Doanh nghiệp “càng làm càng lỗ” do chênh lệch giá vật liệu xây dựng
Các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cho rằng, có sự chênh lệch lớn giữa giá vật liệu xây dựng do Nhà nước ban hành với giá thị trường, khiến doanh nghiệp “càng làm càng lỗ”.
>>Thái Nguyên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Theo đó, những bất cập trong việc xác định đơn giá xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước chưa sát với diễn biến giá thị trường; việc điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng do ảnh hưởng từ sự biến động của giá xăng dầu và giá thành các nguyên vật liệu đầu vào… đã được các doanh nghiệp nêu lên tại Hội nghị đối thoại giữa Sở Xây dựng với cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Càng làm càng lỗ…
Các doanh nghiệp cho rằng, năm 2022, hàng loạt các vật liệu xây dựng tăng giá đột biến như sắt, thép, xi măng, gạch, đá,…; đặc biệt, giá nhiên liệu tăng kỷ lục nên ảnh hưởng tới giá thành xây dựng. Đến nay, nhiều nhà thầu buộc phải dừng thi công hoặc chọn giải pháp thi công cầm chừng do càng làm càng lỗ. Do đó, doanh nghiệp đề nghị các cơ quan chức năng điều chỉnh giá cho các dự án, công trình trong năm 2022 theo kịp biến động giá của thị trường. Doanh nghiệp mong muốn Sở Xây dựng không công bố giá theo trung tâm huyện mà công bố theo giá của các mỏ vật liệu, đảm bảo khách quan, chính xác.
Một số doanh nghiệp kiến nghị cơ quan nhà nước cần chú trọng công tác lập quy hoạch, cấp phép khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt là các mỏ đất và vật liệu san lấp. Theo đó, cần có giải pháp đẩy nhanh cấp phép khai thác cho các mỏ đang có quy hoạch và xin quy hoạch; cần chú trọng công bố vị trí các mỏ đảm bảo phù hợp với nhu cầu từng vùng trong tỉnh, tránh tình trạng phân bổ không đều.
Đặc biệt, thời gian qua có sự biến động lớn về giá san lấp, nguyên nhân chính do biến động của giá nguyên vật liệu. Cụ thể, đối với vật liệu san lấp, giá thành khai thác và vận chuyển chiếm thị trường lớn, trong đó, phần nhiên liệu ước tính khoảng 55% giá cước san lấp. Trong khi đó, giá đất san lấp gần như không có sự điều chỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022 mặc dù diễn biến giá nhiên liệu trên thị trường tăng cao.
Ông Nguyễn Trường Nhân, công ty TNHH Hà Trung (TP Phổ Yên) bày tỏ quan điểm về giá vật liệu giữa nhà nước và thị trường đang có sự chênh lệch lớn. Cơ quan Nhà nước cập nhật kịp thời giá vật liệu theo thị trường là góp phần giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn trong thời điểm khó khăn này, ông Nhân bày tỏ.
Về vấn đề này, ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên cho biết, quy trình công bố giá của liên Sở Xây dựng – Tài chính theo nguyên tắc căn cứ vào thông báo giá gốc vật liệu xây dựng (do Sở Tài chính công bố hàng tháng tại trung tâm huyện lỵ, dựa trên báo giá của các nhà cung cấp vật liệu) cộng với chi phí vận chuyển (trung bình 5km) ra giá của vật liệu xây dựng. Thời gian không quá mùng 10 tháng sau thì ra thông báo giá của tháng trước.
Theo ông Khánh, để có thông báo giá chính xác thì phải có dữ liệu đầu vào chính xác. Điều đó đòi hỏi các cơ quan chuyên môn, bộ phận chuyên môn, các doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng phải lập con số chính xác, sát với giá thị trường.
>>> Giải tỏa “độ trễ” công bố giá vật liệu xây dựng
>>> Bình ổn giá vật liệu xây dựng
Cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập
Phản ánh công tác bàn giao công trình còn gặp nhiều vướng mắc, ông Lương Chí Công, đại diện Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo tỏ ra băn khoăn về việc kéo dài thời gian bàn giao các dự án tái định cư gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Ông Công cho biết, doanh nghiệp ông khởi công xây dựng khu tái định cư Nam Sông Công từ 2006, đã tiến hành nghiệm thu và thực hiện các thủ tục bàn giao cho cơ quan nhà nước quản lý. Tuy nhiên, đến nay chưa nhận được phản hồi về các đề nghị của doanh nghiệp liên quan đến thủ tục bàn giao. Từ những vướng mắc này dẫn đến tăng chi phí vận hành, bảo trì của doanh nghiệp; do không có chức năng quản lý khu dân cư nên khi xảy ra các vấn đề khác doanh nghiệp không thể giải quyết.
“Việc bàn giao nếu đúng tiến độ sẽ giúp doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ quy định của Nhà nước về đầu tư, xây dựng, góp phần ổn định đời sống dân cư”, ông Công thẳng thắn.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc công ty xây dựng Thành Hưng (huyện Phú Bình, Thái Nguyên) cho rằng, còn quá nhiều bất cập trong việc thanh toán đất cho các nhà thầu thi công dự án, bởi, các nhà thầu thi công đất lấy ngoài tỉnh thì không được thanh toán, lấy trong huyện thì không có hóa đơn cũng không được thanh toán.
Về việc này, ông Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên cho rằng, việc thẩm định dự toán là của cơ quan chuyên ngành xây dựng, thẩm định quyết toán là cơ quan chuyên ngành Tài chính (Sở Tài chính hoặc UBND cấp huyện). Hai cơ quan làm việc độc lập. Nếu nguồn gốc đất hợp pháp, không vi phạm pháp luật thì sẽ quyết toán được theo quy định.
Đối với chính sách cho nhân công lao động, đại diện công ty xây dựng Hoàng Hải (TP Thái Nguyên) cho biết, hiện nay, lương tối thiểu vùng theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã tăng 6%. Tuy nhiên, theo cách áp dụng hiện tại của UBND tỉnh Thái Nguyên, lương của một số bậc thợ, nhóm thợ (bậc 1, nhóm 1) đang nhỏ hơn lương tối thiểu vùng theo nhà nước quy định, chưa phù hợp với quy định lương tối thiểu vùng. Doanh nghiệp kiến nghị Sở xây dựng là cơ quan chuyên môn, tham mưu UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành sớm nhất đơn giá nhân công, phục vụ cho hoạt động quản lý chi phí trong xây dựng.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên khẳng định, những ý kiến tham gia của các doanh nghiệp không chỉ phục vụ lợi ích cho chính doanh nghiệp mà vì môi trường kinh doanh chung của tỉnh. Việc đồng hành cùng doanh nghiệp phải thể hiện bằng kết quả cụ thể, đặc biệt tạo ra cơ chế chính sách đầu tư thuận lợi, hài hòa với lợi ích chung của tỉnh - doanh nghiệp - nhân dân.
Tỉnh Thái Nguyên luôn xác định sự thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh. Những cuộc đối thoại, gặp gỡ với doanh nghiệp như vậy đã phần nào tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp sẽ là cơ sở để Sở Xây dựng, UBND tỉnh rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế trong quản lý, điều hành, qua đó, lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả hơn nữa.
Có thể bạn quan tâm
Giải pháp vật liệu xây dựng cho công trình xanh
08:00, 30/07/2022
Cảnh báo huy động vốn qua đặt cọc mua vật liệu xây dựng
21:02, 19/07/2022
Thái Nguyên tăng 4 bậc, đứng thứ 8 cả nước về chuyển đổi số
11:30, 11/08/2022
Thái Nguyên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
15:57, 04/08/2022
Đối thoại chuyên đề với người nộp thuế tại tỉnh Thái Nguyên
08:01, 20/07/2022