Đã có 228 trường hợp trẻ bị viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân được ghi nhận tại khoảng 20 nước ở châu Âu, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương... và 4 ca tử vong.
>>Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân
"Tính đến ngày 1/5, ít nhất 228 trường hợp đã được báo cáo cho WHO từ 20 quốc gia, với hơn 50 trường hợp bổ sung đang được điều tra", phát ngôn viên của WHO Tarik Jasarevic thông báo với truyền thông ngày 3/5.
WHO lần đầu tiên được thông báo về các trường hợp này vào ngày 5/4 năm nay. 10 trường hợp đầu tiên được báo cáo là trẻ dưới 10 tuổi ở xứ Scotland của Vương quốc Anh. Hơn 100 trường hợp hiện đã được ghi nhận ở Anh.
Theo tổ chức này, hiện adenovirus đang được xem là nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan cấp ở trẻ em. Tuy nhiên WHO không loại trừ các tác nhân khác và vẫn đang điều tra.
Adenovirus thường được biết đến là nguyên nhân gây ra các triệu chứng hô hấp, viêm kết mạc hoặc rối loạn tiêu hóa.
Sau khi ghi nhận 169 trường hợp đầu tiên, WHO đã điều tra và phát hiện các virus phổ biến gây viêm gan cấp tính (virus viêm gan A, B, C, D và E) không được phát hiện trong bất kỳ trường hợp nào.
Vài giờ sau cuộc họp báo của WHO tại Thụy Sĩ, tối 3/5, Bộ Y tế Indonesia xác nhận đã có 3 trẻ viêm gan chưa rõ nguyên nhân qua đời tại nước này, nâng tổng số ca tử vong toàn cầu lên con số 4.
Các trường hợp này qua đời hồi tháng trước và giới chức y tế đang nghiêng về khả năng các em bị viêm gan chưa rõ nguyên nhân nhưng sẽ tiến hành điều tra, xem xét tất cả các dữ liệu về virus.
Hiện, các chuyên gia toàn cầu đang chạy đua để giải mã các bí ẩn đằng sau các ca viêm gan bất thường, tìm kiếm bệnh nhân nhiễm trùng tiềm ẩn và phân tích hệ thống miễn dịch, di truyền, chế độ ăn uống và hoạt động gần đây của trẻ.
Theo các chuyên gia, viêm gan có thể do nhiều vấn đề gây ra, như virus, độc tố, nấm, tổn thương do uống rượu. Trên thế giới, có đến 20% số ca viêm gan không thể xác định nguyên nhân.
Tuy nhiên, quy mô đợt bùng phát bí ẩn hiện tại khiến các nhà khoa học bối rối. Không bệnh nhân nào nhiễm các chủng viêm gan thông thường như A, B, C, D hoặc E. Virus khác như cytomegalovirus (CMV), gây mụn rộp và thủy đậu, và virus Epstein-Barr, gây sốt tuyến cũng bị loại trừ.
Giáo sư Deirdre Kelly, chuyên gia về gan nhi tại Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Birmingham, là người thiết lập mạng lưới ghép gan của Anh khoảng ba thập kỷ trước. Đầu tháng 4, khi đang đi du lịch tại Pháp, bà nhận được cuộc gọi từ UKHSA về các bệnh nhân viêm gan bất thường.
"Chúng tôi vẫn thường thấy vài ca viêm gan nặng mà không rõ nguyên nhân, đỉnh điểm là vào mùa xuân, cho thấy chúng liên quan đến một loại virus. Nhưng số bệnh nhân năm nay tăng đột biến. Vào năm 2018, từ tháng 1 đến tháng 4 có 6 trường hợp. Cũng trong khoảng thời gian đó, năm nay chúng tôi tiếp nhận 40 em", bà nói.
Tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận ca bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, đang chủ động triển khai các biện pháp theo dõi, tăng cường giám sát để phát hiện sớm ca bệnh theo khuyến cáo và có biện pháp đáp ứng nhanh khi có ca bệnh xâm nhập.
Theo đó, Cục Y tế dự phòng đã nắm được các số liệu liên quan bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân xảy ra ở trẻ nhỏ từ các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay CDC Hoa Kỳ.
Liên quan đến căn bệnh này, PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư cho hay, ngay sau khi có thông tin WHO cảnh báo về ca viêm gan cấp được coi là viêm gan bí ẩn ở trẻ em ghi nhận tại một số nước, lãnh đạo BV đã nhắc các bác sĩ cần chú ý đến bệnh lý này, bao gồm các bệnh nhân khám hậu Covid-19.
Lãnh đạo BV Nhi T.Ư cũng cho biết, BV hiện chưa ghi nhận ca bệnh gan do vi rút Adeno ở trẻ nhỏ. “Chưa ghi nhận nhưng chúng ta không chủ quan. Nếu có bệnh nhân tổn thương gan tối cấp, các bác sĩ sẽ lưu ý thêm về nguyên nhân gây bệnh. Hằng năm, BV vẫn có một vài trường hợp viêm gan tối cấp nguyên nhân liên quan như ngộ độc paracetamol do quá liều; do vi rút viêm gan A, B, C…”, ông Điển cho hay.
Trong khi đó, trao đổi với Dân trí, PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP HCM cho biết, về cơ bản giới nghiên cứu đã tìm được căn nguyên nghi ngờ lớn nhất gây bệnh viêm gan cấp tính "bí ẩn". Đó là adenovirus, khi phần lớn trẻ mắc bệnh đều có kết quả xét nghiệm nhiễm virus này.
Theo PGS Dũng, việc adenovirus gây viêm gan không mới. Trước đây đã từng có những trường hợp trẻ nhiễm virus này gây suy gan nặng, tử vong hoặc phải ghép gan. Tuy nhiên, điều kỳ lạ của những trường hợp gần đây là việc tỷ lệ mắc cao hơn. Ngoài ra, đối tượng mắc bệnh nặng trước kia thường là những trẻ bị suy giảm miễn dịch, cơ thể suy yếu thì giờ có thể xảy ra ở trẻ khỏe mạnh bình thường. Do đó, giới chuyên môn nghiêng về hướng adenovirus hiện tại có đột biến.
PGS Dũng cũng chia sẻ, có một số luồng thông tin nghi ngờ vaccine Covid-19 dùng adenovirus để điều chế gây bệnh viêm gan nói trên. Tuy nhiên trên thực tế, adenovirus của vaccine Covid-19 là chủng lấy từ hắc tinh tinh và đã được xử lý để không còn khả năng nhân bản.
Còn chủng adenovirus gây bệnh viêm gan là chủng của người (cụ thể là type 41). Hai chủng virus này không liên quan nhau, và do đó vaccine không phải là nguyên nhân gây bệnh viêm gan cấp tính. Đó là chưa kể vaccine dùng adenovirus không được sử dụng tiêm cho trẻ.
Có thể bạn quan tâm
00:29, 04/05/2022
01:00, 25/02/2021