Hình mẫu chống dịch COVID-19 từ hai quốc gia Đông Nam Á
Hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng cao tại Campuchia đã giúp quốc gia này giảm số ca nhiễm Covid-19 nặng và nhập viện trước biến thể Delta cũng như các biến thể đáng lo ngại khác.
Theo thông tin đăng tải trên Khmer Times, tính đến ngày 6/8, hơn 7,8 triệu người Campuchia đã tiêm ít nhất 1 liều vắc xin của Sinopharm, Sinovac, AstraZeneca và khoảng 85.000 người tiêm vắc xin của Johnson & Johnson. Trong đó, hơn 5,3 triệu người đã tiêm ngừa đầy đủ.
Ngoài kế hoạch tiêm ngừa COVID-19 cho người trên 18 tuổi, Campuchia cũng đã bắt đầu tiêm cho 2 triệu thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi với mục đích tiêm được cho 12 triệu người, tương đương 75% tổng dân số. Sau 5 ngày thực hiện, Campuchia đã tiêm được cho gần 200.000 thiếu niên.
Kết quả cho thấy, sang ngày thứ 8 liên tiếp, số ca mắc Covid-19 tại Campuchia ở mức dưới 600 ca/ngày. Điều này làm tăng hy vọng về hiệu quả của chiến lược gia tăng các biện pháp phòng chống dịch mà Chính phủ Campuchia đang thực hiện.
Tương tự Campuchia, Singapore cho biết 70% dân số của nước này đã được tiêm chủng đầy đủ, trong khi 79% người được tiêm ít nhất một liều vaccine; đồng thời trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tiêm chủng cho người dân đứng đầu khu vực.
Quốc gia này đang nhắm mục tiêu tiêm chủng cho 80% dân số vào đầu tháng 9 để bắt đầu nới lỏng một số hạn chế khó khăn nhất, bao gồm việc cho phép người tiêm chủng đầy đủ được du lịch mà không cần trải qua thời gian cách ly..
Kết quả từ Singapore và Campuchia đã cho thấy hiệu quả chống dịch nhờ triển khai tiêm chủng vaccine nhanh chóng kết hợp với các biện pháp giãn cách hợp lý. Đặc biệt, khi nguồn cung vaccine trở nên đa dạng hơn, nhiều loại vaccine đã được đưa vào sử dụng giúp các quốc gia này đạt được tỷ lệ tiêm chủng diện rộng như mục tiêu đã đặt ra.
Các chuyên gia nhận định, mặc dù khả năng bảo vệ cơ thể chống lại việc lây nhiễm Covid-19 có thể bị giảm, nhưng loại vaccine được cấp phép sử dụng khẩn cấp hiện nay đều cho thấy hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa các ca tiến triển nặng do biến thể Delta gây ra.
Tiến sĩ Venky Soundararajan thuộc công ty phân tích dữ liệu nference của Massachusetts, người dẫn đầu nghiên cứu Mayo chỉ ra, một số nghiên cứu gần đây cho thấy, người tiêm một liều vaccine Pfizer hoặc AstraZeneca không có nhiều hiệu quả trước biến chủng Delta. Nhưng tiêm đủ hai liều có thể tăng mức độ bảo vệ lên tới 95%. “Do đó, ngay sau khi hoàn thành tiêm chủng mũi 1 cho phần lớn dân số, việc Campuchia và Singapore vẫn thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách đã góp phần làm giảm số ca nhiễm mới.” - Tiến sĩ Venky Soundararajan nói.
Mặc dù vậy, chuyên gia Soundararajan cảnh báo, các quốc gia này vẫn cần thận trọng khi tỷ lệ lây nhiễm tại các nước trong khu vực vẫn đang ở mức cao. Hiện tại, năng lực xét nghiệm của nhiều nước Đông Nam Á vẫn còn thấp so với mức độ nghiêm trọng của đại dịch. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm chủng không chỉ thấp mà còn chậm tại một số nước như Thái Lan, Myanmar, Indonesia… đe dọa trực tiếp đến thành quả chống dịch.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, các quốc gia tại Đông Nam Á có thể xem xét sau khi hơn 80% người dân được tiêm chủng, nới lỏng biên giới. Thêm vào đó, những loại vaccine có hiệu quả thấp có thể tiêm thêm liều tăng cường hoặc tiêm trộn vaccine để tăng khả năng miễn dịch.
Trên thực tế, việc đóng cửa và xét nghiệm hàng loạt đang gây ra các tác động tiêu cực lên nền kinh tế và xã hội. Đại dịch vẫn chưa kết thúc đối với bất kỳ quốc gia nào. Chính vì vậy, việc duy trì một số hạn chế như đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, rửa tay thường xuyên… vẫn cần được duy trì, ngay cả khi số ca nhiễm trong cộng đồng về 0.
Có thể bạn quan tâm
Không "kén chọn" vaccine, Quảng Ninh tận dụng "thời gian vàng" để tiêm chủng
15:43, 03/08/2021
Bài học tiêm chủng từ quốc gia hạnh phúc nhất thế giới
03:57, 29/07/2021
Hiểu thế nào về các ca nhiễm Covid-19 hậu tiêm chủng?
15:01, 24/07/2021
Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử - Tiêm đến đâu an toàn tới đó
14:00, 10/07/2021
Đa dạng nguồn vaccine dẫn đến tình trạng "kén", trì hoãn việc tiêm chủng?
05:00, 07/07/2021