bất động sản. Đặc biệt, chính sách tài khóa tiếp tục mở rộng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tiếp tục giãn hoãn thuế và giảm phí.
Ông Lực khẳng định rằng những chính sách này khi được đẩy mạnh triển khai, sẽ giúp dòng vốn cho thị trường bất động sản trở nên dễ tiếp cận hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, đầu năm 2024 chính là thời điểm thuận lợi để đưa ra quyết định đầu tư do lãi suất giảm và giá bất động sản được điều chỉnh hợp lý.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ tác động đến kênh dẫn vốn, pháp lý và cân đối cung cầu trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách cần được quyết liệt hơn và cần tạo ra sự đồng bộ giữa các chính sách để giải quyết các vấn đề pháp lý còn tồn đọng.
Đặc biệt, nếu Luật Đất đai 2023 được thực hiện đúng tiến độ và có hiệu lực vào 6 tháng cuối năm 2024, sẽ giúp giải quyết các vướng mắc trong việc phê duyệt dự án tại các khu dân cư mới. Đồng thời, nguồn cung nhà ở cũng dần phục hồi trong giai đoạn 2024 – 2025, các chuyên gia VNDirect cho biết.
Theo dự đoán từ ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS, từ quý 3/2024 sẽ phục hồi mạnh mẽ, rõ ràng hơn khi các chính sách tháo gỡ khó khăn cho bất động sản mang lại tác động tốt hơn. Chính phủ vẫn duy trì những động thái quyết liệt. Từ đó, các nhà đầu tư cần phải tuân thủ quy định pháp luật, đặc biệt duy trì thị trường minh bạch, ổn định và phát triển một cách thực sự bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Tận dụng đà phục hồi thị trường bất động sản
02:30, 30/09/2023
Navi Property ra mắt ứng dụng quản trị kinh doanh bất động sản chuyên nghiệp
09:15, 29/09/2023
Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn "hẩm hiu"
03:30, 29/09/2023
Áp lực tài chính đè nặng doanh nghiệp bất động sản
02:30, 29/09/2023
Tín dụng bất động sản sẽ “dễ thở” hơn?
14:35, 28/09/2023