Kỳ án Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân (Bài 2): Doanh nghiệp tan hoang trong vòng xoáy tố tụng
Vụ án Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân vẫn bế tắc suốt 7 năm qua, giám đốc bị bắt tạm giam khiến doanh nghiệp “đóng băng”, nhà xưởng, máy móc “tan hoang” theo năm tháng, ngân hàng cũng thiệt hại nặng nề…
>>Kỳ án Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân (Bài 1): “Bỗng nhiên” vướng vòng lao lý
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trong bài viết trước, gần 7 năm đã trôi qua, nhưng vụ án liên quan đến doanh nhân khởi nghiệpNguyễn Huỳnh Đạt Nhân tại Cần Thơ vẫn được dư luận chú ý. “Bỗng nhiên” vị giám đốc doanh nghiệp vướng vòng lao lý, một vụ án lạ lùng khi không có đơn thư, không có bị hại và thậm chí thiệt hại cũng chưa xảy ra.
Nghiên cứu về vụ án, các chuyên gia pháp lý cho rằng, đây là vụ án hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, có dấu hiệu oan sai, gây thiệt hại nặng nề cho cả doanh nghiệp lẫn Nhà nước… Phó Chủ nhiệm đoàn Luật sư TP.HCM Bùi Quang Nghiêm cho rằng, việc đang xử dân sự, chuyển thành hình sự, rồi lại quay về dân sự cho thấy dấu hiệu bất bình thường, chưa có tiền lệ. Các cơ quan tiến hành tố tụng ở Cần Thơ đang lấy cái sai này để sửa cái sai trước, hoặc là lấy cái sai này để bảo vệ cái sai trước. Cái sai ở đây là cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố các bị can, biến vụ án kinh tế thương mại thành vụ án hình sự.
Doanh nghiệp tan hoang
Tiếp tục quay trở lại thông tin về các tình tiết trong vụ án, theo đó, gần 7 năm qua, Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam (Công ty Tây Nam), có trụ sở tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đình đốn mọi hoạt động. Nguyên nhân là bởi, ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân - Giám đốc Công ty bị Cơ quan An ninh Điều tra - Công an thành phố Cần Thơ và VKSND thành phố khởi tố, bắt tạm giam, điều tra, truy tố cùng 5 bị can khác một cách “không bình thường”.
Sự việc bắt đầu từ năm 2011 đến 2014, ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân (ngụ phường An Cư, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) thế chấp nhiều bất động sản để vay Agribank Cần Thơ 289 tỉ đồng đầu tư Dự án cụm Nhà máy chế biến Nông thủy sản xuất khẩu gần 10 hecta tại xã Tân Tiến, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.
Khi Dự án đang triển khai, thì ngày 24/12/2015, Cơ quan An ninh điều tra Công an Cần Thơ khởi tố vụ án hình sự; Ngày 16/6/2016 khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân - GĐ Công ty Tây Nam, điều tra về hành vi “Làm khống hồ sơ để lừa đảo tiền ưu đãi lãi suất của Nhà nước” tại Agirbank Cần Thơ. Mọi hoạt động phải ngừng lại từ thời điểm này.
TAND TP Cần Thơ hai lần đưa vụ án ra xét xử sở thẩm vào tháng 5/2017 và tháng 8/2018, nhưng các căn cứ buộc tội không thuyết phục nên tuyên trả lại hồ sơ. Tòa yêu cầu Cơ quan An ninh Điều tra và VKS thành phố làm rõ "giá trị tài sản thế chấp cao hơn hay thấp hơn vốn vay?"
Trong vụ án này, Cơ quan An ninh Điều tra lấy số tiền gốc và lãi ông Nhân vay Agribank Cần Thơ trừ đi giá trị tài sản thế chấp (được định giá ở mức rất thấp), rồi coi số chênh lệch này là “thiệt hại” làm căn cứ buộc tội Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân và 5 bị can khác gây thiệt hại cho Agribank Cần Thơ hơn 300 tỉ đồng.
Đáng chú ý, siêu thị City Mart ở trung tâm thành phố Cần Thơ là một trong số tài sản thế chấp được định giá chỉ bằng 45% so với Kết luận của Thanh tra Chính phủ - hiện nay đang xuống cấp trầm trọng do bị niêm phong nhiều năm qua. Trong khi tài sản thế chấp xuống cấp, thì nhà xưởng, công trình của Dự án chế biến Nông thủy sản xuất khẩu ở TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cũng cùng chung “số phận", đã tan hoang theo năm tháng.
>>Hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự: Nguy cơ doanh nhân mang thân phận bị cáo… "suốt đời”
Nhà nước cũng thiệt hại
Theo Cơ quan tố tụng, tính đến ngày 16/6/2016, ngân hàng xác định tổng dư nợ bao gồm cả gốc và lãi các khoản vay Công ty Tây Nam, Công ty Đồng Bằng Xanh, Công ty Nam Bộ Cửu Long, khoản vay của Phan Duy Phương và Nguyễn Bửu Tâm là 683 tỷ đồng.
Cũng theo cơ Cơ quan tố tụng, tính đến ngày 18/2/2021, ngân hàng xác định tổng dư nợ bao gồm cả gốc và lãi các khoản vay đã lên đến 999 tỷ đồng. Như vậy, tổng tiền lãi phát sinh sau ngày 16/6/2016 cho đến ngày 18/2/2021 là 316 tỷ đồng. Trung bình mỗi ngày lãi phát sinh gần 200 triệu đồng/ngày, 67 tỷ trên năm.
Nhiều ý kiến hoài nghi và khó hiểu rằng, vậy, cách làm của Cơ quan điều tra Cần Thơ là bảo vệ quyền lợi Nhà nước hay đang gây thiệt hại cho Nhà nước?
Bởi lẽ, toàn bộ tiền lãi phát sinh kể từ ngày Cơ quan an ninh điều tra Công an thành phố Cần Thơ vào cuộc, thì chủ thể thiệt hại này lại là Agribank chi nhánh Cần Thơ, hay nói khác hơn Agribank Việt Nam đã, đang và sẽ (nếu vụ án chưa thể giải quyết) tiếp tục bị thiệt hại.
Theo Công văn số 653/HĐTV-KHL Hà Nội Ngày 1/7/2016, 14 ngày sau khi Cơ quan an ninh điều tra công an Thành Phố Cần Thơ bắt tạm giam Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Agribank Việt Nam đã tha thiết đề nghị cơ quan pháp luật Thành phố Cần Thơ cho phép được phát mãi tài sản thu hồi nợ, nhằm tránh gây hoang mang và bất lợi cho hoạt động kinh doanh của Agribank.
Nhưng việc đề nghị đúng pháp luật, đúng tình, đúng lý lại không được Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Cần Thơ quan tâm xem xét.
Và kết quả là đến nay đã gần 7 năm, các Đảng viên, cán bộ ngân hàng bị khởi tố tạm giam, các cán bộ công nhân viên chức Agribank Cần Thơ, và cả các cán bộ ngân hàng Agribank của toàn hệ thống vẫn không khỏi bàng hoàng, hoang mang, khó hiểu tại sao vụ án dân sự phát mãi tài sản thu hồi nợ đúng pháp luật, thu hồi tiền cho nhà nước lại bị ngăn cản, mà vụ án dân sự lại bị hình sự. Để rồi 7 năm sau, tiền của ngân hàng, của Nhà nước vẫn chưa thể thu hồi, mà thiệt hại của ngân hàng, của Nhà nước cứ tăng thêm mỗi ngày (?).
Dự luận băn khoăn rằng, tại sao Cơ quan điều tra Công an thành phố Cần Thơ không đợi cho đến khi việc thanh lý hợp đồng kết thúc, nếu Agribank chi nhánh Cần thơ không thu hồi được tiền vốn và lãi (có thiệt hại) thì cơ quan điều tra vào cuộc cũng chưa muộn?
Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho số tiền lãi phát sinh từ ngày 16/6/2016 này? Đây có phải là cách làm hợp lí để bảo vệ quyền lợi Nhà nước?
Quay trở lại ý kiến của luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, người từng trực tiếp tham gia vụ án này cho rằng, tính từ thời điểm có quyết định khởi tố đến nay đã gần 7 năm, sau nhiều lần thay đổi tội danh, tạm đình chỉ điều tra rồi lại phục hồi điều tra cho thấy sự lúng túng và cố gắng vớt vát của Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Cần Thơ trong vụ án này.
“Các cơ quan tố tụng đang cố gắng hình sự hóa một quan hệ dân sự, khép tội một cá nhân”, luật sư Hoàng Tùng nhận định.
Cũng theo Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, việc này đã gây ra hậu quả vô cùng lớn: Một doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, Công ty Tây Nam bỗng dưng bị đóng băng hoạt động dẫn đến các quyền và nghĩa vụ không thể thực hiện được. Điều này ảnh hưởng đến rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp khác có liên quan đến hoạt động của Công ty.
"Doanh nhân Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân bị khởi tố, bị bắt tạm giam, bị thay đổi tội danh nhiều lần; thiệt hại về tài sản là rất lớn, chưa thể xác định rõ ràng; Có dấu hiệu oan sai, gây mệt mỏi và khó khăn cho cả quá trình tố tụng", luật sư Hoàng Tùng đánh giá.
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm