Doanh nghiệp chủ động ứng phó với siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa

ĐÌNH ĐẠI 25/05/2021 02:00

Trong bối cảnh thị trường hiện nay, các doanh nghiệp cần phải chủ động để ứng phó, tăng cường tìm kiếm nguồn cung nguyên, phụ liệu thay thế, tránh phụ thuộc vào một thị trường.

Theo nhận định của giới chuyên gia, siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa thường chỉ xảy ra khi các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đẩy nhanh công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Tuy nhiên, giá cả hàng hóa trên thế giới trong 15 năm trở lại đây có xu hướng giảm, cùng với trạng thái bão hòa quy mô từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc. 

Chỉ số hàng hóa vs GDP quốc gia chủ chốt từ 2006.

Chỉ số hàng hóa với GDP của các nền kinh tế lớn trên thế giới từ năm 2006.

Đánh giá về tác động của siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa đến các doanh nghiệp Việt Nam, ông Huỳnh Thanh Vạn – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sfurniture, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bình Dương cho rằng, đây là một xu thế chung của toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Hiện nay, việc thiếu hụt nguồn cung đang rất lớn, nhiều quốc gia bị hạn chế sản xuất kéo dài do đại dịch COVID-19, dẫn đến không đủ nguồn cung hàng hóa cho xuất khẩu. Riêng đối với ngành gỗ, hiện giá nhiều mặt hàng nguyên, phụ liệu nhập khẩu đã tăng rất nhiều so với đầu năm.

“Thời gian qua, chính phủ nhiều nước đã tung ra thị trường một lượng tiền rất lớn, thông qua các gói hỗ trợ. Điều này đã ảnh hưởng nhiều đến lạm phát. Tôi tin chắc rằng, lạm phát sẽ còn tăng trong thời gian tới, điều này sẽ được đo lường bằng việc tăng giá trị của đầu vào hàng hóa”, ông Vạn đánh giá.

Ông Vạn cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp chưa gặp nhiều bất lợi trong vấn đề này, bởi khi giá đầu vào tăng thì các doanh nghiệp cũng sẽ điều chỉnh giá đầu ra của sản phẩm. Chỉ có các doanh nghiệp đã lỡ ký các hợp đồng dài hạn từ 6 tháng đến 1 năm và có cam kết không tăng giá thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nếu như không đàm phán lại được thì doanh nghiệp sẽ đối diện với nguy cơ phá sản.

Hiện nay, các nguyên, phụ liệu của ngành gỗ đang tăng cao, ảnh hưởng lớn đế giá thành sản phẩm gỗ xuất khẩu. Ảnh: Công nhân láp ráp đồ nội thất xuất khẩu tại Công ty CP Sfurniture.

Hiện nay, các nguyên, phụ liệu của ngành gỗ đang tăng cao, ảnh hưởng lớn đế giá thành sản phẩm gỗ xuất khẩu. Ảnh: Công nhân láp ráp đồ nội thất xuất khẩu tại Công ty CP Sfurniture.

Trong giai đoạn hiện nay, thị trường đang rất sòng phẳng, việc thiếu hụt nguồn cung trầm trọng đã khiến các đối tác cũng phải “chiều” theo ý của nhà sản xuất. Vì vậy, việc đàm phán tăng giá sản phẩm của các doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn, dễ được đối tác chấp thuận hơn. Bởi đây là xu thế chung của toàn cầu và các doanh nghiệp cũng phải chấp nhận sự thay đổi này. Tuy nhiên, mức độ tăng giá như thế nào để cả hai có thể chấp nhận được thì còn phụ thuộc vào khả năng đàm phán của các doanh nghiệp.

“Hiện nay, chúng tôi đang làm ăn với nhiều đối tác ở nhiều thị trường khác nhau như: Mỹ, Úc, Anh, châu Âu…nhu cầu ở các thị trường này hiện nay đang rất cao, nên khi đàm phán để tăng giá sản phẩm thì đều được các đối tác đồng ý. Nếu như đầu năm, chúng tôi chỉ xuất đi khoảng 50-60 cont/tháng thì hiện nay đã tăng lên 100 cont/tháng, giá cũng tăng từ 5-10%, có những mặt hàng giá tăng đến 16%”, ông Vạn cho biết.

Ông Vạn cho rằng, thời gian tới giá hàng hóa chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu cho thấy việc tăng giá này sẽ dừng lại. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp vắc xin được triển khai nhanh thì thời gian tăng giá sẽ được rút ngắn hơn. Để ứng phó với vấn đề này, theo ông Vạn, các doanh nghiệp cần phải chủ động đàm phán với đối tác nhằm rút ngắn thời gian ký hợp đồng, không ký các hợp đồng dài hạn. Đồng thời phải rút ngắn thời gian thanh toán, nhằm đảm bảo nguồn vốn, sẵn sàng cho các phương án khi cần thiết.

Ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI) cho rằng, điều quan trọng là cần xem xét, phân tích và dự báo chi tiết khả năng biến động về giá của từng loại nguyên liệu, đặc biệt là các nguyên liệu đầu vào thiết yếu với nền kinh tế để có cách ứng phó phù hợp.

Về giải pháp, theo ông Minh, nhiều doanh nghiệp rất nhanh nhạy nắm bắt chu kỳ tăng giá của hàng hóa nguyên vật liệu. Họ sẽ có cách ứng phó phù hợp như tăng năng suất để tiết kiệm nguyên liệu đầu vào hoặc chuyển hướng lựa chọn nguyên vật liệu hoặc nguồn cung ứng để đảm bảo chi phí sản xuất ở mức hợp lý nhất.

Đại diện một doanh nghiệp cũng cho rằng, doanh nghiệp nào khi đã bị phụ thuộc vào một thị trường thì sẽ không thể thích ứng ngay được, nhưng sau COVID-19, điều này càng cho thấy rằng giảm bớt sự phụ thuộc, đặc biệt là với các nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, sẽ giúp doanh nghiệp Việt tự chủ hơn. Trên tinh thần đó, mỗi ngành nghề đều có thể mày mò tìm tòi những đáp án riêng trong ngắn hạn và trong dài hạn.

Luật gia kinh tế Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu & Kế toán Đồng Nai cho rằng, siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa này sẽ tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Bởi, khi giá cả các loại hàng hóa tăng cao sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung của các loại hàng hóa trên thị trường, đồng thời sẽ kéo lạm phát tăng theo.

Theo ông Tuấn, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất do nguồn cung bị đứt gãy. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là ngành may mặc đã ký các hợp đồng dài hạn từ đầu năm, có doanh nghiệp đã ký đơn hàng cho cả năm 2021, nhưng khi giá nguyên liệu tăng cao, thì lại khó đàm phán với đối tác để tăng giá sản phẩm.

Tuy nhiên, Luật gia Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho rằng, trong bối cảnh thị trường hiện nay, các doanh nghiệp cần phải chủ động để ứng phó bằng cách tăng cường tìm kiếm nguồn cung nguyên, phụ liệu để thay thế, tránh phụ thuộc vào một thị trường, khi gặp biến động về nguồn cung, doanh nghiệp sẽ dễ rơi vào thế bị động.

“Hiện nay, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với nhiều thị trường khác nhau. Do đó, các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ về các Hiệp định này nhằm tối ưu hóa các loại thuế nhập khẩu và xuất khẩu để chọn lựa thị trường phù hợp, tận dụng tối đa những lợi thế về thuế quan mà các Hiệp định này mang lại. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tham vấn, tư vấn từ các tổ chức, Hiệp hội, đặc biệt là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để nắm được những thông tin cập nhập mới nhất liên quan đến các thị trường xuất nhập khẩu của doanh nghiệp”, Luật gia Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa tác động lên lạm phát Việt Nam như thế nào?

    Siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa tác động lên lạm phát Việt Nam như thế nào?

    05:00, 23/05/2021

  • Nguy cơ siêu chu kỳ tăng giá hàng hoá, ngành nào sẽ gặp khó?

    Nguy cơ siêu chu kỳ tăng giá hàng hoá, ngành nào sẽ gặp khó?

    11:00, 21/05/2021

  • Thích ứng với “mặt bằng giá mới”: Điều hành linh hoạt

    Thích ứng với “mặt bằng giá mới”: Điều hành linh hoạt

    11:00, 24/05/2021

  • Thích ứng với “mặt bằng giá mới”: Cần thêm “bảo hiểm rủi ro”

    Thích ứng với “mặt bằng giá mới”: Cần thêm “bảo hiểm rủi ro”

    11:00, 23/05/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp chủ động ứng phó với siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO