Các tổ chức quốc tế đề nghị Việt Nam sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII
Đại diện các tổ chức quốc tế đều hoan nghênh định hướng xây dựng ngành công nghiệp năng lượng tái tạo của Việt Nam, các đại biểu cũng đề nghị Việt Nam sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII.
>>>Lập Quy hoạch điện VIII là nhiệm vụ cấp bách
Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tham vấn quốc tế về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chủ trì Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức với sự tham gia của hơn 60 đại biểu trong nước và quốc tế đến từ các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương; đại diện Đại sứ quán các nước tại Việt Nam như: Hoa Kỳ, CHLB Đức, Đan Mạch, Úc, Phái đoàn Liên minh châu Âu; các tổ chức quốc tế: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM), Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AMCHAM), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Quỹ Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á tại Việt Nam (ETP), Liên minh năng lượng vì hành tinh và con người (GEAPP)...
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh, trong thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII. Đây được xem là một quy hoạch ngành rất quan trọng có mục tiêu đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ điện ổn định, có chất lượng cao với giá thành hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam.
Đặc biệt, sau khi Việt Nam cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26) và tham gia Chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), việc hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII càng trở nên thách thức và cần thêm nhiều thời gian để rà soát và đưa ra những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Quy hoạch điện VIII đã được nghiên cứu, xây dựng một cách bài bản, khoa học, lấy ý kiến rộng rãi, trong đó có các ý kiến từ các đối tác quốc tế, các định chế tài chính song phương và đa phương theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hoá thạch, tập trung gia tăng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như thuỷ điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời và sinh khối.... giảm phát thải khí nhà kính.
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Việt Nam kiên định mục tiêu phát triển xanh và bền vững, do đó ưu tiên phát triển nguồn năng lượng xanh, sạch như năng lượng tái tạo (mặt trời, gió), năng lượng mới (Amoniac, Hydro)…; giảm nguồn điện dùng nhiên liệu hoá thạch như than, khí…
Tại hội nghị, các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao sự chủ động, nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển ngành năng lượng theo hướng xanh, bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu; phù hợp với các cam kết quốc tế, đặc biệt là cam kết tại COP26.
Dự thảo đã đề cập khá chi tiết từ việc phát triển các nguồn điện, hệ thống đường dây truyền tải; ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; phát triển lưới điện thông minh, liên kết lưới điện; hệ thống lưu trữ, các cơ chế khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư vào ngành điện; các giải pháp về huy động vốn; sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả…
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, bà Melissa Bishop – Đại biện lâm thời, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và bà Kristina Buenda – Trưởng bộ phận hợp tác phát triển, Liên minh châu Âu tại Việt Nam đều đánh giá: Việt Nam đã có những bước đi tiên phong hướng tới quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch bằng cách trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới cam kết tham gia Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), đặc biệt đã ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió; Không phát triển mới các nhà máy nhiệt điện than; phát triển đồng bộ hệ thống truyền tải điện và hệ thống pin lưu trữ; khuyến khích mạnh mẽ khối tư nhân tham gia đầu tư.
Đại diện Mỹ và EU cũng đánh giá cao và ủng hộ dự thảo Quy hoạch điện VIII theo hướng mở rất linh hoạt, dễ điều chỉnh, mang tính hiệu qủa cao khi thực thi, gắn liền với quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.
>>> Quy hoạch điện VIII dự kiến trình Thủ tướng vào trung tuần tháng 5
“Chống biến đổi khí hậu là ưu tiên chung của Hoa Kỳ và Việt Nam, và Hoa Kỳ mong muốn thực hiện cam kết hỗ trợ các mục tiêu khí hậu của Việt Nam. Hoa Kỳ đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật về xây dựng chính sách và khung pháp lý để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của Việt Nam và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công PDP8 và Thỏa thuận mua bán điện trực tiếp khi được phê duyệt” - Bà Melissa Bishop chia sẻ.
Ông Santiago Alfonso – Trưởng bộ phận hợp tác kinh tế, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cho biết, Đức ủng hộ các nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc xây dựng Quy hoạch Điện VIII. Đức cũng đề xuất Việt Nam nên tận dụng khuôn khổ sẵn có của Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) để hỗ trợ, lồng ghép các hoạt động của JETP.
Cùng quan điểm trên, đại diện Đại sứ quan Anh cho biết, việc tham vấn các tổ chức quốc tế là cần thiết, thể hiện sự cầu thị của Việt Nam. Đồng thời việc sớm công bố thông tin Quy hoạch điện VIII là một bước quan trọng để tăng cường khả năng dự đoán cho các nhà phát triển và nhà đầu tư trong các dự án năng lượng xanh, nhằm thực hiện các mục tiêu chuyển đổi năng lượng của Việt Nam và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng sạch, giá cả phải chăng.
Ông Keiju Mitsuhashi - Phó giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng, Quy hoạch điện VIII được xây dựng với nhiều thách thức để đáp ứng nhiều yêu cầu, bao gồm đảm bảo an ninh năng lượng và khả năng chi trả đồng thời đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
“Chúng tôi ủng hộ định hướng tổng thể của dự thảo PDP8” – ông Keiju Mitsuhashi nhấn mạnh đồng thời cho biết, ADB sẵn sàng xem xét tài trợ từ chính phủ và ngoài chính phủ để tăng cường hệ thống lưới điện truyền tải với các dịch vụ phụ trợ nhằm đảm bảo sự ổn định của lưới điện với nhiều năng lượng tái tạo hơn.
Ông John Rockhold – Chủ tịch AMCHAM tại Việt Nam cũng đánh giá cao bản dự thảo mới nhất của Quy hoạch Điện 8, trong đó coi cơ chế JETP là giải pháp quan trọng cho quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.
Đại diện AMCHAM khuyến nghị, Quy hoạch Điện VIII cần đảm bảo độ linh hoạt đủ để bắt kịp các xu hướng đổi mới toàn cầu về năng lượng tái tạo, công nghệ lưu trữ, điện khí linh hoạt (ICE) và các công nghệ khác mà sẽ có mặt trên thị trường. Đồng thời cần có sự linh hoạt để cho phép một số dự án nhất định có thể tận dụng nguồn lực đã có để tăng quy mô công suất được phân bổ ban đầu nếu dự án đó có những thuận lợi về thời gian phát triển để đáp ứng các yêu cầu vào vận hành thương mại đến 2030 nếu các dự án khác bị chậm tiến độ.
Tại hội nghị, nhiều đại diện các tổ chức quốc tế cũng đề nghị Việt Nam sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII nhằm thu hút đầu tư vào sản xuất điện phục vụ cho nền kinh tế. Đồng thời khuyến nghị sớm xây dựng kế hoạch để triển khai sau khi Quy hoạch được phê duyệt.
Cung cấp thêm thông tin về dự thảo Quy hoạch điện VIII, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, Việt Nam luôn ý thức được tầm quan trọng và kiên định với mục tiêu phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng mới; không phát triển mới nhiệt điện than ngoại trừ những dự án từ quy hoạch cũ; Các dự án sử dụng năng lượng hoá thạch đã và đang sử dụng nhiên liệu thay thế, giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, việc phát triển năng lượng đảm bảo hài hoà lợi ích cho Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Việt Nam đã có những chiến lược cụ thể, rõ ràng với lộ trình chi tiết và đang nỗ lực triển khai quá trình này. Bộ Công Thương cũng đang chủ trì phối hợp xây dựng kế hoạch hành động ngay sau khi Quy hoạch điện CVIII được phê duyệt; Đồng thời sửa đổi bổ sung một số Luật liên quan nhằm đồng bộ trong quá trình triển khai.
Dự thảo Quy hoạch điện VIII là quy hoạch mở, linh hoạt, nên con số chỉ mang tính tương đối còn trong quá trình triển khai, các dự án có hiệu quả sẽ không giới hạn về quy mô công suất ví dụ như điện mặt trời mái nhà tự dùng, nhiệt điện đồng phát, các nguồn năng lượng mới như hydro, amoiniac…
Tuy nhiên để đạt được mục tiêu đề ra, Việt Nam mong muốn các đối tác nước ngoài tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc chuyển giao công nghệ; Hỗ trợ về nguồn tài chính (các định chế tài chính cần nghiên cứu các gói hỗ trợ vốn giá rẻ để doanh nghiệp, người dân dễ tiếp cận); công tác đào tạo và quản trị.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh, Bộ Công Thương ghi nhận và đánh giá cao các đóng góp tích cực này và khẳng định Hội nghị tham vấn quốc tế về Quy hoạch điện VIII là diễn đàn thảo luận quan trọng nhằm giúp Bộ Công Thương hoàn thiện nội dung Quy hoạch đảm bảo tính khách quan, khoa học và khả thi và hướng tới việc phát triển ngành năng lượng Việt Nam bền vững, đạt được các mục tiêu chung về an ninh năng lượng quốc gia.
Có thể bạn quan tâm
Quy hoạch điện VIII dự kiến trình Thủ tướng vào trung tuần tháng 5
03:45, 24/04/2023
Gia Lai đề xuất đưa 135 dự án năng lượng tái tạo vào quy hoạch điện VIII
01:11, 23/11/2022
Sau khi rà soát, Quy hoạch điện VIII được trình lại
02:00, 16/11/2022
Đề án Quy hoạch điện VIII được Bộ Công thương trình lại
11:00, 15/11/2022