Người lao động xoay xở ra sao trước “cơn bão” tăng giá hàng hóa?
Trong những ngày qua, khi giá xăng dầu leo cao thì giá cả nhiều mặt hàng hóa thiết yếu cũng được “té nước” tăng cao, khiến nhiều gia đình đau đầu về bài toán thu chi.
>>>Doanh nghiệp chủ động ứng phó với siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa
Giá tăng “phi mã”
Theo khảo sát của phóng viên, giá cả một số mặt hàng thiết yếu tại TP.HCM hiện đã tăng từ 15-25% so với cùng kỳ năm 2021, thậm chí có mặt hàng tăng lên đến trên 40%. Cụ thể, dầu ăn (loại 1 lít) giá từ 39.000 đ/chai, tăng lên 46.000 đ/chai, tương đương với mức tăng 17,9%; nước mắm phân khúc bình dân từ 24.000 đ/chai, tăng lên 31.000 đ/chai, tương đương tăng 29%; đường trắng từ 17.000 đ/kg, tăng lên 25.000 đ/kg, tương đương tăng 47%; các loại thịt, cá, rau củ quả ngoài chợ cũng tăng giá từ 10 – 15% tùy loại.
Ngoài ra, giá mặt hàng gas thời gian qua cũng đã tăng mạnh. Nếu thời điểm đầu năm 2021, giá gas loại bình 13kg giao động quang mức 350.000 đ – 360.000 đ/bình, thì hiện nay giá phổ biến tại các cửa hàng gas giao động quanh mức 510.000 đ – 515.000 đ/bình, tương đương với mức tăng 43%.
Giá cả hàng hóa tăng cao khiến người dân TP.HCM đau đầu với bài toán thu – chi trong gia đình. Chị Nguyễn Thanh Thúy, nhân viên văn phòng nhà ở đường Lê Trong Tấn, quận Tân Phú TP.HCM cho biết, chưa khi nào chị thấy giá cả hàng hóa tăng chóng mặt như thời gian này, đụng vào cái gì cũng thấy tăng giá từ bó rau, cân gạo… cho đến cân thịt, bình gas… Chị cho biết, khi thắc mắc thì ai cũng nói do giá xăng tăng cao nên họ cũng phải tăng giá theo, chỉ có người tiêu dùng sau cùng là phải cắn răng chịu đựng.
“Nhà tôi 2 vợ chồng đều làm giờ hành chính, nên tôi có thói quen 1 tuần đi chợ 1 lần, mua thực phẩm về ướp sẵn rồi phân ra từng ngày, cho vào hộp bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh, ăn ngày nào thì chỉ việc rã đông rồi nấu. Nếu trước đây, chỉ hết khoảng 700.000 – 800.000 đồng/cho 1 tuần, thì hiện nay đã phải tăng lên hơn 1 triệu/tuần. Chí phí tăng lên chóng mặt, nhưng thu nhập thì không thay đổi, nên nhiều lúc áp lực và stress ghê gớm”, chị Thúy chia sẻ.
Tương tự, chị Trần Thị Thu Loan, công nhân trong Khu công nghiệp Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh TP.HCM cho biết, hơn 1 tháng nay, chị đau đầu với bài toán thu chi cho gia đình. Chị cho rằng, từ khi giá xăng dầu tăng cao đến nay, thì hầu hết các loại hàng hóa thiết yếu khác cũng đều “té nước” tăng theo, khiến những gia đình công nhân như chị vốn đã chịu nhiều áp lực nay lại càng khó khăn hơn.
Chị Loan chia sẻ, hai vợ chồng chị quê ở Tiền Giang lên TP.HCM làm công nhân, lương cả 2 vợ chồng bình quân cũng chỉ tầm 15 triệu đồng/tháng. Do phải ở phòng trọ chật chội, nên chị phải gửi cháu lớn ở nhà cho ông bà nội chăm, hàng tháng chị gửi tiền về phụ ông bà lo tiền học và tiền ăn cho cháu, còn cháu nhỏ đang học lớp 1 thì theo anh chị lên Thành phố.
“Bình thường vợ chồng tôi đã phải rất tiết kiệm thì mỗi tháng mới có dư được vài triệu để dành phòng thân những lúc đau ốm, bệnh tật. Nhưng từ ngày giá cả tăng cao, khoản dư ra cũng chẳng còn bao nhiêu. Lo nhất là khi con ốm đau lại không có tiền đi bệnh viện”, chi Loan lo lắng.
>>>Siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa tác động lên lạm phát Việt Nam như thế nào?
Không chỉ người tiêu dùng, mà nhiều người bán hàng cũng bất ngờ khi giá cả hàng hóa liên tục tăng phi mã. Cô Nguyễn Thị Hồng, chủ một cửa hàng tạp hóa tại quận 12, TP.HCM tỏ ra bất ngờ khi các đại lý, nhà cung cấp liên tục thông báo tăng giá nhập hàng. Cô cho biết, hầu như mặt hàng nào cũng tăng giá thấp nhất là 10%. Nếu trước đây, một thùng bia cô nhập từ đại lý có giá từ 330.000 đ/thùng, thì nay đã tăng lên 365.000 đ/thùng. Các loại hàng hóa khác như mì tôm, gạo, nước mắm, dầu ăn… cũng đã tăng từ 10-15%.
“Nhiều đại lý còn thông báo thời gian tới giá sẽ còn tăng tiếp. Tôi bán tạp hóa mấy chục năm nay, chưa thấy năm nào giá cả lại tăng mạnh như trong quý 1 năm nay. Người dân TP HCM vừa trải qua một năm đầy khó khăn do dịch COVID-19 chưa kịp “hoàn hồn”, thì nay lại phải chịu cảnh giá cả tăng cao như thế này thì chịu sao nổi”, cô Hồng bộc bạch.
Chắt bóp chi tiêu
Để có thể giải quyết được bài toán chi tiêu trong bối cảnh giá cả tăng phi mã hiện nay, chị Thúy cho biết, chị đã phải cắt giảm nhiều khoản chi không cần thiết. Thậm chí, chị đã phải từ bỏ món trà sữa khoái khẩu của mình, đồng thời nấu cơm nhà mang đến cơ quan ăn thay vì ăn cơm văn phòng như trước đây.
“Trước đây, vợ chồng tôi thường chở con ra ngoài ăn sáng xong rồi chở cháu đi học, rồi 2 vợ chồng đi làm, trưa gọi cơm văng phòng. Nhưng hơn 1 tháng nay, tôi phải dậy sớm hơn mọi khi nấu đồ ăn sáng cho cả nhà và mang cơm theo để trưa ăn, tôi cũng đã phải “cai” món trà sữa khoái khẩu của mình hàng ngày để mong tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. Ngày trước hai vợ chồng mỗi người một xe đi làm, giờ thì hai vợ chồng đi chung 1 xe, anh xã chở tôi đi làm trước rồi đến cơ quan sau, may mắn là công ty của 2 vợ chồng cũng không xa nhau lắm nên cũng thuận tiện”, chi Thúy chia sẻ.
Còn chị Thu Loan thì cho biết, chồng chị phải hy sinh cữ cà phê sáng để tiết kiệm chi phí, còn chị khi đi chợ cũng cố gắng tiết giảm những khoản không cần thiết. “May mắn là vợ chồng tôi thuê phòng trọ ở gần công ty, nên đi xe đạp đi làm, vì vậy mà tiết kiệm được một khoản chi phí từ tiền xăng. Vợ chồng tôi thì có thể tằn tiệm, ăn gì cũng được, nhưng cháu nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học nên phải đầy đủ, sữa cũng không thể cắt của cháu được”, chị Loan nói và cho biết thêm, vợ chồng chị cũng đang tính chuyện xin chuyển trường cho cháu về quê học và nhờ ông bà trông giúp vì ăn, học ở quê cũng đỡ tốn hơn ở Thành phố, nhưng anh chị vẫn chưa quyết định.
“Tôi đã bàn với chồng về việc này, nhưng anh ấy chưa chịu. Ảnh nói, nhà có tiếng trẻ con quen rồi, giờ không có sẽ rất trống vắng và nhớ con. Thật ra, tôi còn nhớ con hơn ảnh, đi làm về mệt có đứa con thủ thỉ cũng vơi bớt phần nào, giờ mà phải gửi cháu về quê chắc tôi cũng chịu không nổi vì nhớ cháu”, chị Loan bộc bạch.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp chủ động ứng phó với siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa
02:00, 25/05/2021
Những ngành hưởng lợi từ nguy cơ tăng giá hàng hóa
05:32, 24/05/2021
Siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa tác động lên lạm phát Việt Nam như thế nào?
05:00, 23/05/2021
Nguy cơ siêu chu kỳ tăng giá hàng hoá, ngành nào sẽ gặp khó?
11:00, 21/05/2021
[COVID-19] VinMart và VinMart+ cam kết đồng hành, đảm bảo nguồn cung, bình ổn và không tăng giá hàng hóa
18:33, 07/03/2020