“Điệp khúc” lát vỉa hè Hà Nội: Đá vĩnh cửu và niềm tin cùng rạn vỡ

NGUYỄN GIANG 09/12/2022 03:40

Vỉa hè lại trở nên nham nhở khi Hà Nội còn loay hoay với bài toán tìm vật liệu bền đẹp, niềm tin của người dân với những lời cam kết cũng rạn vỡ theo loại đá vĩnh cửu một thời…

>>Đâu là giải pháp tổng thể cho giao thông Hà Nội?

hihi

 Nhiều đoạn vỉa hè ở Hà Nội bị nứt vỡ dù được lát đá tự nhiên. Ảnh: L.K

Những ngày qua, một trong những câu chuyện được dư luận đề cập nhiều, đó là những viên đá lát vỉa hè được cho là có độ bền 70 năm tại Thủ đô, mới sử dụng vài năm đã vỡ, thậm chí nham nhở khiến chính quyền phải thay thế trên một số tuyến phố.

Năm 2016, Hà Nội ban hành quy định mới về cải tạo hè phố, đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên, có kết cấu bền vững với tuổi thọ 70 năm.

Đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố có 255 tuyến phố, hè đã được lát đá tự nhiên; tập trung chủ yếu tại các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân. Khi hoàn tất thi công và đưa vào sử dụng, vỉa hè lát loại đá này không kéo dài như mong đợi mà xuống cấp nhanh chóng, thậm chí nứt vỡ nham nhở chỉ trong vài năm đưa vào sử dụng.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng những ngày này, chúng ta không khó bắt gặp những hình ảnh đáng buồn về các vỉa hè có tuổi thọ lên đến 70 năm trong tình trạng khá thảm thương như vỉa hè đường Trần Phú (Hà Đông), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Giảng Võ (Ba Đình)… Nhiều đoạn dài nhan nhản vết nứt, vỡ. Có chỗ các viên đá lát bung ra, vỡ nát khiến vỉa hè lồi lõm, lởm chởm.

Điều đáng nói là không phải đến bây giờ báo chí mới phản ánh tình trạng xuống cấp này. Từ năm 2017, sau khi một số quận của Hà Nội triển khai lát vỉa hè bằng đá tự nhiên, hiện tượng nứt, vỡ, sụt, lún đã xảy ra ở nhiều nơi. Dư luận phản ánh, bức xúc, cơ quan chức năng thành phố lập đoàn kiểm tra... Rồi Thanh tra thành phố đã kết luận có tình trạng thi công không bảo đảm chất lượng, trong đó có cả lỗi của nhà thầu cũng như lỗi vận hành sau đầu tư.

Chỉ có điều đáng tiếc là những nguyên nhân ấy vẫn còn nguyên tính thời sự và hầu hết chỉ được nêu ra khi sự đã rồi. Những viên đá lát vỉa hè được cho là có tuổi thọ 70 năm đã vỡ nát sau một vài năm sử dụng và ngân sách thành phố Hà Nội đã và đang phải bỏ ra những khoản kinh phí không nhỏ để sửa sang, bảo dưỡng thậm chí lát mới những đoạn vỉa hè như vậy. Mà đã là ngân sách thì đó chính là tiền thuế của dân. Mặt khác, câu chuyện vỉa hè còn là mỹ quan đô thị, là một phần của "bộ mặt" thành phố và gắn với đời sống sinh hoạt hằng ngày của mọi người dân…

>>Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Hà Nội đã khắc phục vi phạm thế nào?

hihi

Hà Nội càng loay hoay trong bài toán tìm vật liệu nào bền đẹp thì vỉa hè càng trở nên nham nhở. Ảnh: K.N

Giữa ồn ào dư luận, ngày 8/12, bên lề kỳ họp thứ 10, HĐND Thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, việc lát đá vỉa hè được UBND thành phố giao các quận huyện có trách nhiệm phê duyệt dự án, phòng quản lý đô thị quận huyện quản lý chất lượng các tuyến phố lát đá trên địa bàn.

Về hiện tượng vỉa hè lát đá tự nhiên bị vỡ, hỏng sau một thời gian ngắn sử dụng, ông Phong cho biết, các tuyến vỉa hè bị nứt, vỡ chủ yếu là những tuyến được làm trước giai đoạn ban hành quyết định 1303 năm 2019 của UBND TP (quyết định về việc ban hành thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội).

Cũng theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, những tuyến đường mà báo chí phản ánh toàn những dự án thi công trước thời điểm này (trước khi ban hành quyết định 1303 năm 2019), lúc đó đang thực hiện thi công theo quyết định cũ. Thời điểm này, chất lượng đá sử dụng để lát vỉa hè trước khi có quyết định 1303 của thành phố được khai thác bằng phương pháp nổ mìn, cho nên đá bị om.

Thậm chí theo ông Phong, đá marble thường có gân đá, không được đồng chất, khi mưa xuống thì bị giãn nở, tự vỡ, thậm chí không cần tác động vật lý.

Quay trở lại khoảng thời gian 10 năm trước, Hà Nội đã trở thành “đại công trường” khi hàng loạt vỉa hè trên được lật lên, lát mới. Người ta bảo thay đá lát vỉa hè bằng loại đá tốt, có tuổi thọ 50 - 70 năm, chứ lâu nay cứ lát vỉa hè bằng loại gạch “rẻ tiền” nên hay bị hỏng. Theo đó vỉa hè của hơn 900 tuyến phố tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên hoặc gạch bê-tông vân đá.

Quả thực nhìn nhiều vỉa hè được lát đá mới, nhiều người cũng không khỏi khen đã sạch sẽ tinh tươm hơn trước. Nhưng với các cụ cao tuổi sống trên các khu phố cổ, phố cũ thì việc “khoác áo đồng phục” cho vỉa hè bằng loại đá xanh “chẳng hay ho gì”. Mưa một chút, nước đã lấp loáng vỉa hè, đi không khéo là trượt, là ngã. Đám thanh niên không ngã thì bị ướt giày dép. Trước đây, lát vỉa hè bằng gạch nên nó thấm nước, mưa nhỏ không đọng thành vũng.

Điều ấy vẫn chưa đáng ngại bằng việc nhiều vỉa hè dù đã được lát loạt đá “50 - 70 năm” nhưng mới vài ba năm đã bị bong tróc, gãy vỡ. Cụ thể, thời điểm năm 2017, nhiều đoạn vỉa hè ở nhiều tuyến phố gạch đá vỡ nát, hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng.

Có thể nói, trong khi tổng thể dự án vừa kết thúc chưa được bao lâu, thì một số đoạn vỉa hè được triển khai lát mới hồi đầu dự án đã “tái phát bệnh cũ” và chắc chắn sẽ được lát lại. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Câu hỏi ấy, nhiều người quan tâm, song đến nay chưa thấy ai hay tổ chức nào bị nêu đích danh. “Hồ sơ vỉa hè” mà các cụ cao niên hay ngồi trao đổi với nhau cho thấy, vỉa hè Hà Nội đã được thay đổi rất nhiều vật liệu, từ vật liệu gạch thiên nhiên cho đến các gạch lục giác, gạch con thoi, gạch xây chèn... Lần nào cũng được “quảng cáo” là tốt hơn lần trước, song thực tế đều không bảo đảm về chất lượng.

Người viết thay lời kết bằng một lời của một kiến trúc sư từng chia sẻ xung quanh sự việc này: “Hơn 10 năm, 4 lần đại tu vỉa hè, dường như Hà Nội càng loay hoay trong bài toán tìm vật liệu nào bền đẹp thì vỉa hè càng trở nên nham nhở, và niềm tin của người dân với những lời cam kết cũng rạn vỡ theo loại đá vĩnh cửu”.

Có thể bạn quan tâm

  • Đâu là giải pháp tổng thể cho giao thông Hà Nội?

    Đâu là giải pháp tổng thể cho giao thông Hà Nội?

    03:00, 19/10/2022

  • Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Hà Nội tiếp tục “phản pháo” kết luận thanh tra

    Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Hà Nội tiếp tục “phản pháo” kết luận thanh tra

    00:29, 24/07/2022

NGUYỄN GIANG