Điện Biên gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư lần thứ nhất năm 2023

PHAN NAM- KHẮC LÃNG 31/03/2023 23:00

Sự phát tiển ổn dịnh, bền vững của doanh nghiệp là yếu tố tạo nên sự phát triển ổn định, bền vững của tỉnh Điện Biên.

>>>Điện Biên: Chính quyền và doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển

Đó là khẳng định của ông Trần Quốc Cường, Bí thư tỉnh uỷ Điện Biên tại Hội nghị Gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư lần thứ nhất, năm 2023.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Điện Biên, năm 2022, tỉnh đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 17 dự án về thủy điện, thương mại - dịch vụ, nông - lâm nghiệp, xây dựng khu dân cư với tổng số vốn đăng ký đầu tư 8.405,5 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước (năm 2021 là 19 dự án với tổng vốn đăng ký là 6.759,7 tỷ đồng). Luỹ kế có 195 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 43.159,44 tỷ đồng. Trong đó, có 118 dự án hoàn thành đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 12.288,08 tỷ đồng; 77 dự án đang thực hiện đầu tư với tổng số vốn giải ngân là 3.847 tỷ đồng/30.871,36 tỷ đồng (bằng 12,5% số vốn đăng ký).

Ông Trần Quốc Cường, Bí thư tỉnh uỷ Điện Biên phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Ông Trần Quốc Cường, Bí thư tỉnh uỷ Điện Biên phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Trong năm 2022, toàn tỉnh có 110 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 1.500 tỷ đồng; có 72 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký (thông báo) hoạt động trên địa bàn tỉnh. Lũy kế đến hết năm 2022 tỉnh Điện Biên có 1.340 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 30.000 tỷ đồng và 565 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của các doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại địa phương.

Kinh tế tập thể và hộ kinh doanh tiếp tục được khuyến khích phát triển, trong năm 2022 thành lập mới 37 hợp tác xã, đạt 168% so với kế hoạch, tổng số vốn điều lệ 94,57 tỷ đồng; có 19 HTX giải thể. Toàn tỉnh hiện có 283 HTX với 9.491 thành viên, tổng số vốn điều lệ là 789 tỷ đồng. Năm 2022 có 1.234 hộ kinh doanh đăng ký mới với tổng số vốn 175 tỷ đồng. Lũy kế toàn tỉnh có 18.986 hộ kinh doanh với tổng số vốn đăng ký là 1.373 tỷ đồng.

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Để khơi dậy tiềm năng, lợi thế, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, trong thời gian vừa qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách với nhiều nhóm giải pháp cụ thể, thiết thực để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, quản lý điều hàng, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung huy động nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội làm động lực cho phát triển; đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia đóng góp sự nghiệp phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều dự án triển khai chậm so với yêu cầu đặt ra, một số dự án có hiện tượng chững lại, triển khai một cách cầm chừng, chờ đợi diễn biến của thị trường.

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên phát biểu tại Hội nghị>

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên phát biểu tại Hội nghị

“Chính vì vậy, Hội nghị lần này được tổ chức với mục tiêu đánh giá tổng thể tình hình, kết quả triển khai thực hiện các chương trình, dự án có sử dụng vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, làm rõ hơn các khó khăn, tồn tại, vướng mắc và nguyên nhân; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước tại địa phương trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai; xem xét, đánh giá mức độ, khả năng tập trung nguồn lực, tâm huyết, trách nhiệm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với việc thực hiện những nội dung đã cam kết với tỉnh.”- ông Lê Thành Đô nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, TGĐ Công ty TNHH CME Biomass Holdings cho biết: Nhà máy điện sinh khối mà CME đang nghiên cứu triển khai trên địa bàn tỉnh có hai hợp phần: Hợp phần trồng rừng tập trung tạo vùng nguyên liệu và hợp phần nhà máy điện sinh khối. Dự án nhà máy điện sinh khối đi vào hoạt động sẽ tạo ra hệ sinh thái biomass gồm: tín chỉ carbon, dịch vụ môi trường rừng, chế phẩm sản phẩm lâm nghiệp, điện biomass, phân vi sinh… Tổng vốn đầu tư khoảng 6.786 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 14.600 lao động thường xuyên hằng năm.

>>>Điện Biên: Khơi thông “điểm nghẽn” môi trường kinh doanh

>>>Điện Biên nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Để dự án triển khai thuận lợi, ông Nguyễn Anh Tuấn kiến nghị, UBND tỉnh hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ dự án; thứ hai hỗ trợ giải phóng mặt bằng vùng lõi dự án, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai; hỗ trợ đo đạc quy chủ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trong vùng dự án làm căn cứ pháp lý khi kí kết hợp đồng hợp tác, liên kết trồng rừng với nhà đầu tư; hỗ trợ, nâng cấp và xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, bản, liên xã, đáp ứng nhu cầu vận chuyển, thu mua nguyên liệu khi nhà máy điện địa phương đi vào hoạt động; quan tâm chuyển đổi diện tích đất quy hoạch rừng phòng hộ trong vùng dự án chuyển sang quy hoạch đất rừng sản xuất để chủ đầu tư sớm đủ điều kiện khai thác đảm bảo tiến độ dự án; tích hợp các chính sách hỗ trợ, phát triển trồng rừng tại địa phương.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp báo cáo Bộ Công thương sớm phê duyệt bổ sung 03 dự án CME Điện Biên vào Quy hoạch và Kế hoạch triển khai thực hiện các dự án sinh khối.

Hội nghị có sự tham gia của đông đảo các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Hội nghị có sự tham gia của đông đảo các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Theo ông Hà Văn Quân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần du lịch và nông nghiệp công nghệ cao Điện Biên: Hiện nay việc triển khai dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn huyện Nậm Pồ gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên là người dân tại khu vực dự án chưa đồng ý cho đo đạc và không đồng ý với chủ trương thu hồi diện tích vượt 5 ha đang canh tác để cho nhà đầu tư thuê.

Thứ hai, chưa có hồ sơ địa chính đất nương rẫy nên không quản lý canh tác được nên giám sát hộ dân kê khai không xác định được, khó khăn trong việc quy chủ.

Bên cạnh đó, trước đây huyện triển khai một số dự án không mang lại hiệu quả như cây keo, cây sưa, cây cao su khiến người dân thiếu niềm tin. Trong khi đó, muốn phát triển cây mắc ca bền vững phải có vùng nguyên liệu tập trung. Vì vậy, doanh nghiệp đề nghị phải có cơ chế tạo vùng lõi cho doanh nghiệp tạo vùng trồng tập trung đảm bảo sản xuất theo quy mô hàng hoá. Đồng thời, tạo đảm bảo để doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ pháp lý, đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. Đặc biệt, việc liên kết với người dân chính quyền địa phương huyện, xã, bản phải thực hiện vào cuộc thì mới thực hiện được.

Ông Hà Sỹ Dinh, Phó Tổng giám đốc phụ trách thủy điện của Tập Đoàn KOSY cho biết: Trong quá trình đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh hiện nay, chúng tôi đang gặp một số vấn đề vướng mắc và có một số kiến nghị cụ thể: Thứ nhất, đường dây truyền tải 220Kv từ Điện Biên – Sơn La: Khả năng truyền tải điện về dưới xuôi hiện nay đã quá tải không đủ khả năng truyền tải hết công suất các nguồn điện đi vào vận hành trong thời gian tơi. Đề nghị các cấp lãnh đạo tỉnh kiến nghị với Tập đoàn điện lực VN (EVN) thúc đẩy Tổng công ty truyền tải đầu tư khẩn trương tuyến đường dây này.
Thứ hai, Trạm 110kv Nậm Pồ và Tuyến đường dây mạch kép từ Nậm Pồ về ngăn lộ 110kv tại trạm 500kv thủy điện Lai Châu. Khi tuyến đường dây này chưa được đầu tư, khoảng 180MW thủy điện tại huyện Nậm Pồ và Mường Nhé và huyện Mường Tè của tỉnh Lai Châu không thể đầu tư được. Nếu để các doanh nghiệp thủy điện đầu tư thì chi phí rất lớn, dẫn đến các dự án kém hiệu quả (khả năng thu hồi vốn đầu tư kéo dài). Vì vậy, kiến nghị tỉnh đề xuất với EVN giao cho Tổng công ty điện lực Miền Bắc thực hiện đầu tư tuyến đường dây và Trạm này.

Ông Bùi Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Điện Biên cho rằng: Điện Biên là tỉnh nghèo, nguồn đầu tư ngân sách từ trung ương hạn chế, vì vậy để kinh tế địa phương phát triển thì các cấp chính quyền trong tỉnh phải chung tay, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp. Một trong những vướng mắc lớn nhất đối với các nhà đầu tư đến với Điện Biên hiện nay vẫn là thủ tục đất đai. Chính vì vậy, để tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm phải quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu phải thay đổi tư duy hành chính sang phục vụ. Tỉnh cần thành lập ban chỉ đạo giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp và có đối thoại hằng tháng đối với doanh nghiệp để các khó khăn, vướng mắc được phải được giải quyết kịp thời, hiệu quả.

Ông Bùi Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Điện Biên phát biểu tại Hội nghị

Ông Bùi Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Điện Biên phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tai Hội nghị, ông Trần Quốc Cường, Bí thư tỉnh uỷ Điện Biên yêu cầu chính quyền các cấp tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư dự sán trên địa bàn tỉnh; tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển lớn mạnh cả về quy mô và số lượng; tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021- 2025, định hướng tới năm 2030. Tiếp tục rà soát, sửa đổi cơ chế, quy định, quy trình bất hợp lý, chồng chéo, mâu thuẫn, cắt giảm và đơn giản hoá các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cấp phép đầu tư, nhất là về lĩnh vực xây dựng, tài nguyên, môi trường, đất đai… Giảm thời gian thực hiện các thủ tục thuế, hải quản, kiểm tra, thông quan, xuất nhập khẩu hàng hoá…

Ông Trần Quốc Cường nhấn mạnh: Các cấp chính quyền phải tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm đinh, phê duyệt các đồ án quy hoạch. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ccs dự án để bàn giao mặt bằng sạch theo tiến độ của nhà đầu tư; phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư đẩy nhanh quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định, sớm khởi công các dự án, nhất là các dự án phát triển đô thị, nhà ở, thương mại, dịch vu, phát triển các sản phẩm du lịch…

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, ông Trần Quốc Cường đề nghị tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, huy động các nguồn lực thực hiện nghiêm, đúng, đủ các nội dung đã cam kết với tỉnh; phát huy vai trò tiên phong, năng động, chủ động tháo gỡ khó khăn… đẩy nhanh tiến độ triển khai, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả các dự án.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư tỉnh uỷ cũng như các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, ông Lê Thành Đô khẳng định: Những kiến nghị của các nhà đầu tư liên quan đến tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đất đai, cơ chế thực hiện các dự án, đấu giá đất, đấu thầu dự án, xây dựng đường dây tải điện… sẽ được Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp xử lý triệt để trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

  • Điện Biên kích cầu du lịch

    Điện Biên kích cầu du lịch

    03:00, 11/03/2023

  • Lễ hội Hoa Ban 2023: Cơ hội kết nối của Điện Biên

    Lễ hội Hoa Ban 2023: Cơ hội kết nối của Điện Biên

    22:30, 09/03/2023

  • Điện Biên: Tiếp tục nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT

    Điện Biên: Tiếp tục nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT

    18:08, 25/08/2022

  • Điện Biên phấn đấu vượt dự toán thu ngân sách

    Điện Biên phấn đấu vượt dự toán thu ngân sách

    20:01, 22/07/2022

PHAN NAM- KHẮC LÃNG