Lo ngại phát sinh bất cập khi quản lý dịch vụ DC và Cloud như dịch vụ viễn thông

DIỆU HOA 21/06/2023 17:33

Việc đưa dịch vụ trung tâm dữ liệu (DC) và điện toán đám mây (Cloud) vào nhóm các dịch vụ viễn thông có thể tác động đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

>>Cần cân nhắc việc bắt buộc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với trung tâm dữ liệu

Theo dự báo của nhiều nhà chiến lược, đến năm 2025, thị trường Cloud sẽ lớn hơn thị trường viễn thông, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. 

Nhiều bất cập nếu quản lý dịch vụ DC và Cloud như dịch vụ viễn thông

Trong một dự báo đưa ra mới đây, Công ty nghiên cứu thị trường ReportLinker cho rằng tiềm năng của thị trường Cloud tại Việt Nam sẽ đạt mức 427 triệu USD vào năm 2025.

Tiềm năng của thị trường Cloud tại Việt Nam sẽ đạt mức 427 triệu USD vào năm 2025.

Cụ thể, theo khảo sát năm 2021 của Viện Nghiên cứu giá trị doanh nghiệp thuộc Tập đoàn IBM (Mỹ), tại Việt Nam có 56% doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ Cloud. Trong khi đó tại Hoa Kỳ, năm 2019 đã có 94% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này. 

Trong giai đoạn 2020-2021, thị trường này tại Việt Nam mới đạt khoảng 4.500 tỷ đồng. Vì vậy, Việt Nam là một thị trường hứa hẹn để phát triển các dịch vụ trung tâm dữ liệu (DC) và Cloud do nhu cầu ngày càng tăng của doanh nghiệp, cùng với sự phát triển của nền kinh tế số.

Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu lớn, Việt Nam cần phải có những chính sách phù hợp và rõ ràng để tăng tính cạnh tranh của thị trường trong việc huy động và khuyến khích đầu tư vào xây dựng hạ tầng và phát triển các dịch vụ thiết yếu này. 

Tại Việt Nam, Luật Viễn thông được ban hành lần đầu vào năm 2009. Sau 14 năm thực hiện bộ luật này đã bộc lộc nhiều bất cập và cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với sự phát triển của ngành viễn thông. Dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi hiện đang được Quốc hội xem xét và thảo luận tại kỳ họp thứ 5 diễn ra trong tháng 5 và tháng 6.

Theo đó, một trong những điểm mới của dự thảo luật này là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật để đưa một số dịch vụ mới, trong đó có dịch vụ DC và Cloud, vào nhóm các dịch vụ viễn thông.

Song, sự thay đổi này đang gây ra những quan ngại lớn đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư vào 2 loại hình dịch vụ này tại Việt Nam, do có thể làm phát sinh những điều kiện đầu tư, thủ tục cấp phép và tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài khác so với các qui định hiện hành.

Theo các doanh nghiệp, việc dịch vụ DC và Cloud vào nhóm các dịch vụ viễn thông có thể kéo theo việc áp dụng các điều kiện đầu tư và thủ tục cấp phép viễn thông như áp dụng đối với các dịch vụ viễn thông khác, từ đó tác động tiêu cực đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là các nhà cung cấp dịch vụ DC nước ngoài đang cân nhắc đầu tư hàng tỉ đô la vào cơ sở hạ tầng trong nước.

Theo các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam hiện đang tham gia như WTO, CPTTP hay EVFTA, Việt Nam đã cam kết duy trì việc hạn chế tiếp cận thị trường viễn thông đối với nhà đầu tư nước ngoài, ngoại trừ dịch vụ giá trị gia tăng không sử dụng cơ sở vật chất.

Tuy nhiên, theo dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi, không phải tất cả các loại hình dịch vụ Cloud và DC đều thuộc loại hình dịch vụ nêu trên. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài sẽ bị hạn chế về vốn đầu tư trong khoảng từ 49% đến 65% tùy thuộc vào loại hình dịch vụ viễn thông và quốc tịch của nhà đầu tư.

Điều 12 của dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi đang quy định “hình thức, điều kiện đầu tư nước ngoài và tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông phải theo các quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”.

Như vậy, nếu không có quy định rõ ràng đối với dịch vụ DC và Cloud thì nhà đầu tư nước ngoài vào 2 loại hình dịch vụ này cũng sẽ bị hạn chế về tỉ lệ vốn đầu tư cũng như các điều kiện tiếp cận thị trường như đối với hoạt động đầu tư vào dịch vụ viễn thông.

Không những vậy, cả các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài khi đầu tư vào các dự án xây dựng DC hay cung cấp dịch vụ Cloud tại Việt Nam cũng sẽ phải xin cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông.

Do đó, việc đưa các dịch vụ DC và Cloud vào nhóm dịch vụ viễn thông sẽ tạo nên những hạn chế và rào cản pháp lý cũng như nhiều thủ tục hành chính đối với hoạt động đầu tư, cung cấp các dịch vụ này, làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư vào các dịch vụ lưu trữ dữ liệu và từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghiệp dữ liệu số nói riêng và của cả ngành kinh tế số nói chung.        

Theo một số kiến nghị của các chuyên gia, thay vì quy định tại Luật Viễn thông, dịch vụ DC và Cloud nên được quy định tại Luật Công nghiệp công nghệ số mà Bộ Thông tin Truyền thông đang soạn thảo. Điều này sẽ khuyến khích DC và Cloud phát triển mạnh mẽ và cởi mở, phá bỏ những hạn chế và điều kiện về đầu tư, từ đó nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực đồng thời tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào 2 loại dịch vụ này.

Trong buổi thảo luận tại tổ của Quốc hội vào ngày 10/6 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế đối với quy định về dịch vụ điện toàn đám mây và DC cũng như đánh giá kĩ lưỡng tác động của việc đưa các dịch vụ này vào trong phạm vi dự thảo nhằm khuyến khích đầu tư và phát triển vào lĩnh vực này.

>>Thị trường trung tâm dữ liệu Việt bắt đầu nóng lên

Bài học từ Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan

Theo một số báo cáo nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế trong quản lý dịch vụ Cloud và DC, hầu hết các nước không quy định và quản lý hai loại dịch vụ này như các dịch vụ viễn thông vì tính chất của các loại dịch vụ này là khác nhau.

Hầu hết các nước không quy định và quản lý hai loại dịch vụ Cloud và DC như các dịch vụ viễn thông

Dịch vụ Cloud và DC được truy cập qua mạng viễn thông (hoặc qua dịch vụ viễn thông) và được quản lý theo khuôn khổ chung của các luật hiện có về trò chơi điện tử, websites, giao dịch tài chính, âm nhạc và điện ảnh. Đối với các nước đã có quy định quản lý dịch vụ DC và Cloud thì thường theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn kĩ thuật được xây dựng trên cơ sở tiêu chuẩn quốc tế.

Các tiêu chuẩn kĩ thuật được đưa ra cũng chỉ tập trung vào khía cạnh an toàn dữ liệu của người dùng. Theo rà soát, hiện nay chỉ có một vài quốc gia quy định DC và Cloud là dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên, hầu như không có quốc gia nào có quy định về hạn chế 2 dịch vụ này cung cấp xuyên biên giới hay hạn chế về sở hữu vốn đầu tư nước ngoài.

Đơn cử tại Malaysia, quốc gia này cũng chưa có quy định cụ thể đối với dịch vụ Cloud và DC. Trong khi đó, Malaysia quản lý dịch vụ Cloud theo Đạo luật truyền thông và đa phương tiện từ năm 1998 (CMA1998) và cho phép sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình phát triển các qui định mang tính kỹ thuật như các tiêu chuẩn kĩ thuật (technical code) về bảo mật dữ liệu dựa trên tiêu chuẩn quốc tế.

Hay như tại Indonesia, nhà cung cấp dịch vụ DC và Cloud được phân loại chung là nhà vận hành hệ thống điện tử (Electronic System Operators - ESO) theo quy định của Luật Thông tin và Giao dịch Điện tử 2008 và Quy định số 71 năm 2019 của Chính phủ về vận hành hệ thống và giao dịch điện tử.

Ngoài ra, dịch vụ lưu trữ dữ liệu và hạ tầng DC được quy định là hai ngành nghề kinh doanh khác nhau theo quy định của Indonesia. Cụ thể, các ngành kinh doanh lưu trữ dữ liệu là ngành cung cấp hệ thống lưu trữ dữ liệu và không bao gồm dịch vụ thuê cơ sở hạ tầng DC. Theo đó, ngành nghề kinh doanh cung cấp cơ sở hạ tầng DC nhưng không có hệ thống lưu trữ dữ liệu sẽ thuộc ngành nghề kinh doanh bất động sản.

Còn tại Singapore, chính phủ quốc gia này cũng chưa có quy định pháp luật về phân loại dịch vụ DC và Cloud. Tuy nhiên, cả 2 dịch vụ này được phân loại là "cơ sở hạ tầng hoặc hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông" bởi Ủy ban Bảo vệ dữ liệu cá nhân và "dịch vụ công nghệ thông tin & viễn thông" bởi cổng thông tin mua sắm của chính phủ (GEBiz).

Tại Thái Lan, nước này cũng không quy định dịch vụ đám mây và DC là dịch vụ viễn thông. Trên thực tế, Thái Lan đã hiện đại hóa khuôn khổ cấp phép viễn thông của nước này vào năm 2019-2020 để loại bỏ nhu cầu về Giấy phép kinh doanh Internet riêng biệt và làm rõ việc các DC không phải là một loại cơ sở viễn thông hoặc dự định sẽ được quản lý như vậy.

Đối với dịch vụ Cloud, Thái Lan không có luật dành riêng cho dịch vụ này. Dịch vụ Cloud hiện đang được định nghĩa cụ thể trong hướng dẫn sử dụng dịch vụ đám mây 2019.

Đối với các dịch vụ DC, Thái Lan đưa ra yêu cầu khá chặt chẽ cho việc xây dựng DC. Doanh nghiệp có kế hoạch xây dựng và vận hành DC tại Thái Lan trước tiên cần được cấp giấy chứng nhận Khuyến khích Đầu tư của Bộ Đầu tư Thái Lan (Board of Investment). Tuy nhiên, Ủy ban Viễn thông và Phát thanh quốc gia Thái Lan không cấp phép cho các dịch vụ DC và đám mây dưới dạng dịch vụ viễn thông.

Có thể bạn quan tâm

  • VNG đẩy mạnh hạ tầng trung tâm dữ liệu cho nền kinh tế số

    VNG đẩy mạnh hạ tầng trung tâm dữ liệu cho nền kinh tế số

    14:01, 20/04/2023

  • Cơ hội từ thị trường trung tâm dữ liệu

    Cơ hội từ thị trường trung tâm dữ liệu

    00:35, 19/02/2023

  • Trung tâm dữ liệu mới quy mô tủ rack lớn nhất Việt Nam có gì đặc biệt?

    Trung tâm dữ liệu mới quy mô tủ rack lớn nhất Việt Nam có gì đặc biệt?

    10:31, 16/12/2022

  • Cần cân nhắc việc bắt buộc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với trung tâm dữ liệu

    Cần cân nhắc việc bắt buộc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với trung tâm dữ liệu

    03:40, 20/08/2022

DIỆU HOA