Liệu viêm gan bí ẩn có bùng phát thành dịch lớn?
Việt Nam bắt đầu mở cửa, vì vậy, nguy cơ chúng ta bị bệnh viêm gan bí ẩn từ thế giới xâm nhập vào có thể xảy ra.
>>Đề phòng bệnh viêm gan bí ẩn “tấn công” trẻ em
WHO lần đầu tiên được thông báo về các trường hợp viêm gan bí ẩn vào ngày 5/4 năm nay. 10 trường hợp đầu tiên được báo cáo là trẻ dưới 10 tuổi ở xứ Scotland của Vương quốc Anh. Hơn 100 trường hợp hiện đã được ghi nhận ở Anh.
Theo tổ chức này, hiện adenovirus đang được xem là nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan cấp ở trẻ em. Tuy nhiên WHO không loại trừ các tác nhân khác và vẫn đang điều tra.
Chạy đua "giải mã" viêm gan bí ẩn
Adenovirus thường được biết đến là nguyên nhân gây ra các triệu chứng hô hấp, viêm kết mạc hoặc rối loạn tiêu hóa.
Sau khi ghi nhận 169 trường hợp đầu tiên, WHO đã điều tra và phát hiện các virus phổ biến gây viêm gan cấp tính (virus viêm gan A, B, C, D và E) không được phát hiện trong bất kỳ trường hợp nào.
Vài giờ sau cuộc họp báo của WHO tại Thụy Sĩ, tối 3/5, Bộ Y tế Indonesia xác nhận đã có 3 trẻ viêm gan chưa rõ nguyên nhân qua đời tại nước này, nâng tổng số ca tử vong toàn cầu lên con số 4.
Các trường hợp này qua đời hồi tháng trước và giới chức y tế đang nghiêng về khả năng các em bị viêm gan chưa rõ nguyên nhân nhưng sẽ tiến hành điều tra, xem xét tất cả các dữ liệu về virus.
Hiện, các chuyên gia toàn cầu đang chạy đua để giải mã các bí ẩn đằng sau các ca viêm gan bất thường, tìm kiếm bệnh nhân nhiễm trùng tiềm ẩn và phân tích hệ thống miễn dịch, di truyền, chế độ ăn uống và hoạt động gần đây của trẻ.
Theo các chuyên gia, viêm gan có thể do nhiều vấn đề gây ra, như virus, độc tố, nấm, tổn thương do uống rượu. Trên thế giới, có đến 20% số ca viêm gan không thể xác định nguyên nhân.
Tuy nhiên, quy mô đợt bùng phát bí ẩn hiện tại khiến các nhà khoa học bối rối. Không bệnh nhân nào nhiễm các chủng viêm gan thông thường như A, B, C, D hoặc E. Virus khác như cytomegalovirus (CMV), gây mụn rộp và thủy đậu, và virus Epstein-Barr, gây sốt tuyến cũng bị loại trừ.
Giáo sư Deirdre Kelly, chuyên gia về gan nhi tại Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Birmingham, là người thiết lập mạng lưới ghép gan của Anh khoảng ba thập kỷ trước. Đầu tháng 4, khi đang đi du lịch tại Pháp, bà nhận được cuộc gọi từ UKHSA về các bệnh nhân viêm gan bất thường.
"Chúng tôi vẫn thường thấy vài ca viêm gan nặng mà không rõ nguyên nhân, đỉnh điểm là vào mùa xuân, cho thấy chúng liên quan đến một loại virus. Nhưng số bệnh nhân năm nay tăng đột biến. Vào năm 2018, từ tháng 1 đến tháng 4 có 6 trường hợp. Cũng trong khoảng thời gian đó, năm nay chúng tôi tiếp nhận 40 em", bà nói.
>>Viêm gan bí ẩn có liên quan đến COVID-19?
>>Hơn 200 trẻ em trên thế giới mắc viêm gan bí ẩn: Việt Nam ứng phó thế nào?
Bệnh có khả năng xâm nhập vào Việt Nam
Tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc viêm gan bí ẩn nhưng nguy cơ bệnh xâm nhập là rất lớn.
PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư cho hay, ngay sau khi có thông tin WHO cảnh báo về ca viêm gan cấp được coi là viêm gan bí ẩn ở trẻ em ghi nhận tại một số nước, lãnh đạo BV đã nhắc các bác sĩ cần chú ý đến bệnh lý này, bao gồm các bệnh nhân khám hậu Covid-19.
Lãnh đạo BV Nhi T.Ư cũng cho biết, BV hiện chưa ghi nhận ca bệnh gan do vi rút Adeno ở trẻ nhỏ. “Chưa ghi nhận nhưng chúng ta không chủ quan. Nếu có bệnh nhân tổn thương gan tối cấp, các bác sĩ sẽ lưu ý thêm về nguyên nhân gây bệnh. Hằng năm, BV vẫn có một vài trường hợp viêm gan tối cấp nguyên nhân liên quan như ngộ độc paracetamol do quá liều; do vi rút viêm gan A, B, C…”, ông Điển cho hay.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, phần lớn những trẻ sẽ có triệu chứng khởi đầu ở đường tiêu hóa là: buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy. Sau đó vài ngày trẻ mới có biểu hiện ở gan. Như vậy, khả năng cơ quan đầu tiên bị tấn công ở trẻ em là đường tiêu hóa. Đường vào khả năng là đường tiêu hóa. Khả năng cao đây là bệnh lây qua đường tiêu hóa.
“Hơn nữa, theo y văn mô tả, các virus lây qua đường hô hấp không gây tổn thương bệnh gan bí ẩn điển hình như là mô tả của bệnh viêm gan bí ẩn. Nếu có gây tổn thương gan thì thường là trong bệnh cảnh suy đa tạng, ví dụ như virus cúm có thể gây tổn thương gan, sau khi gây viêm phổi dần dần dẫn đến bệnh toàn thân, suy đa tạng sau đó mới gây tổn thương gan.
Trong khi đó, căn bệnh viêm gan bí ẩn có triệu chứng nổi trội là ở gan, vì vậy tôi không nghĩ nhiều tác nhân lây qua đường hô hấp, mà đây có thể là tác nhân lây qua đường tiêu hóa. Và nếu thực sự đây là tác nhân lây qua đường tiêu hóa thì bệnh dịch không thể bùng phát rộng giống tác nhân lây qua đường hô hấp được, bệnh sẽ lây một cách khu trú hơn”, bác sĩ Huyền cho biết.
Nếu người dân thực hiện ăn chín uống sôi, đề cao cảnh giác, nâng cao vệ sinh cá nhân… thì chúng ta có khả năng bệnh này sẽ không bùng phát rộng. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam bắt đầu mở cửa, nhất là thời điểm này đang là mùa hè dịch bệnh lây qua đường tiêu hóa cũng có thể phát triển. Vì vậy, nguy cơ chúng ta bị bệnh viêm gan bí ẩn từ thế giới xâm nhập vào có thể xảy ra.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho rằng, với tốc độ lây lan, đặc biệt đã xuất hiện tại Đông Nam Á, bệnh có khả năng xâm nhập vào Việt Nam.
Do đó, với trẻ từ 0 -16 tuổi, khi có đồng thời các triệu chứng sau, cần đưa tới bệnh viện thăm khám sớm để phát hiện, can thiệp kịp thời: sốt nhẹ; buồn nôn; tiêu chảy; mệt mỏi; dấu hiệu vàng da. Ban đầu, vàng da có thể xuất hiện ở củng mạc mắt (phần lòng trắng của mắt). Sự thay đổi màu sắc này dễ dàng nhận biết dưới ánh sáng mặt trời.
Dù vậy, các phụ huynh cũng không nên quá hoang mang, lo lắng và tìm kiếm các phương pháp xét nghiệm, điều trị… truyền miệng. Với các trường hợp nghi ngờ, nguy cơ cao, bác sĩ sẽ có chỉ định xét nghiệm phù hợp.
Do chưa biết rõ căn nguyên lây bệnh, đường lây truyền, nên cách duy nhất là bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh này ngay từ các tác nhân đã ghi nhận.
Các tổn thương do đường virus như Adeno có thể lây qua giọt bắn, phân, bề mặt tiếp xúc, do đó việc vệ sinh cá nhân, đảm bảo nguồn nước sạch, xử lí chất thải rất quan trọng. Adenovirus có thể lây qua bề mặt tiếp xúc mà người bệnh để lại, nên cần sử dụng đồ dùng cá nhân (như ca, cốc, thìa, khăn mặt...) riêng.
Ngoài ra, cần đảm bảo ăn chín, uống sôi, sử dụng nước sạch để dự phòng các nguồn lây nhiễm.
Có thể bạn quan tâm
Đề phòng bệnh viêm gan bí ẩn “tấn công” trẻ em
02:00, 10/05/2022
Viêm gan bí ẩn có liên quan đến COVID-19?
03:00, 06/05/2022
Hơn 200 trẻ em trên thế giới mắc viêm gan bí ẩn: Việt Nam ứng phó thế nào?
03:00, 05/05/2022