Cải cách thể chế “chững lại”, “xói mòn” năng lực doanh nghiệp
Doanh nghiệp kinh doanh khó khăn, thậm chí khó hơn cả giai đoạn khủng hoảng 10 năm trước, chuyên gia cho rằng bên cạnh các yếu tố nội tại còn do cải cách môi trường kinh doanh "chững lại".
>>>Cải cách thể chế chính là "gói hỗ trợ" còn dư địa lớn nhất
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đánh giá việc làm ăn của doanh nghiệp ngày càng khó khăn, thậm chí khó hơn cả giai đoạn khủng hoảng 10 năm trước.
Lý giải điều này, ông Cung khẳng định những khó khăn này đến từ các yếu tố bên trong lẫn bên ngoài như nhu cầu thị trường thế giới giảm sút, giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng; việc tiếp cận vốn qua các kênh gặp nhiều hạn chế; giải ngân đầu tư công chậm... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phản ánh những quy định liên quan đến thủ tục đầu tư, đất đai... trở nên khắt khe, chi phí tuân thủ cao hơn trước.
“Việc làm ăn của doanh nghiệp ngày càng khó khăn, thậm chí khó hơn cả giai đoạn khủng hoảng 10 năm trước. Mặc dù kinh tế 9 tháng đầu năm phục hồi được xem là kỳ diệu, nhưng chỉ có tính nhất thời vì những yếu tố làm nên điều này không còn tiếp tục từ quý IV và các năm tiếp theo”, ông Cung nói.
Chuyên gia lo lắng, tất cả vấn đề trên có thể làm xói mòn các thành quả cải cách mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.
Trên thực tế, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, những nỗ lực về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được kỳ vọng là những giải pháp phi tài chính hiệu quả, có tính bền vững, là trợ lực hữu hiệu cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Cũng do tác động của đại dịch, từ năm 2020, cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam có xu hướng chững lại. Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng vẫn còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc.
Đầu năm, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá điểm mới của năm nay là Nghị quyết đã bổ sung vào trọng tâm cải cách các nhiệm vụ phù hợp với đòi hỏi thực tiễn. Đó là, chú trọng các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19; đẩy mạnh cải cách về đăng ký đất đai và đổi mới quản lý hành chính đất đai; cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thay vì chỉ dừng ở cải cách điều kiện kinh doanh như những năm trước.
Đồng thời, tập trung hơn vào các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số đồng bộ với cải cách hành chính và tạo lập thể chế khuyến khích đổi mới, sáng tạo. Các nội dung khác vẫn được tiếp nối gồm cải thiện yếu tố của môi trường kinh doanh theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp. Dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu từ, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật.
Điều đáng nói, chuyên gia CIEM nhận định, có thể do tác động của dịch bệnh nên tiến độ cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam bị chững lại.
Từ thực tế này, ông Cung cho rằng, yêu cầu thúc đẩy quyền tự do kinh doanh, nâng cao hiệu quả thị trường đang trở nên cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
“Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định và thực thi pháp luật đang có chiều hướng giảm dần mức độ thuận lợi, tăng mức độ khó khăn phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Thực tế này có thể làm xói mòn thành quả cải cách đã xây dựng được trong nhiều năm qua. Từ năm 2020 đến nay, do tác động của đại dịch Covid-19 nên tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh đang bị chững lại, thiếu vắng những cải cách đột phá để tạo luồng sinh khí mới cho phát triển”, ông Cung nói.
>>>Chủ tịch VCCI: Cải cách thể chế tạo nguồn lực lớn nhất cho phát
Bên cạnh đó, cũng theo ông Cung, sự lúng túng trong xử lý các tình huống, biến động bất thường như điều hành giá bán lẻ xăng dầu, trái phiếu doanh nghiệp xảy ra gần đây đã bộc lộ những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước. Hiện nay, doanh nghiệp có xu hướng phải giảm quy mô sản xuất, kinh doanh để cầm cự, hy vọng vượt qua thời điểm khó khăn này.
Ông Cung nhấn mạnh, đây là thời điểm Nhà nước cần tập trung 3 định hướng lớn. Đó là tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô bằng các giải pháp phù hợp, thúc đẩy tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội; Cải cách thể chế đủ mạnh và nhất quán theo hướng thị trường đúng với vai trò là đột phá chiến lược. Trong đó, cần thực hiện ngay những giải pháp khôi phục niềm tin thị trường, niềm tin của nhà đầu tư; hóa giải nỗi sợ không dám làm của đội ngũ cán bộ công chức để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thông qua các Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương...
Về vấn đề này, TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội từng nhấn mạnh, cải thiện môi trường kinh doanh đang chạm đến những vấn đề khó, mang tính chất liên ngành, đòi hỏi phải có sự quyết liệt của Chính phủ và được thực hiện liên tục và đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương.
“Trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh chỉ cần một cửa trục trặc là hoạt động của doanh nghiệp không thông suốt. Ví như đi trên đường, có đoạn cải cách tốt cho phép xe chạy tốc độ 120 km/h nhưng lại gặp đoạn đường đầy ổ gà, ổ trâu chỉ đi được 10 km/h thì không những không phát huy hiệu quả đã làm được mà còn bị xói mòn niềm tin đối với người dân", ông Phan Đức Hiếu nhận định.
Cộng đồng doanh nghiệp đang rất cần một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm thiểu mọi chi phí để phục hồi, mở rộng đầu tư kinh doanh. Vì vậy, các nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh thực hiện trong lúc này sẽ nhanh chóng phục hồi lại niềm tin của thị trường, cộng đồng doanh nghiệp, để từ đó cải cách có tác động mạnh mẽ đến phục hồi và gia tăng tốc độ tăng trưởng.
Có thể bạn quan tâm
1 luật sửa 9 luật: Tiền lệ tốt cho cải cách thể chế
03:30, 18/02/2022
Chủ tịch VCCI: Cải cách thể chế tạo nguồn lực lớn nhất cho phát triển doanh nghiệp
13:55, 18/01/2022
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP 2022: Thay đổi tư duy trong cải cách thể chế
15:25, 23/11/2021
Cải cách thể chế: Cần “làm mới” động lực cũ
04:10, 16/11/2021