1.484.060 liều vaccine COVID-19 do Chính phủ Pháp và Ý hỗ trợ đã đến Việt Nam
Ngày 14/9/2021, Việt Nam đã tiếp nhận 672.000 liều vaccine Astra Zeneca phòng COVID-19 do Chính phủ Pháp hỗ trợ và 812.060 liều vaccine Astra Zeneca từ Chính phủ Ý, thông qua Cơ chế COVAX.
Theo chia sẻ của ông Nicolas Warnery, Đại sứ Pháp tại Việt Nam cho biết: Thông qua sự đóng góp này, nước Pháp thể hiện tình đoàn kết của mình với Việt Nam trong giai đoạn khó khăn đang phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng, chúng tôi sát cánh cùng người dân Việt Nam thông qua việc hỗ trợ công tác tiêm chủng do các cơ quan chức năng phát động. Việc hỗ trợ này phù hợp với sự hợp tác lâu dài và thành công giữa Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực y tế.
Hiện nay, tiêm chủng là cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Đó là lý do vì sao Pháp cam kết chia sẻ 60 triệu liều vắc-xin vào năm 2021, bên cạnh đóng góp tài chính cho chương trình COVAX, nhằm đẩy nhanh các nỗ lực tiêm chủng trên toàn thế giới. Nói rộng hơn, Pháp là một trong những nước ủng hộ chính cho sáng kiến ACT- A nhằm cung cấp khả năng tiếp cận các xét nghiệm và phương pháp điều trị COVID-19 cho tất cả mọi người.
Cùng trên tinh thần đối tác chiến lược và tình hữu nghị chân thành gắn kết hai nước Ý và Việt Nam, Ý sát cánh cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống lại COVID-19”, phát biểu của ông Antonio Alessandro, Đại sứ Ý tại Việt Nam chia sẻ thêm: “Kể từ khi đại dịch bắt đầu diễn ra, Ý là một trong những quốc gia đầu tiên ủng hộ tầm quan trọng của việc tiếp cận vắc-xin, phương pháp điều trị và xét nghiệm COVID-19 công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người, dựa trên nguyên tắc đoàn kết quốc tế, theo đó sẽ không có ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn. Vì những lý do này, Ý đã hỗ trợ việc xây dựng sáng kiến ACT- Accelerator và Cơ chế COVAX Toàn cầu với tư cách là một trong những nhà tài trợ tài chính lớn nhất. Ngoài ra, nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh Y tế Toàn cầu do Nước Chủ tịch G20 – Ý chủ trì, chúng tôi cam kết tài trợ 15 triệu liều vaccine cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, bắt đầu từ những nước có nhu cầu cao nhất, trong đó có Việt Nam”.
Những đóng góp của hai nước Pháp và Ý đã góp phần cùng TeamEurope (Liên minh châu Âu và các Quốc gia thành viên) hỗ trợ Việt Nam chống lại đại dịch: TeamEurope là nhà tài trợ lớn thứ hai cho Cơ chế COVAX với 2,8 tỷ USD. Năm 2020, khoản hỗ trợ ngân sách của Liên minh châu Âu trị giá 19 triệu EUR đã được chuyển đến Kho bạc Nhà nước Việt Nam để tạo thêm không gian tài khóa nhằm thực hiện các chính sách cứu trợ. Nhiều chương trình song phương và các chương trình của Liên minh châu Âu, bao gồm từ Ý và Pháp, được dành riêng để hỗ trợ y tế công cộng cũng như công tác nghiên cứu và đổi mới y tế tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ tiếp nhận tượng trưng vaccine được tổ chức sáng nay tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Tô Anh Dũng đánh giá cao sự hỗ trợ quý báu và kịp thời của Chính phủ và nhân dân Pháp và Italia, cũng như sự hỗ trợ của COVAX trong việc đảm bảo tiếp cận công bằng với vaccine. Cũng tại buổi Lễ, Thứ Trưởng Bộ Y Tế Trần Văn Thuấn khẳng định sẽ sớm phân bổ lô vaccine này cho các địa phương và bảo đảm việc sử dụng thiết thực và hiệu quả nhất.
Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát COVID-19 lớn nhất và nghiêm trọng nhất kể từ đầu đại dịch. Chính phủ đã và đang thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để kiểm soát sự lây lan của vi-rút, bao gồm tăng tốc độ tiêm chủng cho người dân, đặc biệt là những người sống ở vùng dịch.
Tiến sĩ Kidong Park, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc và Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi rất biết ơn Chính phủ và nhân dân hai nước Pháp và Ý đã gửi đến Việt Nam những liều vắc-xin bổ sung thông qua Cơ chế COVAX. Khi Việt Nam có thêm vaccine, Chính phủ cần có chiến lược cung cấp vắc-xin cho những đối tượng cần nhất, theo thứ tự ưu tiên, bao gồm nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu chống dịch, người cao tuổi, người mắc bệnh nền và những người có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong cao nhất”.
Bà Lesley Miller, Phó đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết: “UNICEF hoan nghênh việc Chính phủ Pháp và Ý hỗ trợ vaccine COVID-19 thông qua Cơ chế chia sẻ vaccine COVAX, cơ chế cho phép các quốc gia có lượng vaccine dồi dào chia sẻ vaccine với các quốc gia khác để giúp bảo vệ các nhóm dân số có nguy cơ nhiễm vi-rút cao nhất trên toàn cầu. Tiếp cận công bằng với vắc-xin COVID-19 là hướng đi rõ ràng nhất giúp tất cả chúng ta, bao gồm cả trẻ em, thoát khỏi đại dịch này, và những liều vắc-xin hỗ trợ này là một bước quan trọng của hướng đi đó”.
Với việc tiếp nhận vắc-xin do Chính phủ hai nước Pháp và Ý tài trợ, Việt Nam đã nhận được 11.725.630 liều vaccine COVID-19 thông qua Cơ chế COVAX. Cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI) và Liên minh Vaccine và Gavi đồng khởi xướng, UNICEF là đối tác thực hiện chính.
Cho đến hiện tại, Việt nam đã tiêm 30 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong số đó có hơn 5,5 triệu liều là mũi tiêm thứ hai. Việc bổ sung vaccine này sẽ giúp Bộ Y tế mở rộng diện bao phủ và tiếp cận được nhiều đối tượng thuộc các nhóm ưu tiên, bao gồm cả người cao tuổi và những người có bệnh lý nền, góp phần hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho hơn 70% dân số cả nước vào quý I/2022.
Mặc dù việc Việt Nam liên tục tiếp nhận vaccine COVID-19 thông qua Cơ chế COVAX là điều đáng khích lệ, song, sẽ mất một khoảng thời gian để tất cả các nhóm ưu tiên được tiêm chủng. Do đó, cần phải tiếp tục thực hiện quy tắc 5K để giảm lây nhiễm vi-rút: đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế.
Có thể bạn quan tâm