Doanh nghiệp bất động sản: “Cái khó ló cái khôn”
Tuy chưa có sự chuyển biến rõ rệt nhưng thị trường bất động sản (BĐS) đang dần có những dấu hiệu phục hồi. Quá trình này diễn ra tại mỗi địa phương mỗi khác.
Nhưng góp chung lại sẽ tạo lên những tín hiệu ngày một rõ rệt hơn cho toàn thị trường.
>>> Khơi thông “điểm nghẽn” phát triển bền vững thị trường bất động sản
Chính phủ dường như đang quan sát rất kỹ tình trạng sức khỏe của các doanh nghiệp và môi giới bất động sản để có những chỉ đạo sát sao nhất, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các nhóm đối tượng này.
Mới đây nhất, việc quyết định tạm hoãn thực hiện một số quy định hạn chế cho vay trong Thông tư số 06/2023/TT-NHNN trước những ý kiến phản hồi và đề xuất của các đối tượng tham gia thị trường, cũng cho thấy sự “lắng nghe”, đồng hành và ủng hộ từ phía Chính phủ, các cơ quan bộ ngành.
Niềm tin được củng cố và phục hồi
Thực tế cũng cho thấy sự vào cuộc và đồng hành tích cực từ phía hệ thống ngân hàng. Trước những phản hồi về thực trạng lãi suất đang neo ở mức cao so với khả năng hấp thụ của doanh nghiệp BĐS, rất nhiều ngân hàng đã đồng loạt có động thái giảm lãi suất. Tuy mức lãi suất hiện hành chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng của thị trường nhưng cũng đã cho thấy thiện chí đồng hành của hệ thống ngân hàng.
Trước những động thái quyết liệt từ phía Chính phủ, các cơ quan bộ ngành và sự vào cuộc của cả hệ thống ngân hàng, niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư vào sự phục hồi của thị trường BĐS ngày càng được củng cố. Đây là một trong những vấn đề then chốt, mang tính quyết định tới tiến trình “phục hồi” của thị trường. Bởi lẽ chỉ khi nào khách hàng, nhà đầu tư mạnh dạn “xuống tiền” lúc đó thị trường mới có thanh khoản. Mọi cố gắng, nỗ lực của các phía mới đi đến kết quả cuối cùng.
Tại nhiều địa phương đã ghi nhận kết quả giao dịch BĐS đang dần tăng lên và ổn định. Với các sản phẩm có pháp lý đầy đủ, được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín, phù hợp với thị hiếu của người dân, giá bán đã ghi nhận mức tăng nhẹ trở lại. Tâm lý khách hàng, nhà đầu tư dần ổn định, khiến “làn sóng bán cắt lỗ” cũng đã có dấu hiệu được kiểm soát. Khi thị trường có thanh khoản, chủ đầu tư giải quyết được hàng tồn, có dòng tiền. Các sàn giao dịch, môi giới bất động sản cũng có nguồn thu nhập từ hoa hồng bán hàng. Toàn bộ thị trường sẽ dần được kích hoạt trở lại.
Cùng với việc ban hành hàng loạt các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ thị trường BĐS, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác của thủ tướng Chính phủ về giải quyết khó khăn và vướng mắc cho thị trường BĐS. Theo đó, Tổ Công tác đã tiếp cận trực tiếp tới từng doanh nghiệp, từng dự án đang bị vướng mắc để đưa ra hướng xử lý cụ thể. Việc làm này không thể cho kết quả “ngay tức khắc” được vì cần thời gian tiếp cận, xem xét, nghiên cứu hồ sơ, xác định rõ các điểm vướng mắc. Trên cơ sở đó, bàn luận và thống nhất đưa ra hướng xử lý.
Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian thực hiện, sắp tới chắc chắn số lượng các dự án được hỗ trợ gỡ vướng sẽ tăng lên. Đây là cơ sở giúp thị trường mở dần các nút thắt, giúp nguồn cung dần được cải thiện. Từ đó giải tỏa được nhiều khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp BĐS.
Sự “vận động nội tại” của doanh nghiệp
Thời gian đầu khi phải đối mặt với hàng loạt khó khăn từ thị trường BĐS, không ít doanh nghiệp bất động sản, môi giới bất động sản trở nên lao đao, khủng hoảng. Theo thống kê, số lượng doanh nghiệp BĐS phá sản, môi giới bất động sản thất nghiệp ngày càng ra tăng và chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Đỉnh điểm có lúc, số lượng sàn giao dịch, môi giới BĐS còn hoạt động chỉ chiếm khoảng 30% so với thời kỳ bình thường trước. Tuy nhiên, “cái khó ló cái khôn”, càng ngày, các doanh nghiệp BĐS, môi giới BĐS càng cho thấy sự thay đổi tích cực trong cách ứng biến với khó khăn. Hàng loạt các biện pháp nhằm đối phó được thực hiện, bao gồm: Tái cơ cấu doanh nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, áp dụng chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ...
Có thể thấy, sau rất nhiều động lực ngoại biên từ các phía, thì sự “vận động nội tại” của các doanh nghiệp và môi giới BĐS góp phần không nhỏ vào sự thúc đẩy khả năng phục hồi. Các chủ đầu tư sẵn sàng chia sẻ và “hy sinh” cho thị trường, khách hàng thông qua nhiều chính sách kích cầu, và nếu khách hàng không tận dụng thời cơ sẽ khó có cơ hội được quay trở lại thời điểm có những điều kiện tốt như lúc này. Một khi thị trường BĐS phục hồi và ổn định thì những chính sách hỗ trợ sau sẽ rất khó để xuất hiện trở lại. Do đó, tại thời điểm này các khách hàng cũng nên nắm bắt cơ hội để đầu tư.
Đối với các doanh nghiệp BĐS, muốn bán được hàng trong thời buổi hiện nay thì chất lượng, pháp lý, tiến độ dự án luôn phải được đặt lên hàng đầu. Thay vì ngồi chờ và bỏ nhiều tiền vào marketing, PR dự án thì phải chú trọng vào chất lượng dự án, đầu tư thực chất và nếu có bán dự án nhà ở hình thành trong tương lai cũng cần hướng đến lợi ích của khách hàng.
Thị trường đang xuất hiện những điểm sáng ở các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng, tốc độ đô thị hóa cao, đặc biệt là các sản phẩm nhà ở được đầu tư bởi chủ đầu tư uy tín, có pháp lý tốt, phục vụ nhu cầu thực, có thanh khoản tốt trong dài hạn và nhu cầu cho thuê cao.
Có thể bạn quan tâm
Thế hệ doanh nghiệp bất động sản mới
09:42, 12/10/2023
Xu hướng ESG trong bất động sản: Quá trễ để không thay đổi
03:00, 12/10/2023
Doanh nghiệp bất động sản tiếp cận tín dụng đã dễ dàng hơn
10:00, 11/10/2023
Tín dụng bất động sản sẽ “dễ thở” hơn?
04:53, 11/10/2023
Nguồn vốn tín dụng chảy mạnh vào bất động sản
03:00, 11/10/2023