Mới đây, Pháp đã thông qua một dự luật nhằm đẩy mạnh tiêm chủng vaccine COVID-19 cho toàn dân, đây có thể cũng là bài học cho các nước khi mà tỷ lệ tiêm chủng đang bị giảm mạnh.
Theo đó, kể từ tháng 8, bất kỳ ai ở Pháp vào quán cà phê, nhà hàng, trung tâm mua sắm, bệnh viện hoặc đi tàu đường dài sẽ phải xuất trình thẻ sức khỏe COVID-19 (Health Pass), Tổng thống Emmanuel Macron đã thông báo vào ngày 12/7/2021.
Trước đó, Pháp cũng đã đưa ra một yêu cầu kể từ ngày 21/7, bất kỳ ai trên 12 tuổi cũng sẽ phải xuất trình thẻ sức khỏe để vào rạp chiếu phim, bảo tàng, rạp hát trực tiếp, công viên giải trí hoặc trung tâm văn hóa.
Ngay sau bài phát biểu của tổng thống Pháp, cổng thông tin y tế trực tuyến Doctolib.fr của nước này đã bị sập vì quá nhiều người cố gắng đặt lịch hẹn tiêm chủng. Trong vòng 48 giờ sau thông báo, hơn 2,2 triệu cuộc hẹn tiêm chủng đã được đặt trực tuyến, theo một tweet từ Edouard Mathieu của Our World in Data.
Tuy nhiên, cũng có nhiều công dân Pháp đã xuống đường để phản đối các quy định mới, cho rằng điều đó là xâm phạm quyền tự do của họ và phân biệt đối xử với những người chưa được tiêm chủng, theo Reuters.
Có thể nói, trước đây ở Pháp việc tiêm chủng là không bắt buộc và điều này cũng không thay đổi đối với vaccine COVID-19. Nhưng động thái quyết liệt mới đây của Tổng thống Macron đang cho thấy nước này muốn biến việc tiêm chủng trở thành vũ khí hàng đầu để chống lại COVID-19 khi các biến thể mới xuất hiện.
Mặc dù vậy, cho đến nay, Pháp cũng mới chỉ tiêm phòng đầy đủ cho gần 40% dân số. Và có vẻ như sự cứng rắn của Tổng thống Pháp cũng đang được các nước trong khối Liên minh châu Âu học theo.
Chính phủ Hy Lạp đã đệ trình luật quy định việc tiêm chủng chống lại COVID-19 là điều kiện tiên quyết đối với nhân viên tại các viện dưỡng lão và cơ sở chăm sóc. Theo dự thảo luật, các nhân viên có thể bị đình chỉ không lương bắt đầu từ giữa tháng 8 nếu họ không tuân thủ.
Động thái này diễn ra sau việc tiêm chủng đã được thực hiện bắt buộc đối với nhân viên Dịch vụ Cứu hỏa, dịch vụ này sẽ chuyển các nhân viên không tiêm chủng sang các bộ phận khác trong tuần trước.
Theo bước chân của Pháp, Ý giờ đây cũng yêu cầu bằng chứng về ít nhất một liều vaccine hoặc xét nghiệm COVID-19 âm tính trong 48 giờ qua để vào viện bảo tàng, nhà hàng, nhà hát, sân vận động, rạp chiếu phim, phòng tập thể dục và các địa điểm giải trí khác các hoạt động.
Chính phủ Ý cũng hy vọng rằng thông qua điều kiện này sẽ dẫn đến việc tiêm chủng nhiều hơn trên toàn quốc. Hiện tại, chỉ 46% dân số ở Ý đủ điều kiện được tiêm chủng đầy đủ và 61% đã tiêm ít nhất một liều. Quốc gia này là quốc gia đầu tiên ở Châu Âu bắt buộc tiêm chủng cho các nhân viên y tế.
Health Pass - Thẻ sức khỏe được đưa ra lần đầu tiên vào ngày 9 tháng 6 và có thể được truy cập trên một ứng dụng đặc biệt do các chính phủ phát triển, TousAntiCovid. Khách truy cập từ các nơi khác trong Liên minh Châu Âu có thể xuất trình Chứng chỉ COVID kỹ thuật số của Liên minh Châu Âu, còn khách du lịch Vương quốc Anh có thể sử dụng Thẻ NHS COVID.
Hiện tại, Liên minh châu Âu cho biết đã vượt qua con số hai trăm triệu người (54,7% ) được tiêm phòng đầy đủ COVID-19, hoặc hơn một nửa dân số trưởng thành. Ủy ban châu Âu đã đặt mục tiêu 70% công dân EU trưởng thành được tiêm chủng vào mùa hè này.
Và mới đây, EU đã vượt qua Mỹ về tỷ lệ những người đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine, với khoảng 81 liều vắc-xin hiện được tiêm trên 100 người trong toàn khối. Tuy nhiên, sự chênh lệch ở các quốc gia khác nhau là cao. Hà Lan và Đan Mạch đều đã tiêm chủng cho hơn 56% dân số trưởng thành của họ. Nhưng chỉ 31% số người đã bị cả hai mũi tiêm ở Romania, trong khi ở Bulgaria, chưa đến 20% số người thậm chí đã nhận được liều thuốc đầu tiên.
Trong khi đó, nước Mỹ cũng đang phải đối mặt với sự gia tăng tương tự của biến thể Delta, theo một phân tích của CNN, các trường hợp đang gia tăng ở mọi bang và Washington DC, với 38 bang chứng kiến mức tăng kể từ tuần trước là ít nhất 50%. Số người nhập viện cũng đang gia tăng, nhiều người trẻ tuổi cũng đang phải nhập viện vì COVID-19.
Với tỷ lệ tiêm chủng tương tự, liệu nước Mỹ đã sẵn sàng cho các yêu cầu về vắc-xin kiểu Pháp chưa?
Trên thực tế, hộ chiếu vaccine đã được sử dụng ở nước này ngay từ cuối thế kỷ 19, tờ Time đưa tin. Khi du khách nhập cảnh vào đất nước này phải xuất trình bằng chứng rằng họ đã được tiêm phòng bệnh đậu mùa. Đây có thể là giấy chứng nhận tiêm phòng hoặc vết sẹo tiêm phòng trên cánh tay của họ.
Sau đó, bằng chứng về việc tiêm phòng đậu mùa là một yêu cầu đối với nhiều loại việc làm, đặc biệt là những công việc trong môi trường làm việc hạn chế như nhà máy, hầm mỏ và những nơi làm việc công nghiệp khác.
Tuy nhiên, giờ đây việc tiêm chủng vaccine COVID-19 ở Mỹ lại đang giảm mạnh kể từ mùa xuân. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), chưa đến một nửa số người Mỹ được tiêm phòng đầy đủ. Ngay cả ở những bang đã phát triển ứng dụng hộ chiếu vaccine, các chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 chủ yếu vẫn là tự nguyện.
Theo một phân tích của New York Times cho biết, với tốc độ tiêm chủng hiện tại, quốc gia này sẽ không đạt 70% tiêm chủng cho đến tháng 1 năm 2022.
Có thể thấy, hiện tại trong bối cảnh biến thể Delta đang hoành hành khắp nơi trên thế giới, các quốc gia bằng cách này hay cách khác, đều tiến hành nhiều chiến dịch để đẩy mạnh việc tiêm chủng toàn diện cho người dân. Tuy nhiên, để đạt được tỷ lệ tiêm chủng 70% có lẽ vẫn còn cần khá nhiều thời gian.
Có thể bạn quan tâm
Châu Âu và sáng kiến “kết nối toàn cầu”
06:00, 16/07/2021
Nước Anh và thước đo chống dịch COVID-19 ở châu Âu
06:00, 15/07/2021
Đồng Euro kỹ thuật số: Châu Âu không thể bỏ qua!
05:05, 05/07/2021
Khơi thông chuỗi giá trị du lịch: Châu Âu đang hồi sinh
11:00, 28/06/2021
EURO và bài test “kinh tế - dịch bệnh” ở châu Âu
13:35, 23/06/2021