Tái cơ cấu sản phẩm bất động sản theo nhu cầu thực của thị trường
Thị trường bất động sản vẫn tập trung những sản phẩm đầu cơ phục vụ nhu cầu cao cấp, trong khi sản phẩm bình dân rất ít.
>>>Xây dựng hành lang pháp lý cho chung cư mini
Đây là một trong những nhận định của TS. Trần Du Lịch - Chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 của TPHCM - khi chia sẻ tại hội thảo "Triển vọng thị trường bất động sản" do Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa tổ chức. TS. Trần Du Lịch cũng cho rằng sự bất cân xứng về sản phẩm bất động sản cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường khó hồi phục nhanh.
Thị trường vẫn còn trong giai đoạn rất khó khăn, dù tình hình khó khăn giảm dần theo thời gian, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, những nỗ lực vượt cơn gió ngược của các doanh nghiệp đã giúp bất động sản phần nào vượt, nhưng phần nào vẫn còn rất khó khăn, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA bày tỏ.
Theo ông Châu, về mặt vĩ mô, kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu tốt. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là là điểm sáng trên toàn cầu, vị thế Việt Nam cũng được khẳng định mạnh mẽ khi các nhà lãnh đạo cấp cao của quốc gia đi thăm, làm việc tại các nước rất được chào đón. "Thời gian qua, với nỗ lực của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đã có những quyết sách gỡ vướng quyết liệt để khơi thông cho thị trường bất động sản. Hiện nay, vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản là vấn đề pháp lý đã phần nào được tháo gỡ. Với những Luật mà Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 6 đang xem xét, chúng ta có niềm tin và cần có những hành động cụ thể, tìm ra các giải pháp để đồng hành cùng Chính phủ cùng dỡ bỏ các khó khăn của thị trường", ông Châu cho biết.
Đánh giá về thị trường bất động sản trên địa bàn TP Hồ Chí Minh 9 tháng đầu năm 2023, ông Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh - cho biết các hoạt động kinh doanh BĐS ghi nhận tăng trưởng âm.
Về nguồn cung nhà ở, 9 tháng đầu năm 2023 đã có 15 dự án nhà ở thương mại được xác nhận đủ điều kiện để bán, cho thuê mua sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai với 15.020 căn được đưa ra thị trường (gồm 13.767 căn hộ chung cư và 1.253 căn nhà thấp tầng), trong đó phân khúc cao cấp có 9.969 căn và phân khúc trung cấp 5.051 căn, không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân.
"Hoạt động kinh doanh BĐS 9 tháng đầu năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đã dần hồi phục cả về tỷ lệ tăng trưởng và doanh thu so với đầu năm, nguồn cung nhà ở thương mại cao hơn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vốn đầu tư trong nước và nước ngoài rót vào hoạt động kinh doanh BĐS còn hạn chế, nguồn cung nhà ở phân khúc bình dân không có sản phẩm đưa ra thị trường.
Thành phố đã nhận thấy những vướng mắc, khó khăn mà doanh nhân, doanh nghiệp kinh doanh BĐS gặp phải, ảnh hưởng đến hoạt động và thành phố đã có nhiều giải pháp quyết liệt, tập trung tháo gỡ những của doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế chung của thành phố. Chính phủ và thành phố đã có nhiều giải pháp quyết liệt, tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, đặc biệt là xác định luôn luôn đồng hành với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản”, ông Quân đánh giá.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, để thị trường BĐS thành phố hoạt động minh bạch, lành mạnh, chuyên nghiệp; có hệ thống cung ứng dịch vụ, sản phẩm đa dạng, chất lượng cao; hình thành và phát triển các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh BĐS chuyên nghiệp, có thương hiệu, tạo nên thị trường BĐS có sức hấp dẫn; đóng góp quan trọng về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường bền vững, góp phần chỉnh trang, phát triển đô thị, kiến trúc, cảnh quan của thành phố, đề nghị:
>>>Kiểm toán dự án do doanh nghiệp tự thoả thuận GPMB: Không hợp lý
Thứ nhất, HoREA nghiên cứu phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, các mô hình kinh doanh mới để hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp kinh doanh BĐS mở rộng không gian phát triển; nghiên cứu cơ chế phát triển đồng bộ các loại thị trường, nhất là thị trường BĐS với thị trường vốn, xây dựng, lao động, khoa học và công nghệ; đặc biệt là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để tạo điều kiện cho doanh nhân, doanh nghiệp kinh doanh BĐS có bước đột phá trong một số lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng.
Thứ hai, đối với doanh nhân, doanh nghiệp kinh doanh BĐS cần nghiên cứu thực hiện các giải pháp như: Chủ động tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, tinh giảm bộ máy, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, số hóa, trí tuệ nhân tạo,... để tiết giảm chi phí hoạt động; Tăng cường liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp khác; Tái cơ cấu sản phẩm BĐS theo nhu cầu thực của thị trường, chú trọng phát triển phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp; Rà soát giá bán, thời hạn, phương thức thanh toán,... phù hợp thực tế, khả thi, thuận lợi cho khách hàng, người dân, nhất là đối tượng có nhu cầu thực sự.
Đặc biệt, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, có một vấn đề phản ánh khá rõ bức tranh giao dịch của thị trường BĐS trên địa bàn. Theo đó, TP Hồ Chí Minh có 470 sàn giao dịch BĐS. Theo Sở khảo sát, có 81 sàn có đăng kí trên hệ thống, 61 sàn không hoạt động. "Sắp tới sẽ có trường hợp được Sở gửi thông tin để các đơn vị xác nhận lại sàn mình còn hay không, để phục vụ sắp tới khi các Luật sửa đổi, bổ sung và các Nghị định mới ban hành có hiệu lực, thì tuân thủ hoạt động theo quy định mới", ông nói.
Ông Quân bày tỏ hy vọng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh BĐS nói riêng tăng trưởng, phát triển tốt và có đóng góp rất quan trọng cho kinh tế TP Hồ Chí Minh, cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể bạn quan tâm
Nguồn sinh lời thụ động từ bất động sản của giới nhà giàu
10:00, 27/10/2023
OneHousing ra mắt mạng lưới môi giới bất động sản công nghệ
14:06, 27/10/2023
Vướng mắc pháp lý bất động sản: Địa phương lúng túng vì không biết hỏi ai
01:00, 27/10/2023
Phát triển nhà ở xã hội: Điểm tựa phục hồi thị trường bất động sản
11:30, 26/10/2023
“Bất động sản Bán nghỉ dưỡng” Fusion Homes mang luồng gió mới tới thị trường
11:13, 26/10/2023