“Đế chế” than lậu Yên Phước – Bài 1: “Bà trùm” sa lưới
Trốn thuế thu nhập, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường..., cùng các hành vi khai thác, tiêu thụ than trái phép đã mang lại cho Công ty Yên Phước (Thái Nguyên) những nguồn lợi “khổng lồ”…
Ngày 27/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên" xảy ra tại Công ty Cổ phần Yên Phước, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương (trụ sở tại T.X Kinh Môn, Hải Dương) và các đơn vị có liên quan.
Đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với 12 bị can, trong đó có Châu Thị Mỹ Linh (Giám đốc Công ty CP Yên Phước); Ngụy Quang Thuyên (nhân viên Công ty CP Yên Phước); Doãn Thị Định (nhân viên kế toán Công ty CP Yên Phước); Đỗ Thị Luyến (nhân viên Công ty CP Yên Phước). Ngoài 1 bị can là Nguyễn Tuấn Anh, kinh doanh vận tải, 7 bị can còn lại đều liên quan đến Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương.
Kết quả điều tra ban đầu xác định bị can Châu Thị Mỹ Linh cùng với các bị can Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang là người điều hành Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương đã lên kế hoạch tổ chức đường dây khai thác, mua bán hàng triệu tấn than trái phép tại Mỏ than Minh Tiến (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên).
Trước đó, lực lượng chức năng đã khám xét các bãi than thuộc các doanh nghiệp tại Thái Nguyên và Hải Dương. Phần lớn các bãi than có khối lượng chênh lệch so với hóa đơn nhập hàng. Có bãi than, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục nghìn tấn không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn.
Theo cơ quan chức năng, việc trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên môi trường, phí bảo vệ môi trường..., đó là nguồn thu lợi bất chính với những số tiền “khổng lồ” từ hành vi khai thác, tiêu thụ than trái phép.
Cụ thể, gần 2,5 triệu tấn than gồm: than nguyên khai, than cám nghiền từ bã sàng và than xít… đã được khai thác trong vòng khoảng 2 năm rưỡi ở mỏ than Minh Tiến (Thái Nguyên). Thế nhưng, theo báo cáo của chủ mỏ là Công ty Cổ phần Yên Phước và đơn vị khai thác là Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương, chỉ có 8.500 tấn than/năm theo như giấy phép, nghĩa là số lượng than khai thác vượt mức cho phép lên tới gần 120 lần.
Được biết, nhằm hợp thức hóa việc khai thác theo đúng sản lượng được cấp phép hàng năm, các đối tượng đã ký khống 2 hợp đồng khai thác than bằng phương pháp lộ thiên. Hiện tại mỏ vẫn còn tồn gần 1,5 triệu tấn than chưa kịp tiêu thụ.
Theo tìm hiểu, Công ty Yên Phước được cấp giấy phép số 1091/GP-UBND ngày 02/06/2014, thời hạn khai thác đến ngày 28/6/2031, trữ lượng khai thác 136.256 tấn, công suất khai thác 8.500 tấn/năm. Phương thức khai thác của doanh nghiệp là hầm lò với diện tích khu vực khai thác 59ha, thuộc địa phận xã Minh Tiến và Na Mao (Đại Từ).
Công ty Yên Phước đã từng bị phát hiện xử lý về hành vi khai thác vượt quá ranh giới, vượt quá chiều cao tầng cho phép, nhưng vì sao doanh nghiệp này vẫn tiếp tục vi phạm khi việc khai thác lộ thiên không dễ để che giấu là điều khiến dư luận vô cùng khó hiểu?
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng băn khoăn cho rằng, vấn đề lỗ hổng trong cơ chế quản lý hay do bất cập về hình thức xử lý cũng là câu hỏi cần được trả lời trước thực trạng khai thác than trái phép hiện nay?
Lại nói về Công ty Yên Phước, cần phải nhắc thêm rằng, năm 2020, công ty này đã bị tỉnh Thái Nguyên xử phạt hơn 500 triệu đồng. Thế nhưng, theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan chức năng cho thấy, số tiền thu lợi bất chính từ các hành vi liên quan đến khai thác trái phép là trên 100 tỷ đồng.
Đây cũng là lý do khiến nhiều người cho rằng, phải chăng, lợi nhuận thu được quá lớn so với tiền nộp phạt, thêm vào đó, việc tiêu thụ khá dễ dàng là những lý do chính dẫn đến tình trạng khai thác than trái phép của Công ty Yên Phước kéo dài suốt nhiều năm qua?
Thưa quý bạn đọc, tại huyện Đại từ, tỉnh Thái Nguyên, cái tên bà “trùm” Châu Thị Mỹ Linh cùng doanh nghiệp mang tên Yên Phước cũng không hề xa lạ với người dân nơi đây, bởi suốt nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân sống cận kề mỏ than của công ty này luôn phải sống trong sợ hãi với những hiểm họa rình rập trên đầu.
Những lời cầu cứu theo đơn thư từng liên tục được gửi đến các cơ quan chức năng, tuy nhiên, kết quả sau đó lại không được như người dân mong đợi… Nhiều người còn cho rằng, Công ty Yên Phước không chỉ là nỗi khiếp sợ của người dân, mà còn ám ảnh cả lãnh đạo chính quyền sở tại.
Vậy, suốt thời gian qua, doanh nghiệp này hoạt động như thế nào? Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin trong các bài viết sau!
Có thể bạn quan tâm
Vụ chủ mỏ làm càn, người dân bất an tại Thái Nguyên: Đem mạng người treo… sợi chỉ!?
05:30, 31/07/2020
Vụ chủ mỏ than “làm càn” tại Thái Nguyên: Chính quyền địa phương đã “bó tay”?
11:00, 26/07/2020
Thái Nguyên: Chủ mỏ “làm càn”, người dân bất an
04:30, 11/07/2020
Đại Từ (Thái Nguyên): Người dân “kêu cứu” vì ô nhiễm môi trường từ mỏ than Yên Phước
16:55, 25/06/2020