KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Doanh nghiệp Đà Nẵng cần nhiều hơn nữa các chính sách hỗ trợ

TUẤN VỸ 18/09/2021 11:20

Suốt một thời gian dài, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 khiến cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng gặp khó nhưng các chính sách hỗ trợ vẫn còn dè dặt.

Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng của đại dịch COVID-19, TP Đà Nẵng đã trải qua một khoảng thời gian dài và khó khăn để ứng phó đại dịch. Nhiều hoạt động bị tạm dừng để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Trong đó, các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng về số lượng nhân công cũng như giấy đi đường.

Vì những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, các doanh nghiệp rơi vào cảnh khủng hoảng, gặp hàng loạt khó khăn khiến cộng đồng này đuối sức. Vì thế, đã có hàng loạt doanh nghiệp buộc phải tạm dừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Số ít doanh nghiệp còn hoạt động ổn định lại gặp khó trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ cũng như cần thêm nhiều chính sách khác để có thể cầm cự.

Doanh nghiệp Đà Nẵng

Nhiều doanh nghiệp Đà Nẵng rơi vào cảnh khủng hoảng, gặp hàng loạt khó khăn khiến cộng đồng này đuối sức.

Chia sẻ về các giải pháp có thể hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, ông Phạm Bắc Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bình Vinh cho rằng chính sách miễn, giảm các loại thuế phí, cho doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện đến tháng 06/2022. Đồng thời, ông Bình cho rằng nên giảm, giãn phí bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, phí Công đoàn cho các doanh nghiệp trong thời gian tới để doanh nghiệp chú tâm vào sản xuất.

"Nếu có thể, Chính phủ hãy hỗ trợ lãi suất ngân hàng, cho phép cộng lãi suất vào dư nợ gốc trong vòng 12 tháng. Đồng thời, bảo hiểm y tế hỗ trợ chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các doanh nghiệp đã tham gia lâu nay", ông Bình đề xuất.

Ngoài ra, ông Phạm Bắc Bình cũng góp ý về việc mỗi khu công nghiệp nên có 1 trạm y tế di động để xử lý các trường hợp cấp bách về chống dịch. Đối với công tác kiểm soát tại các chốt, cần thực hiện phương án chỉ kiểm tra phương tiện lưu thông tại điểm đi và điểm đến và có quy định về tần suất xét nghiệm COVID-19 đối với các lái xe và người lao động.

"Đồng thời, cần ưu tiên đi lại trong công việc đối với những người tiêm vaccine đủ 2 mũi, F0 đã lành bệnh. Ban phòng, chống dịch cũng cần xác định quy mô phong tỏa cho phù hợp, càng chính xác thì doanh nghiệp sẽ bớt thiệt hại khi có đủ lượng nhân công sản xuất. Đặc biệt, cần có phương án hỗ trơ y tế kịp thời cho doanh nghiệp khi có sự cố, công tác hỗ trợ vẫn bảo đảm an toàn nhưng không gián đoạn sản xuất cả Công ty", ông Phạm Bắc Bình nói thêm.

a

Cộng đồng doanh nghiệp cũng đề xuất TP Đà Nẵng xem xét nới lỏng các biện pháo phòng, chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp quay lại hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian sớm nhất.

Ngày 17/9, Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cũng đã có văn bản gửi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố để kiến nghị, đề xuất các phương án hỗ trợ doanh nghiệp. Theo văn bản của Hội doanh nhân trẻ, những ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 khiến cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn chưa thể khắc phục. 

Do đó, cộng đồng doanh nghiệp muốn TP Đà Nẵng hỗ trợ giảm lãi suất cho vay tối thiểu 2%, khoanh các khoản nợ ngắn hạn hiện có từ 3 - 6 tháng, các khoản nợ trung dài hạn từ 6 - 12 tháng để không bị đưa vào nhóm nợ xấu. Đồng thời, xem xét gia hạn nộp thuế từ 12 - 18 tháng, miễn, giảm các các khoản thuế, phí thuê đất, hạ tầng tại các khu công nghiệp.

"Về nguồn vốn, triển khai các gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp, hạ lãi suất và đơn giản thủ tục cho vay giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng. Giải ngân vốn đầu tư công tạo chuyển biến tích cực và tiền đề thúc đẩy phát triển kinh  tế - xã hội trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Đồng thời, tạo điều kiện để các bộ công nhân viên làm việc tại các doanh nghiệp được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong tháng 9 để ổn định hoạt động sản xuất", ý kiến đề xuất tại văn bản kiến nghị do ông Hà Đức Hùng - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng ký.

a

Đà Nẵng đang thực hiện nới rộng dần các biện pháp giãn cách cũng như cho phép doanh nghiệp tăng số lượng người lao động tham gia sản xuất.

Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp cũng đề xuất TP Đà Nẵng xem xét nới lỏng các biện pháo phòng, chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp quay lại hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian sớm nhất.

Vừa qua, TP Đà Nẵng đã tổ chức thực hiện Quyết định số 2985/QĐ-UBND ngày 14/9/2021 của UBND về việc chủ động các giải pháp khoanh vùng chống dịch, tổ chức sản xuất một cách phù hợp. Trong đó, Đà Nẵng đã nới rộng các biện pháp giãn cách cũng như cho phép doanh nghiệp tăng số lượng người lao động từ 30% lên 70% kể từ ngày 16/9 góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về nhu cầu nguồn lực lao động, hoạt động sản xuất. 

Có thể bạn quan tâm

  • VCCI Đà Nẵng phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp về việc cấp giấy đi đường QR Code

    VCCI Đà Nẵng phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp về việc cấp giấy đi đường QR Code

    11:34, 13/09/2021

  • Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ miễn dịch cộng đồng

    Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ miễn dịch cộng đồng

    01:39, 06/09/2021

  • Đà Nẵng làm gì để “trói” COVID-19?

    Đà Nẵng làm gì để “trói” COVID-19?

    11:00, 30/08/2021

TUẤN VỸ