Đâu là giải pháp tổng thể cho giao thông Hà Nội?

Luật sư NGUYỄN NGỌC HÙNG - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối 19/10/2022 03:00

Đề án thu phí xe ô tô vào nội đô của Hà Nội vừa được đơn vị tư vấn bổ sung lần thứ 3. Theo đó, Hà Nội sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí…

>>Thu phí vào nội đô: Sẽ học tập kinh nghiệm của Singapore

Theo đề án, Hà Nội dự kiến đặt trạm thu phí tại 68 vị trí và 87 trạm thu phí

Theo đề án, Hà Nội dự kiến đặt trạm thu phí tại 68 vị trí và 87 trạm thu phí

Cụ thể, đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”, dự kiến được thực hiện từ năm 2025.  

Theo phương án được xây dựng, TP Hà Nội sẽ lập 100 trạm thu phí từ đường Vành đai 3 trở vào gồm: Vành đai 3 - Cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Đường Hoàng Sa - Đường Trường Sa - Đường Lý Sơn - Đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3. Có thể nói, việc thu phí ô tô vào nội đô tác động đến đông đảo đối tượng dùng ô tô cũng như khiến dư luận đặc biệt quan tâm những ngày gần đây.

Còn nhớ trước đây, xung quanh khu vực trung thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có các trạm thu phí, sau đó các cơ quan nhà nước đánh giá sự bất cập, tắc đường nên đã tháo dỡ các trạm thu phí xung quanh trung tâm, tạo ra môi trường giao thông khá thoáng. Đây cũng có thể coi là bài học thực tiễn về chính sách nhà nước.

Một điều rất lạ ở Hà Nội, khi triển khai chính sách về giao thông, giảm tắc đường luôn trong trạng thái mở ra, rồi đóng lại, dẹp đi như các chính sách làm làn phân cách cứng, chặn các ngã tư và ngay cả tuyến đường xe bus BRT hiện tại cũng có rất nhiều bất cập.

Câu hỏi đặt ra là tại sao lại xảy ra tình trạng như thế? Và hiện giờ chúng ta tiếp tục có kế hoạch triển khai mô hình “xây dựng trạm thu phí” để hạn chế tắc đường. Điều này nghe rất vô lý, bởi lẽ đây chỉ là giải pháp về kinh tế, thu ngân sách. Còn yếu tố tác động giảm tắc đường thì chưa có báo cáo, đánh giá tác động nào khẳng định chắc chắn rằng đây là giải pháp hiệu quả, tối ưu và chắc chắn giảm ùn tắc giao thông cả.

Có thể, chúng ta học tập kinh nghiệm một số nước phát triển như Singapore, nhưng ở đây thực trạng, hoàn cảnh của họ hoàn toàn khác chúng ta vì diện tích nhỏ, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tập trung một chỗ, họ không có các không gian phát triển hạ tầng, giao thông hay xây dựng các công trình như trường đại học, khu dân cư riêng.

Nếu nhìn nhận khách quan, nhu cầu đi lại là tất yếu, bắt buộc với mức thu từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng cho mỗi lượt, rõ ràng mỗi tháng gánh nặng chi phí cho người dân gần tương đương 30% mức thu nhập trung bình cán bộ, công chức, người lao động.

Chưa kể các tác động xã hội, kinh tế chúng ta chưa lường trước được, chưa có đánh giá kĩ lưỡng, như việc giảm nhu cầu đi lại thì ảnh hưởng phát triển kinh tế như thế nào? Xa hơn nữa, về lâu dài đây có phải là giải pháp tổng thể, tối ưu hay không? Hay chỉ là những giải pháp tình thế, đối phó, tạm thời? Có rất nhiều vấn đề đưa ra mà chưa hề có báo cáo đánh giá cụ thể nào? Phân tích cụ thể về cái được, mất, tính hiệu quả của đề án này? Các giải pháp về giao thông cần mang tính định hướng, lâu dài, ổn định, hiệu quả kinh tế và đáp ứng được nhu cầu giải quyết các vấn đề ùn tắc giao thông.

Điều này cần nghiên cứu kĩ về các yếu tố kinh tế, văn hóa giao thông, thói quen, nhu cầu tham gia giao thông. Các yếu tố tác động đến ùn tắc giao thông có thể thấy rất rõ như số lượng người tham gia giao thông, mật độ phương tiện, điều này có bởi khu vực nội đô thành phố Hà Nội tập trung rất nhiều các trường Đại học, bệnh viện, các khu dân cư, trụ sở các cơ quan nhà nước. Nếu như chúng ta triển khai được các giải pháp: Thứ nhất,  chuyển hết các trường đại học, bệnh viện, và một số cơ quan nhà nước, các viện nghiên cứu ra khỏi khu vực nội thành. Thực tế, chúng ta đã nghiên cứu vào triển khai các giải pháp này từ rất lâu rồi, nhưng đến giờ tốc độ di dời khá chậm.

>>Đề xuất thu phí vào nội đô Hà Nội không giúp giảm tắc đường

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối. Ảnh: NVCC

Trong khi đó, nhiều cơ sở xây dựng mới như bệnh viện, trường đại học lại chưa đưa vào sử dụng. Vừa gây lãng phí ngân sách nhà nước, cũng ảnh hưởng rất lớn ùn tắc giao thông.

Thứ hai, hạn chế bớt xây dựng các Khu đô thị mới, khu chung cư ở các khu vực mật độ dân cư cao, chúng ta có thể thấy vấn đề này qua quy hoạch dọc tuyến đường Lê Văn Lương, khu vực Cầu Giấy có rất nhiều tòa nhà chung cư cao tầng. Cần thiết giãn, hạn chế xây dựng mới, giãn quy hoạch nhà ở

Thứ ba,  nâng cấp, hoàn thiện quy hoạch giao thông. Đây cũng là giải pháp mang tính lâu dài, bền vững và rất cầu đầu tư, triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Thứ tư, hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, văn minh, chất lượng đảm bảo.

Thứ năm, quy hoạch lại các bến xe liên tỉnh, chuyển các trục đường huyết mạch ra các tuyến đường tránh khỏi khu vực nội đô.

Nếu được triển khai các giải pháp trên, tin chắc rằng đây là những giải pháp lâu dài, bền vững, hiệu quả và được sự ủng hộ của người dân. Chắc chắn sẽ giảm bớt được tình trạng giao thông như hiện tại.

Có thể bạn quan tâm

  • Thu phí vào nội đô: Sẽ học tập kinh nghiệm của Singapore

    Thu phí vào nội đô: Sẽ học tập kinh nghiệm của Singapore

    04:01, 12/11/2018

  • Đề xuất thu phí vào nội đô Hà Nội không giúp giảm tắc đường

    Đề xuất thu phí vào nội đô Hà Nội không giúp giảm tắc đường

    11:00, 01/11/2021

  • Đề xuất thu phí vào nội đô Hà Nội: Còn nhiều băn khoăn

    Đề xuất thu phí vào nội đô Hà Nội: Còn nhiều băn khoăn

    04:10, 29/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đâu là giải pháp tổng thể cho giao thông Hà Nội?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO