Quảng Ninh: Phải là địa phương đi đầu giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm cơ hội đầu tư
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Quảng Ninh tại hội nghị gặp mặt doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2023 với sự tham dự của gần 500 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn.
>>>Quảng Ninh: Cải cách hành chính để thu hút đầu tư
Vai trò quan trọng
Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã khẳng định vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp đối với sự phát triển của tỉnh và đất nước. Đồng thời, bày tỏ trân trọng cảm ơn sự đồng hành của người dân, gắn kết chính quyền và cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực, vượt khó, đồng hành cùng tỉnh trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội (KTXH) nhanh, bền vững; nâng cao chất lượng điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội.
“Từ niềm tin của doanh nghiệp, doanh nhân ở các chỉ số cạnh tranh, Quảng Ninh phải là địa phương đi đầu, tập trung cải cách thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh; kiến tạo niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh, ít rủi ro, an toàn đầu tư; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tổng thể; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số để đáp ứng nhu cầu của quy mô nền kinh tế; tiếp tục phát triển tỉnh Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp, hiện đại, trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch quốc tế...”, ông Ký nhấn mạnh.
Báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh cho biết: “Hiện, Quảng Ninh có 10.756 doanh nghiệp, 408 hợp tác xã và 32.951 hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước; tỷ lệ vốn trên doanh nghiệp đạt 17 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 5,5 tỷ đồng so với năm 2015 cho thấy năng lực của doanh nghiệp đã tăng lên đáng kể và đã phát triển theo hướng bền vững. Sự phục hồi, phát triển của doanh nghiệp đã góp phần quan trọng để Quảng Ninh hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch”.
Tại hội nghị, trên cơ sở thẳng thắn và tinh thần xây dựng, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã tham gia ý kiến, thảo luận, trao đổi trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo tỉnh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải. Đã có 13 ý kiến từ doanh nghiệp liên quan đến việc điều chỉnh một số quy hoạch liên quan đến hạ tầng vận tải; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác GPMB, triển khai các dự án đầu tư; công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo PCCC tại các doanh nghiệp; đề nghị đầu tư năng lượng thay thế là điện mặt trời, gió, tái sử dụng nước thải tại các KCN... được các sở, ngành liên quan giải đáp, làm rõ và đã nhận được sự đồng tình cao.
Những khó khăn cần tháo gỡ
Theo ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, “để Quảng Ninh tiếp tục thành công trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Hiệp hội mong muốn tỉnh thành lập các tổ công tác để tiếp tục rà soát giảm tiếp một số quy định về hồ sơ, TTHC của các sở, ngành, địa phương, tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch, thông thoáng; tập trung giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, các dự án đang chờ phê duyệt, các dự án đang chờ quyết định chủ trương đầu tư để sớm cho các doanh nghiệp triển khai, kể cả các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã có hồ sơ đề xuất xin chủ trương đầu tư”.
Ông Koen Soenens, Giám đốc Kinh doanh & Marketing Tổ hợp KCN DEEP C đánh giá rất cao việc tỉnh tổ chức hội nghị phân tích chuyên sâu Chỉ số PCI, công bố kết quả Chỉ số DDCI và hội nghị gặp mặt doanh nghiệp. Cách thức tổ chức rất phù hợp, bài bản và chuyên nghiệp. Xuyên suốt hội nghị cho thấy sự thẳng thắn, cởi mở và tinh thần xây dựng của lãnh đạo tỉnh đối với cộng đồng doanh nghiệp. Thành công của hội nghị lần này một lần nữa sẽ nâng cao hình ảnh của Quảng Ninh trong mắt các nhà đầu tư.
>>>Quảng Ninh: Cải thiện chất lượng hạ tầng phục vụ chuyển đổi số
“Với mong muốn Quảng Ninh tiếp tục là địa chỉ tin cậy của các doanh nghiệp FDI, tôi cũng có một hiến kế với tỉnh đó là tỉnh cần phải có phương án để giải quyết về quỹ đất, đẩy nhanh tiến độ đền bù GPMB để có quỹ đất sạch cho nhà đầu tư; cung cấp nguồn điện ổn định công suất lớn phục vụ các dự án tại DEEP C Quảng Ninh. Vì những nhà đầu tư thứ cấp khi đến với DEEP C họ đều đặt ra 3 câu hỏi về quỹ đất, nguồn điện và nguồn nhân lực. Chỉ cần tỉnh thỏa mãn được 3 câu hỏi trên, chắc chắn các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh”, ông Koen cho biết.
Ông Nguyễn Văn Nhân - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đô thị AMATA Hạ Long – chủ đầu tư khu công nghiệp Sông Khoai chia sẻ: Hiện, các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại quan tâm tới phát triển bền vững. Phía Công ty mong muốn được đầu tư nguồn năng lượng tái tạo, ví dụ như từ năng lượng mặt trời, năng lượng gió để cấp cho KCN bên cạnh việc sử dụng nguồn năng lượng truyền thống từ nguồn điện của EVN cũng như mong đợi được tái sử dụng nước sau khi xử lý nước thải. Trên thực tế, các quy định pháp luật cho việc đầu tư này hiện tại chưa được rõ ràng và gặp khó khăn về thủ tục đầu tư, nguồn năng lượng áp mái cũng như các cách thức như thế nào để được sử dụng trong phạm vi KCN...
Hội nghị cũng đã được lắng nghe phần trình bày giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho các doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh của Công ty cổ phần Công nghệ Viindoo và Công bố các chương trình hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp chuyển đổi số từ Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh.
Chia sẻ với Hội nghị, ông Cao Tường Huy - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đánh giá rất cao tinh thần thẳng thắn, cởi mở, trao đổi, góp ý, có trách nhiệm của các doanh nhân, cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để cùng nhau giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.
Ông Huy đã lắng nghe và tiếp thu những đề xuất, sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp, thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Quảng Ninh đang tập trung nhiều nguồn lực, nỗ lực trong xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn với những chính sách khuyến khích và hỗ trợ vượt trội, môi trường sống tốt, cung cấp các dịch vụ công có chất lượng cao.
Theo ông Cao Tường Huy – Quyền Chủ tịch tỉnh: Các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường, chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp, tập trung vào các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu; thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền các cấp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đem lại giá trị gia tăng cao. Trong đó doanh nghiệp, nhà đầu tư cần nêu cao tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện hiệu quả.
Được biết, hiện Quảng Ninh có 10.756 doanh nghiệp, 408 hợp tác xã và 32.951 hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước; tỷ lệ vốn trên doanh nghiệp đạt 17 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 5,5 tỷ đồng so với năm 2015 cho thấy năng lực của doanh nghiệp đã tăng lên đáng kể và đã phát triển theo hướng bền vững.
Sự phục hồi, phát triển của doanh nghiệp đã góp phần quan trọng để Quảng Ninh hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch. Qua đó, quý I/2023, tỉnh tiếp tục tăng trưởng tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 8,06%. Quảng Ninh năm thứ 6 liên tiếp đứng số 1 về chỉ số PCI từ năm 2017-2022, dẫn đầu các chỉ số PAR-Index, SIPAS, PAPI.
Với kết quả này, một lần nữa cho thấy sự nỗ lực, cũng như tin tưởng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vào những chỉ đạo đúng đắn của các cấp lãnh đạo trong tỉnh. Chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp quan trọng để đồng hành cùng doanh nghiệp, hướng tới phát triển bền vững, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và luôn đặt người dân, cộng đồng doanh nghiệp là trọng tâm phát triển.
Có thể bạn quan tâm