Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Ninh đạt được nhiều kết quả nổi bật năm 2023
Sau hơn một năm thực hiện Chương trình hành động số 31-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 20, ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Bắc Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
>>>Bắc Ninh: Lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm chuyển đổi số
Nhiều chỉ tiêu quan trọng đạt và vượt kế hoạch
Theo ông Vương Quốc Tuấn - Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, để cụ thể hóa Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam, ngày 18/4/2022, BCH Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XX ban hành Chương trình hành động số 31-CTr/TU, đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm cho từng lĩnh vực. Trong đó, ngành (TT&TT) là một trong những đơn vị có vai trò quan trọng, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng, phát triển đô thị Bắc Ninh.
Sở TT&TT được giao chủ trì về việc thực hiện công tác chuyển đổi số, vì vậy đòi hỏi sự quyết tâm, quyết liệt của toàn ngành, sự chung tay tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 52-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bắc Ninh phấn đấu phổ cập dịch vụ di động 5G vào năm 2025
Theo ông Nguyễn Trung Hiền, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bắc Ninh, đến năm 2025, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình tại đô thị, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh; phấn đấu đưa Bắc Ninh đạt chỉ số an toàn thông tin mạng thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Định hướng đến năm 2030, phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; phấn đấu đưa Bắc Ninh đạt chỉ số an toàn thông tin mạng thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Đó là các mục tiêu cụ thể đặt ra đối với ngành TT&TT tỉnh Bắc Ninh trong Chương trình hành động 31-CTr/TU do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XX) ban hành ngày 18/4/2022 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để thực hiện hiệu quả các nội dung đã đề ra, Sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chương trình, kế hoạch và những nội dung chiến lược liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành.
Đối với lĩnh vực viễn thông, chỉ đạo quyết liệt các doanh nghiệp viễn thông triển khai chương trình hành động quy hoạch tổng thể phát triển bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin; Đồ án quy hoạch hệ thống hạ tầng, đường dây thông tin liên lạc tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, trong đó, tập trung đầu tư hạ tầng cáp quang, xây dựng trạm BTS…
Nhờ vậy, các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông đã đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, không những mở rộng về quy mô mà còn cung cấp ngày càng đa dạng các loại hình dịch vụ. Hệ thống tổng đài kỹ thuật số, tuyến truyền dẫn giữa các huyện, thành phố được cáp quang hóa, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Mạng ngoại vi từng bước được quy hoạch xây dựng ngầm hóa trên phạm vi toàn tỉnh. Mạng điện thoại di động phủ sóng rộng khắp với chất lượng tốt, trở thành một phương tiện thông tin liên lạc thiết yếu. Mạng truyền hình trả tiền được triển khai rộng khắp với chất lượng cao, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cũng như đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của người dân.
Đến nay, Bắc Ninh có hơn 2,2 triệu thuê bao điện thoại (trong đó, thuê bao điện thoại di động chiếm khoảng 98,6%); hơn 1,4 triệu thuê bao Internet, mật độ đạt 96 thuê bao/100 dân; hơn 3.145 trạm BTS các loại (2G, 3G, 4G, 5G), với gần 1.400 cột BTS.
Với sự nỗ lực, quyết tâm cao, đến nay lĩnh vực viễn thông đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhiều chỉ tiêu được giao đã đạt và vượt mục tiêu đề ra. Cụ thể, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ đến 100% hộ gia đình tại đô thị; phủ sóng dịch vụ mạng di động 3G, 4G đến tất cả thôn, xóm trên địa bàn tỉnh; mạng di động 5G được triển khai tại khu công nghiệp Yên Phong, thành phố Bắc Ninh và thành phố Từ Sơn.
Nhóm dẫn đầu cả nước về chỉ số an toàn thông tin mạng
Ông Nghiêm Văn Hách, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, bảo đảm an toàn thông tin mạng là một trong những nhiệm vụ cấp thiết trong điều kiện, bối cảnh hiện nay, chính vì vậy công tác này được Sở đặc biệt coi trọng, thường xuyên phối hợp, tham mưu ban hành các văn bản, chính sách triển khai toàn diện các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn hệ thống thông tin trên địa bàn.
Xác định việc xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên gia về an toàn thông tin mạng chuyên sâu có trình độ cao được xem là một trong những trụ cột vững chắc cũng như đòn bẩy, thúc đẩy tiến tới chuyển đổi số toàn diện, đơn vị chủ động thành lập, kiện toàn Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng. Đây là lực lượng nòng cốt, được đào tạo chuyên sâu về an toàn thông tin và đạt các chứng chỉ quốc tế như: CEH, CND, CHFI, Security…
Mặt khác, Sở cũng thường xuyên đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng về an toàn thông tin cho cán bộ chuyên trách, phụ trách về công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị, địa phương; tổ chức diễn tập an toàn thông tin thực chiến, qua đó giúp các cán bộ được trực tiếp tấn công, phòng thủ và ứng cứu sự cố có nguy cơ gây mất an toàn thông tin.
“Để tăng cường khả năng phòng chống các nguy cơ tấn công mạng, Sở phối hợp với các đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin như: Ban Cơ yếu Chính phủ; Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam… tiến hành đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin, triển khai thử nghiệm Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng. Đồng thời, triển khai bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống thông tin của tỉnh theo mô hình 4 lớp gồm: Lực lượng tại chỗ; Tổ chức hoặc thuê doanh nghiệp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; Tổ chức hoặc thuê doanh nghiệp độc lập kiểm tra, đánh giá định kỳ; Kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia”.
Theo phân tích các sự kiện trên hệ thống giám sát an toàn thông tin, cảnh báo nguy cơ tấn công mạng tỉnh Bắc Ninh đã giảm đáng kể qua từng năm. Năm 2021, hệ thống giám sát phát hiện 5.288 sự kiện có nguy cơ tấn công mạng ở mức cao; năm 2022 là 3.068 sự kiện; năm 2023 giảm còn 1.123 sự kiện. Tất cả các sự kiện có nguy cơ tấn công mạng đều được kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra sự cố đáng tiếc.
Nhờ chủ động phòng ngừa, thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin nên hệ thống thông tin của tỉnh luôn được bảo đảm an toàn, thông suốt. Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, những năm gần đây, tỉnh Bắc Ninh luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về chỉ số an toàn thông tin mạng, cụ thể năm 2020 xếp thứ 7; năm 2021 xếp thứ 5; và năm 2022 xếp thứ 4.
Đáng chú ý, năm 2023, trong chương trình diễn tập ACID do Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam phối hợp với Trung tâm ứng cứu sự cố các nước Đông Nam Á tổ chức, đoàn Bắc Ninh đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố.
Bắc Ninh cũng phấn đấu năm 2025 đạt chỉ số an toàn thông tin mạng thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.
Xây dựng công dân số
Thời gian qua, địa phương triển khai tích cực việc thực hiện Đề án 06/CP phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số; 100% UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh đã thành lập mô hình “Dịch vụ công trực tuyến”, bảo đảm tất cả người dân được tiếp cận, sử dụng dịch vụ.
Bắc Ninh cũng đã sớm xây dựng triển khai phần mềm phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, ứng dụng đã và đang trở thành một kênh thông tin tương tác quan trọng giữa chính quyền và người dân, góp phần tích cực cải thiện mức độ hài lòng của người dân cũng như nâng cao thứ hạng các bộ chỉ số đánh giá về tỉnh.
Đặc biệt, để kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ cấp tỉnh đến cấp huyện, 100% thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh đã thành lập 733 Tổ công nghệ số cộng đồng với 3.252 thành viên. Tổ công nghệ số cộng đồng đã phát huy vai trò là “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, tổ, đội, đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ.
Nhờ những bước đi cụ thể, các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, chuyển đổi số đã giúp tỉnh tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Bắc Ninh định hướng đến năm 2025, phát triển kinh tế số chiếm trên 20% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 10%. Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số.
Nhìn nhận sau hơn 1 năm thực hiện Chương trình hành động số 31 của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành Thông tin và Truyền thông đã đạt được những kết quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đây chính là tiền đề, động lực để ngành tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt tất cả các mục tiêu liên quan đến lĩnh vực được giao. Qua đó, góp phần tích cực cùng các cấp, ngành xây dựng tỉnh Bắc Ninh ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại.
Có thể bạn quan tâm
Bắc Ninh: Chuyển đổi số và ứng dụng thương mại điện tử đưa sản phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế
08:08, 30/08/2023
Thái Bình: Hành trình kiến tạo phát triển chuyển đổi số
15:45, 30/11/2023
Thanh Hóa: Chuyển mình mạnh mẽ, kết quả ấn tượng trong chuyển đổi số
12:34, 28/11/2023
Chuyển đổi số thúc đẩy tăng trưởng của ngành Công nghệ và Viễn thông
03:30, 25/11/2023