TP.HCM: Chia 2 giai đoạn chống dịch sau ngày 15/8

ĐÌNH ĐẠI 13/08/2021 15:47

Trong giai đoạn từ ngày 15/8 đến ngày 15/9, TP.HCM sẽ xây dựng kế hoạch tăng cường phòng, chống dịch và quyết tâm đến ngày 15/9 sẽ kiểm soát được dịch bệnh.

Hai giai đoạn chống dịch

Phát biểu tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, chỉ còn vài ngày nữa đến 15/8, TP.HCM sẽ kết thúc đợt 2 giãn cách xã hội toàn Thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. 

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM  sáng ngày 13/8.

Về diễn biến dịch bệnh, ông Dương Anh Đức cho biết, từ ngày 5/8 đến nay, trung bình mỗi ngày Thành phố phát sinh trên 3.000 ca mắc mới, chủ yếu ở các khu phong tỏa. Hiện đã điều trị khỏi gần 63.000 người, đang điều trị hơn 32.000 người, có 1.500 bệnh nhân nặng và 16 bệnh nhân phải can thiệp ECMO.  

Tình hình dịch bệnh của TP.HCM đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm đang đi ngang trong bản đồ COVID-19, có dấu hiệu giảm nhưng không bền vững. Số ca tử vong và số ca mắc mới mỗi ngày còn cao và nhiều khả năng sau ngày 15/8, số ca phát sinh mỗi ngày vẫn ở mức trên 3.000 ca.

Thành phố đang tập trung nâng cao kết quả điều trị, giảm số ca tử vong tại 22 quận huyện và TP Thủ Đức. Muốn làm được điều đó, Thành phố sẽ xây dựng kế hoạch tăng cường kế hoạch phòng chống dịch trong giai đoạn từ 15/8 đến 15/9. Trong đó, phân ra hai giai đoạn từ 15/8 đến cuối tháng 8 và 1/9 đến 15/9. Mỗi giai đoạn sẽ xác định nhiệm vụ cụ thể, quyết tâm đến 15/9 sẽ kiểm soát được dịch bệnh", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết.

Ông Đức cũng tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp giãn cách xã hội, nhà cách ly với nhà, nhất là tại các khu phong tỏa. Bởi nếu thực hiện nghiêm vấn đề này thì dịch bệnh mới sớm được kiểm soát.

Ứng xử với tất cả các loại vắc xin chất lượng là như nhau

Liên quan đến kế hoạch tiêm vắc xin cho người dân Thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho rằng, Thành phố ứng xử với tất cả các loại vắc xin chất lượng như nhau. Đồng thời khẳng định, TP.HCM sẽ tận dụng tối đa mọi nguồn lực, mọi cơ hội để có vắc xin sớm nhất cho Thành phố.

Lãnh đạo TP.HCM khẳng định, Thành phố tổ chức tiêm vắc xin cho tất cả người dân, và ứng xử với tất cả các loại vắc xin chất lượng là như nhau.

Lãnh đạo TP.HCM khẳng định, Thành phố tổ chức tiêm vắc xin cho tất cả người dân, và ứng xử với tất cả các loại vắc xin chất lượng là như nhau.

Theo ông Dương Anh Đức, hiện nay nguồn vắc xin về Việt Nam rất hạn chế, trong tháng 8 và tháng 9 dự kiến vắc xin về khoảng 3 triệu liều. Số lượng vắc xin phân bổ cho TP.HCM từ nguồn của Bộ Y tế, trong điều kiện nhiều tỉnh, thành cũng đang khó khăn, chắc chắn không lớn. Do đó, ông Đức nhấn mạnh, trong tháng 8, trọng tâm của TP.HCM là "cái tốt nhất là cái chúng ta đang có".

“TP.HCM sẽ triển khai tất cả các nguồn vắc xin đến người dân với tinh thần Thành phố chỉ cung cấp vắc xin đảm bảo chất lượng theo cấp phép của WHO và Bộ Y tế. Người dân phải có ý thức với sức khỏe của chính mình, tác động với cộng đồng để góp phần cải thiện tình hình chống dịch của Thành phố”, ông Đức nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đức, với nguồn lực hiện nay, TP.HCM có thể tiêm 350.000 liều/ngày hoặc nhiều hơn nữa. Nếu làm được như tốc độ này, trong thời gian ngắn Thành phố sẽ phủ được hết những người trong độ tuổi trên 18 tuổi, ý thức trách nhiệm của từng người dân sẽ giúp Thành phố hoàn thành nhiệm vụ tiêm vắc xin.

Ông Đức cho biết, hiện nay TP.HCM có nguồn 5 triệu liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm, và đang nỗ lực mang về 5 triệu liều Moderna. Nhưng 5 triệu liều Moderna phải cuối năm nay mới có. 

Liên quan đến 5 triệu liều vắc xin Moderna, ông Dương Anh Đức cho rằng, việc tiêm vắc xin này là hoàn toàn phi lợi nhuận, xuất phát từ sự đóng góp của các doanh nghiệp, để bảo đảm phủ vắc xin cho nhân viên của mình, sau đó là hỗ trợ cho Thành phố tổ chức tiêm cho các đối tượng ưu tiên. Nhà tài trợ là các tập đoàn, doanh nghiệp với nguyện vọng tiêm vắc xin sớm thì sẽ quay lại sản xuất sớm. Theo ông Đức, đây là hợp tác công - tư.

“Thành phố đã nỗ lực hết sức, làm việc với hàng trăm cơ hội, nhưng đến nay chỉ có 2 cơ hội thành hiện thực. Do nghĩa tình của Thành phố với địa phương, với các nước bạn nên khi Thành phố gặp khó khăn họ đã liên hệ và tìm các nguồn vắc xin hỗ trợ cho Thành phố. Thành phố tổ chức tiêm vắc xin cho tất cả người dân, và ứng xử với tất cả các loại vắc xin chất lượng là như nhau”, ông Đức nhấn mạnh.

Tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16

Cũng tại buổi họp báo này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM sẽ tiếp tục giãn cách xã hội theo tinh thần của Chỉ thị 16.

TP.HCM sẽ tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 15/8/

TP.HCM sẽ tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 15/8/

Về việc có phân vùng xanh, vùng đỏ hay không, ông Mãi cho biết từ nay đến ngày 30/8, TP.HCM cố gắng sàng lọc đánh giá địa bàn để khu trú đúng khu phong tỏa để tổ chức xét nghiệm, xây dựng vùng xanh, cô lập vùng đỏ. Qua đó, áp dụng biện pháp giãn cách phù hợp cho từng vùng.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, dịch bệnh sẽ còn kéo dài nên chuẩn bị tâm lý “trường kỳ kháng chiến”, ít nhất là đến ngày 15/9 hoặc dài hơn ở những cấp độ khác nhau như nhiều thành phố lớn trên thế giới, sau khi đạt đỉnh thì dịch vẫn còn kéo dài

Về các giải pháp, ông Mãi cho biết, TP.HCM sẽ nỗ lực thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả để kiểm soát tình hình; trong đó trọng tâm là chiến lược điều trị giảm tử vong trên 2 trụ cột: chăm sóc F0 tại nhà, cộng đồng và điều trị tại bệnh viện.

Về chăm sóc F0 tại nhà và cộng đồng gồm 5 đầu việc: nắm chặt danh sách F0 tại mỗi phường; kết nối F0 với có tư vấn viên thăm hỏi hằng ngày; cấp túi thuốc (do Bộ Y tế triển khai); lập tổ phản ứng nhanh của y tế cơ sở và sử dụng công nghệ hệ thống hóa F0 kết nối với các tầng còn lại.

Ông Mãi cho biết, các công việc trên Thành phố đã làm, nay tổ chức lại cho bài bản hơn; nếu thực hiện đồng bộ, hiệu quả thì quản lý được 80% ca F0 tại Thành phố.

Về việc điều trị tại bệnh viện (tầng 2 – 5), ông Mãi nhấn mạnh, mấu chốt là cung cấp ô xy; đồng thời rà soát lại để trang bị thêm, tổ chức sơ cấp cứu, cấp thuốc (do Bộ Y tế chỉ định, triển khai) đồng bộ từ bệnh viện dã chiến, bệnh viện quận, huyện đến Trung tâm hồi sức.

Có thể bạn quan tâm

  • TP.HCM muốn vay thêm 249 triệu USD cho tuyến Metro số 2

    TP.HCM muốn vay thêm 249 triệu USD cho tuyến Metro số 2

    16:00, 11/08/2021

  • TP.HCM phấn đấu kiểm soát được dịch trước 15/9

    TP.HCM phấn đấu kiểm soát được dịch trước 15/9

    14:42, 11/08/2021

  • TP.HCM phản hồi Bộ Y tế về việc mua 5 triệu liều Moderna

    TP.HCM phản hồi Bộ Y tế về việc mua 5 triệu liều Moderna

    14:21, 11/08/2021

  • TP.HCM kiến nghị công khai dự án thế chấp ngân hàng

    TP.HCM kiến nghị công khai dự án thế chấp ngân hàng

    13:00, 11/08/2021

  • TP.HCM: Hỗ trợ phí mai táng bệnh nhân COVID-19 tử vong

    TP.HCM: Hỗ trợ phí mai táng bệnh nhân COVID-19 tử vong

    15:00, 10/08/2021

ĐÌNH ĐẠI