Doanh nghiệp địa ốc và nỗi lo vướng mắc pháp lý
Các doanh nghiệp địa ốc cho biết đến thời điểm hiện tại, khó khăn lớn nhất của bất động sản vẫn là vướng mắc pháp lý, làm thế nào cho đúng pháp luật là câu hỏi rất khó cho doanh nghiệp.
>>Bất động sản trung tâm dữ liệu: Cơ hội cho doanh nghiệp
Thị trường bất động sản đã trải qua hơn 1 năm khó khăn, Chính phủ đã ban hành những chính sách tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường. Song, theo các doanh nghiệp đến hiện tại vướng nhiều nhất vẫn là pháp lý.
Quy định chồng chéo, dự án đứng hình
Theo ông Bùi Ngọc Đức, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Đất Xanh, một năm qua, không chỉ Đất Xanh mà các doanh nghiệp khác cũng gặp nhiều khó khăn. Gần như mỗi lần đi kiến nghị doanh nghiệp cũng đặt câu "cầu khẩn" lên đầu rồi sau đó mới liệt kê những khó khăn.
Lấy ví dụ cụ thể về dự án của đơn vị này đang vướng các quy trình, thủ tục liên quan đến khâu cập nhật biến động đất đai. Ông Đức cho hay, dự án được Đất Xanh mua lại từ năm 2019, đến năm 2020 thì quy định pháp luật liên quan có hiệu lực. Doanh nghiệp đã triển khai đầy đủ thủ tục từ giấy phép, chủ trương đầu tư đến khi có đất ở lại vướng tiếp thủ tục đăng ký cập nhật biến động đất đai, cứ phải loay hoay hoàn thành thủ tục.
Theo ông Đức, các quy định hiện nay áp dụng theo pháp luật nhưng lại mang tính địa phương cao, điều này gây cản trở cho các doanh nghiệp. "Làm thế nào cho đúng pháp luật là câu hỏi rất khó cho doanh nghiệp. Việc này, ảnh hưởng lớn không chỉ với lĩnh vực bất động sản mà cả môi trường đầu tư tại Việt Nam", ông Đức nhận định.
Cũng trong tình trạng tương tự, ông Ngô Đức Sơn, Tổng giám đốc CTCP DRH Holdings cũng chia sẻ rằng bản thân các nhà phát triển dự án đều lường được những khó khăn và đã tính con đường để vượt qua, nhưng riêng khó khăn về chính sách như pháp lý đầu tư, pháp lý cho thị trường bất động sản thì doanh nghiệp không tính được.
Ông Sơn chia sẻ, vừa qua, một dự án ở Đồng Nai đã được gia hạn thêm thời gian hoàn thành. Tương tự, ở TP.HCM, đối với các dự án xin chủ trương đầu tư cũng được các sở ngành tạo điều kiện rất nhiều. Nhưng đó chỉ là nỗ lực của một vài địa phương, còn bức tranh chung của thị trường vẫn còn nhiều vấn đề.
>>Doanh nghiệp bất động sản “rầm rộ” ra hàng
Khó bứt phá
Ở một góc nhìn khác, theo Báo cáo về phân tích áp lực dòng tiền của doanh nghiệp và khuyến nghị chính sách giai đoạn cuối năm 2023 và một số định hướng tiếp theo, do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa đưa ra cũng cho biết, doanh nghiệp xây dựng và bất động sản gặp vấn đề lớn nhất về dòng tiền, số ngày tồn kho tăng lên.
Theo đó, trong 10 tháng đầu năm có 1067 doanh nghiệp bất động sản phải đóng cửa. Doanh nghiệp thành lập mới là 3850, giảm hơn 50% so với cùng kỳ.
"Số ngày tồn kho trung bình của doanh nghiệp bất động sản quý I/2023 lên đến 5.662 ngày, cá biệt doanh nghiệp có số ngày tồn kho lên đến 54.334 ngày và với tình hình bán hàng như hiện tại doanh nghiệp này sẽ phải mất 149 năm mới bán hết giỏ hàng", Ban IV nêu.
Đưa ra dự báo thị trường, theo chuyên gia Trần Du Lịch, năm 2024 kinh tế chưa hy vọng khởi sắc mạnh mẽ, nhưng chắc chắn tốt hơn năm 2023. Thị trường bất động sản không thể đổ vỡ, nhưng để thuận lợi như trước năm 2019 thì chưa. Thị trường có thể chuyển từ âm ít sang dương ít vào quý IV, khởi sắc hơn từ quý II-2024.
Trong khi đó, theo ông Bùi Ngọc Đức, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Đất Xanh, khó khăn nhất đã qua, vùng đáy đã qua và thị trường đang có diễn biến tích cực. Sức hấp thụ của thị trường dù chưa đạt kỳ vọng như giai đoạn 2020 - 2021, nhưng đã rục rịch tăng.
Có thể bạn quan tâm