Hiểu thế nào về các ca nhiễm Covid-19 hậu tiêm chủng?

CẨM ANH 24/07/2021 15:01

Nhiều ca nhiễm sau tiêm chủng được ghi nhận tại nhiều quốc gia đang làm dấy lên lo ngại về hiệu quả của các loại vaccine ngừa Covid-19.

Nhiều trường hợp nhiễm Covid-19 sau tiêm chủng đang xuất hiện tại các quốc gia trên thế giới

Nhiều trường hợp nhiễm Covid-19 sau tiêm chủng

Vừa qua, Mỹ ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng ở những người tiêm chủng đầy đủ. Tất cả họ đều được xác định là những "ca nhiễm đột phá", tức là những người nhiễm nCoV dù đã tiêm chủng đầy đủ.

Tương tự, tại Singapore, Bộ Y tế quốc gia này cũng ghi nhận các trường hợp nhiễm bệnh sau khi đã tiêm đủ 2 mũi. Các bệnh nhân ở những cơ sở này vẫn được theo dõi sát sao và hầu hết họ đều phục hồi khi chỉ cần "can thiệp tối thiểu".

Có thể thấy, các biến thể của virus SARS-CoV-2, đặc biệt là biến chủng Delta vẫn đang lây lan rộng rãi trong cộng đồng, khi các hạn chế dần được nới lỏng sẽ dẫn đến tình trạng gia tăng số ca nhiễm. Đặc biệt, các biến chủng mới đều chứa các đột biến trong gen có liên quan đến việc tăng khả năng lây truyền, cũng như khả năng chống lại sự trung hòa kháng thể của huyết tương và huyết thanh từ vắc xin.

Nghiên cứu các ca nhiễm đột phá đều cho thấy virus có thể lách qua hàng rào miễn dịch của người đã tiêm chủng. Theo ông Roy M. Gulick, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Weill Cornell ở New York nhận định: "Chính vì vậy, các ca nhiễm đột phá có thể xảy ra ngay cả khi bạn sử dụng những loại vaccine có hiệu quả cao."

Tuy nhiên, các bác sĩ tại Singapore cho biết, bệnh nhân ít có khả năng bị sốt hoặc ít bị ho, khó thở hơn. Theo quan sát, người bệnh có chỉ số viêm trong kết quả xét nghiệm máu thấp hơn và ít có khả năng bị viêm phổi hơn.

Nhiều dữ liệu cho thấy những người nhiễm sau khi đã tiêm vaccine có lượng tải virus thấp hơn. Jay K. Kolls, giáo sư tại Trường Y Đại học Tulane, cho hay lượng virus này có thể tồn tại trong mũi và đường hô hấp trên mà không gây hại cho phổi hoặc các cơ quan quan trọng khác.

Chuyên gia này cũng giải thích thêm rằng, điều này có thể liên quan tới hiệu quả của vaccine. Vaccine Covid-19 giúp kích thích cơ thể tạo ra kháng thể ngăn ngừa virus xâm nhập vào tế bào khỏe mạnh, trong khi các tế bào T sẽ săn lùng và tiêu diệt tế bào nhiễm bệnh.

Các loại vaccine phòng Covid-19 hiện nay đều có tác dụng trong việc ngăn bệnh tiến triển nặng

Các loại vaccine phòng Covid-19 hiện nay đều có tác dụng trong việc ngăn bệnh tiến triển nặng

Sau khi tiêm vaccine, các kháng thể tạo ra phản ứng nhanh chóng hơn khi tái tiếp xúc với virus. Phản ứng nhanh chóng này đóng vai trò như một lời nhắc nhở hệ thống miễn dịch luôn cảnh giác trước sự xâm nhập của các virus. Sự bồi dưỡng này đối với hệ thống miễn dịch làm thay đổi các tế bào liên quan đến sản xuất kháng thể, do đó đổi mới khả năng miễn dịch.

Các nhà khoa học ở Hoa Kỳ đã tiến hành một nghiên cứu cho thấy rằng, so với những người chưa từng bị nhiễm Covid-19 được tiêm vaccine, những người đã từng nhiễm bệnh có hoạt động trung hòa huyết tương tốt hơn đối với các biến thể đáng lo ngại sau khi tiêm vaccine Covid-19.

“Huyết tương từ những cá thể đã được tiêm phòng đã bị nhiễm bệnh trước đó cho thấy lượng kháng thể trung hòa nhiều hơn khi so sánh với huyết tương từ những người không bị nhiễm cũng đã tiêm đủ được hai liều vaccine”, theo báo cáo của nhóm chuyên gia đến từ Trường Y Đại học Yale và Trường Y tế Công cộng Yale ở New Haven, bang Connecticut.

Chính vì vậy, theo tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ, nói: "Khi xuất hiện các ca nhiễm đột phá, điều đó không nhất thiết đồng nghĩa với vaccine thất bại. Nó vẫn hiệu quả, đặc biệt là chống lại nguy cơ bệnh nặng dẫn tới nhập viện và tử vong."

Hiện tại, dữ liệu về hiệu quả của vaccine rất hứa hẹn. Theo một nghiên cứu của Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE), hai liều vaccine Pfizer có thể ngăn biến chủng Delta gây triệu chứng ở người nhiễm tới 88%. Moderna, loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA như Pfizer, cũng cung cấp mức độ bảo vệ tương tự.

Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Y khoa New England hồi tháng 7 cũng chỉ ra vaccine một liều Johnson & Johnson cũng có phản ứng mạnh mẽ trước biến chủng Delta.

Vaccine Covid-19 hầu như ngăn nguy cơ bệnh nặng, nhưng không thể chặn hoàn toàn nguy cơ nhiễm virus. Chính vì vậy, sau khi đã hoàn thành việc tiêm chủng, các chuyên gia khuyến cáo các quốc gia cần tiếp tục kêu gọi người dân đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng để tránh tối đa việc lây nhiễm diện rộng khi dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn. 

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử - Tiêm đến đâu an toàn tới đó

    Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử - Tiêm đến đâu an toàn tới đó

    14:00, 10/07/2021

  • Thủ tướng phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống COVID-19 trên toàn quốc

    Thủ tướng phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống COVID-19 trên toàn quốc

    13:40, 10/07/2021

  • Thúc đẩy tiêm chủng vaccine ngăn chặn biến chủng virus SARS-CoV-2

    Thúc đẩy tiêm chủng vaccine ngăn chặn biến chủng virus SARS-CoV-2

    04:09, 16/06/2021

  • Vì sao tiêm chủng COVID-19 diện rộng chưa ngăn ngừa được dịch bệnh?

    Vì sao tiêm chủng COVID-19 diện rộng chưa ngăn ngừa được dịch bệnh?

    04:05, 11/05/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hiểu thế nào về các ca nhiễm Covid-19 hậu tiêm chủng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO