Đường sắt "bắt tay" doanh nghiệp logistics khép kín chuỗi vận tải
Trong bối cảnh “leo thang” giá cước vận tải biển, vận tải đường sắt đang có cơ hội làm mới mình và bứt tốc thông qua việc cung cấp phương tiện vận tải, nhà ga hàng hoá, trung tâm logistics...
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và Công ty CP Đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế (ILS) vừa ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược trong khai thác vận tải, các lĩnh vực dịch vụ và đầu tư đường sắt, nhằm phát huy được ưu thế lĩnh vực vận tải này.
Theo đó, VNR sẽ tối ưu từng phương thức vận tải trong chuỗi cung ứng logistics, tạo điều kiện để ILS cung cấp các dịch vụ vận tải kết nối với các lĩnh vực hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển đến với khách hàng.
Cũng theo Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa VNR và ILS, ILS sẽ kết nối để cùng VNR tiếp cận, cung cấp dịch vụ cho các đối tác, khách hàng của ILS trong nước và nước ngoài. Đồng thời tư vấn, đề xuất các giải pháp đầu tư và cung cấp dịch vụ sử dụng tối ưu hệ thống cơ sở hạ tầng của cả hai bên như các loại phương tiện vận tải, nhà ga, kho tàng, bến bãi, cảng, trung tâm logistics...
Bên cạnh đó, VNR và ILS thống nhất hợp tác trong việc khai thác cung ứng dịch vụ vận chuyển hàng hóa, logistics trên các tuyến vận tải nội địa, sử dụng dịch vụ đường sắt; trên các tuyến vận tải kết hợp giữa các phương thức khác nhau, trong đó có đường sắt như: Cảng Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Vân Nam (Trung Quốc); cảng Cái Lân - Đồng Đăng - Quảng Tây - Vân Nam; tuyến vận tải liên vận quốc tế Á - Âu khởi đầu từ ga Yên Viên qua Trung Quốc, kết nối đến các thành phố lớn tại châu Âu và ngược lại.
Ngoài ra, ILS đề nghị cùng VNR nghiên cứu phương án hợp tác đầu tư các ga đường sắt, trung tâm logistics đường sắt, phương tiện vận tải như toa xe chở hàng rời, hàng container và phương tiện bốc xếp chuyên dụng.
Trên thực tế, mặc dù là 1 trong những loại hình vận tải có thế mạnh trong nhóm 5 loại hình vận tải chủ lực tại Việt Nam, tuy nhiên, đường sắt chưa được chú trọng đúng mực. Nói như ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch VNR, đường sắt trong các năm qua không được chú trọng đầu tư, nguồn kinh phí đầu tư cho ngành chỉ đủ duy trì trạng thái hiện có, không có kinh phí để nâng cấp, xây dựng mới. Cơ sở hạ tầng lạc hậu, từ công nghệ vận hành tàu, cho đến hệ thống nhà ga, điểm tập kết hàng hóa… khiến vận tải đường sắt không thể cạnh tranh được với các loại hình vận tải khác, dù giá rẻ.
“Vì vậy, nếu không khai thác được hạ tầng giao thông đường sắt hiệu quả, khó có thể phát triển các ngành công nghiệp nặng, cũng như các ngành công nghiệp khác. Ngành Đường sắt được đầu tư phát triển sớm ngày nào thì sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội sớm ngày đó”, ông Vũ Anh Minh chia sẻ.
Được biết, VNR đưa ra chiến lược, từ năm 2022 sẽ chuyển hướng đẩy mạnh kinh doanh vận tải hàng hóa, song song với vận tải hành khách,
Đồng thời đề xuất các cơ quan quản lý Nhà nước giao 297 khu ga hiện có cho VNR theo hình thức tính vào vốn doanh nghiệp để chủ động khai thác, kinh doanh, phát huy tiềm năng về vận tải, hạ tầng khu ga, nhất là hạ tầng kho bãi các khu ga hàng hóa.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu đến năm 2030 là cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế.
Bên cạnh quy hoạch đường sắt trong nước với 7 tuyến đường sắt hiện có tổng chiều dài khoảng 2.440km và 9 tuyến đường sắt mới, tổng chiều dài 2.362km, quy hoạch cũng nhắc đến mạng đường sắt Việt Nam kết nối xuyên Á, kết nối Á - Âu thông qua đường sắt Trung Quốc tại cửa khẩu Hữu Nghị và Lào Cai; kết nối với đường sắt ASEAN qua Lào, qua Campuchia.
Do đó, việc các doanh nghiệp đường sắt “bắt tay” doanh nghiệp logistics để tối ưu hoá hoạt động vận tải đường sắt là hướng đi đúng đắn. Thậm chí, kế hoạch xây dựng đường sắt tốc độ cao để cạnh tranh với hàng không cũng đã được Bộ GTVT tính đến.
Tuy nhiên, nếu chỉ bản thân doanh nghiệp cố gắng là chưa đủ, đường sắt cần có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý trong việc hoạch định, xây dựng và phát triển quy hoạch chung toàn ngành, đặc biệt trong vấn đề hạ tầng cứng của ngành. Người đứng đầu VNR từng nhiều lần thừa nhận rào cản lớn nhất đối với vận tải hành hóa của ngành đường sắt chính là cơ sở hạ tầng. Do đó, Nhà nước cần “rót vốn” đầu tư vào các hạng mục nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới bãi hàng, kho hàng tại các ga xếp dỡ hàng hóa trọng điểm để tăng năng lực xếp dỡ thông qua…
Đề xuất hơn 2.200 tỷ đồng đấu nối ray giữa hai ga Lào Cai - Hà Khẩu Bắc Ban Quản lý dự án đường sắt vừa trình Bộ GTVT xem xét, thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc. Theo đó, Ban Quản lý dự án đường sắt dự kiến tổng mức đầu tư dự án hơn 2.206 tỉ đồng. Nguồn vốn từ vốn ngân sách Nhà nước thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phân bổ cho Bộ GTVT. Cũng theo Ban Quản lý dự án đường sắt, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây nối Côn Minh (Trung Quốc) với Hải Phòng (Việt Nam), đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên - Trung Quốc với các tỉnh miền Bắc Việt Nam đến cảng biển Hải Phòng. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa liên vận trên tuyến đường sắt qua cửa khẩu này tương đối lớn. Tuy nhiên, vận tải đường sắt còn khó khăn do "vênh" khổ đường. Khó khăn về kĩ thuật này phát sinh chi phí sang toa, chuyển tải hàng hóa từ tàu Việt Nam (khổ 1.000mm) sang tàu Trung Quốc (khổ 1.435mm). Trong khi đó, theo UBND tỉnh Lào Cai, tuyến hiện tại sẽ không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu Lào Cai về Hải Phòng khi nhu cầu tăng lên trên 3 triệu tấn/năm thời gian tới. Vì vậy, Dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc khi hoàn thành sẽ giúp Việt Nam chủ động chuyển tải hàng hóa và hành khách tại ga Lào Cai, tăng nhanh thời gian lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, giảm chi phí vận tải đường sắt, thúc đẩy phát triển vận tải hàng hóa bằng đường sắt, tăng thêm thị phần vận tải đường sắt. Có thể bạn quan tâm |