Quảng Bình: Siết chặt giấy đi đường, nâng cao mức độ phòng dịch
Để phòng chống dịch, tỉnh Quảng Bình đang tăng cường xét nghiệm sàng lọc nhằm tách F0 ra khỏi cộng đồng, đồng thời bổ sung kịch bản phòng, chống dịch mở mức cao hơn, quyết tâm không để dịch bùng phát.
Nỗ lực tách F0 ra khỏi cộng đồng
Ngày 27/8, Quảng Bình tiếp tục ghi nhận 45 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 308 người. Phần lớn các ca F0 được phát hiện đều ở các xã vùng biển, có liên quan đến hộ kinh doanh, buôn bán ở Cảng cá Nhật Lệ, chợ truyền thống lớn của tỉnh như chợ Đồng Hới, chợ Ga...
Ngay khi có kết quả xét nghiệm, tỉnh Quảng Bình tăng cường công tác xét nghiệm trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là sàng lọc bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 ở tại các địa phương, vùng phong tỏa… để kịp thời tách F0 ra khỏi cộng đồng sớm nhất có thể. Đồng thời phát đi thông báo khẩn, yêu cầu những người từng đến Cảng cá Nhật Lệ, chợ cá, chợ Đồng Hới từ ngày 10/8 đến nay, khẩn trương liên hệ với tổ COVID-19 cộng đồng, các đơn vị y tế để được tư vấn, xét nghiệm
Để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong bối cảnh số F0, F1 đang gia tăng, tỉnh Quảng Bình bổ sung các khu điều trị bệnh nhân COVID-19, mở rộng thêm các khu cách ly cấp huyện để chuẩn bị tình huống khu cách ly tập trung F1 tuyến tỉnh quá tải. Mỗi địa phương phải tổ chức được các khu cách ly F1 đáp ứng tối thiểu 200 giường/khu, hoàn thành trước ngày 29.8 để tổ chức cách ly tập trung khi có yêu cầu.
Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục test nhanh các khu phong tỏa, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; truy vết F1, F2 trên diện rộng, nhất là cảng cá, chợ, trung tâm thương mại. Đồng thời đề nghị bổ sung kịch bản phòng, chống dịch cao hơn, không để dịch bùng phát. UBND các cấp khẩn trương thành lập trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch, ứng trực 24/24 giờ để phòng, chống dịch theo thẩm quyền.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu ngành y tế bổ sung nguồn lực y tế ngoài công lập, trang thiết bị, sinh phẩm, thuốc, bảo hộ phòng chống dịch, đồng thời nâng cao năng lực điều trị. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh bố trí làm việc phù hợp, không để gián đoạn, chậm trễ công việc nhưng phải đảm bảo quy định phòng, chống dịch. Phân luồng giao thông, kiểm tra, kiểm soát các cảng cá, không cho tàu thuyền di chuyển...
Siết chặt giấy đi đường
Để phòng chống dịch, tỉnh Quảng Bình siết chặt việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg tại các địa bàn đang thực hiện giãn cách xã hội như TP Đồng Hới, huyện Bố Trạch và một số xã thuộc các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy. Địa phương này cũng lập các chốt kiểm soát không cho người dân không có nhiệm vụ đi ra đường.
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, người dân có nhu cầu mua hàng thiết yếu có thể sử dụng dịch vụ đi chợ hộ, người giao nhận sẽ đưa hàng đến tận nhà. Hệ thống cửa hàng, siêu thị triển khai mô hình bán hàng trực tuyến, nhận đơn đặt hàng thông qua số điện thoại và website, tổ chức đội ngũ nhân viên giao hàng.
Tỉnh Quảng Bình cũng siết chặt hoạt động doanh nghiệp, tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động của các công trường, công trình xây dựng giao thông công nghiệp dân dụng chưa thực sự cấp bách từ 0 giờ ngày 28/8 đến 0 giờ ngày 2/9. Đối với những doanh nghiệp dịch vụ thiết yếu được hoạt động theo yêu cầu của cơ quan chức năng và đảm bảo an toàn.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức làm việc tại nhà phù hợp với điều kiện cụ thể, không để đình trệ công việc. Trước mắt, chỉ cho phép người làm nhiệm vụ có giấy đi đường di chuyển nội huyện, thành phố.
Đối với xe chở hàng hóa liên huyện bắt buộc phải có giấy đi đường ghi rõ điểm đi và điểm đến, giấy xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 có hiệu lực trong vòng 72 giờ. Đối với các phương tiện có giấy nhận diện “luồng xanh” (QR code), lực lượng kiểm soát sử dụng điện thoại thông minh hoặc thiết bị chuyên dụng quét mã QR trên giấy nhận diện để kiểm tra nhanh nếu đầy đủ các thông tin thì cho phương tiện lưu thông.
Ông Phan Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, ngoài siết chặt các biện pháp kiểm soát người và phương tiện, cũng cần tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển các mặt hàng thiết yếu có đầy đủ Giấy nhận diện “luồng xanh” được lưu thông, đảm bảo không để gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa, ảnh hưởng đến nhu cầu cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Có thể bạn quan tâm