Sập bẫy “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa” - Bài cuối: Cần tăng cường phối hợp liên ngành
Bên cạnh sự phối hợp giữa các ngành chức năng, việc nâng cao nhận thức về an toàn trên môi trường số được xem là giải pháp quan trọng để người dân tránh rơi vào cạm bẫy lừa đảo hiện nay…
>>Sập bẫy “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa” - Bài 4: Vì sao khó ngăn chặn?
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, thời gian gần đây, việc các văn phòng luật, luật sư bị mạo danh để quảng cáo “thu hồi tiền lừa đảo” đã và đang xuất hiện “chi chít”, “dày đặc” trên mạng xã hội. Đáng nói, đã có không ít người bị sập bẫy lần hai…
Đây là một cuộc chiến trường kỳ
Nói về chiêu lừa này, các chuyên gia cho biết, đã có những nạn nhân mất hàng trăm triệu đồng được cảnh báo nhưng nhiều người vẫn cả tin và bị dụ tham gia "làm cộng tác viên", "làm nhiệm vụ online", đặc biệt trong giai đoạn cuối năm và cận Tết. Đáng nói, sau khi bị lừa, đa số các nạn nhân đều tìm kiếm sự hỗ trợ nhằm lấy lại tiền đã mất.
Đánh vào tâm lý này, kẻ xấu đã mạo danh Facebook các luật sư và văn phòng luật để lừa nạn nhân lần thứ hai. Nhiều tài khoản thậm chí chạy quảng cáo để tăng khả năng tiếp cận người dùng.Trong khi đó, chính các “khổ chủ” bị mạo danh là các luật sư, công ty luật phải chịu “khổ sở” vì bị hiểu lầm, mang “tai tiếng”.
Đáng chú ý, dù các công ty Luật đã có nhiều văn bản đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, Liên đoàn Luật sư cũng đã phải lên tiếng cảnh báo lừa đảo, tuy nhiên, trình trạng này vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm mà vẫn tiếp tục nở rộ, danh sách nạn nhân “sập bẫy” vẫn nối dài thêm và chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại.
Chia sẻ về chiêu lừa “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo” nói riêng và thực trạng lừa đảo qua mạng nói chung, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) Trần Đăng Khoa cho biết, đơn vị đã tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức chuyên về bảo mật nhằm ngăn chặn vấn nạn lừa đảo cũng như tấn công mạng đã diễn ra phổ biến nhằm mang lại môi trường mạng trong sạch.
Tuy nhiên, theo ông Trần Đăng Khoa, công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng ở thời điểm hiện tại vẫn còn rất nhiều hạn chế. Đơn cử như hiện vẫn còn hơn 38% hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương chưa phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ, tỷ lệ triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ còn thấp.
Cùng với đó, ông Khoa cũng cho rằng, nhân sự chuyên trách an toàn, an ninh mạng còn thiếu; năng lực nhân sự cũng chưa đáp ứng yêu cầu; nhận thức về an toàn, an ninh mạng của nhiều cơ quan, tổ chức và người dân còn hạn chế. Đồng thời ý thức của một bộ phận người dân vẫn còn lơ là, không cảnh giác trước các hình thức tấn công mạng mặc dù các phương tiện truyền thông đã liên tục cảnh báo.
Các chuyên gia an ninh mạng đã ví việc ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng là một cuộc chiến trường kỳ, liên tục. Cuộc chiến không chỉ cần sự tham gia của cơ quan chức năng, doanh nghiệp bảo mật mà đóng vai trò quan trọng nhất là ý thức của người dùng. Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dùng nhận biết dấu hiệu, cảnh giác với các hình thức lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi.
>>Sập bẫy “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa” - Bài 1: Trăm dâu đổ đầu … “người dại”
Phải tăng cường phối hợp liên ngành
Một trong những vấn đề khá nhức nhối hiện nay là tội phạm công nghệ cao thường sử dụng SIM rác và tài khoản ngân hàng không chính chủ để lừa đảo chiếm đoạt tiền của các nạn nhân, gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Do đó, các chuyên gia an toàn thông tin kiến nghị, cùng với việc chuẩn hoá thông tin thuê bao mà ngành TT&TT đang làm, NHNN cũng cần tăng cường các giải pháp nhằm loại bỏ các tài khoản không chính chủ ra khỏi hệ thống.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết: Trước diễn biến phức tạp này, NHNN đã thực hiện rất nhiều biện pháp, trong đó có hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế chính sách, bao gồm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán theo hướng quy định chặt chẽ hơn các quy trình nhận biết, xác minh thông tin khách hàng; sửa đổi, bổ sung Quyết định 630 của NHNN về Kế hoạch áp dụng giải pháp về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng; cho phép tổ chức tín dụng áp dụng phương pháp sinh trắc học đối với các giao dịch chuyển tiền vượt ngưỡng nhất định.
Đặc biệt, hiện NHNN đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để thực hiện nhiều nội dung triển khai Đề án 06 của Chính phủ, trong đó có kết nối và khai thác CSDLQG về dân cư, làm sạch dữ liệu khách hàng, thông tin nhận biết khách hàng để góp phần rà soát đối tượng nghi ngờ, giả mạo tùy thân để mở tài khoản thanh toán.
Kết quả triển khai cho thấy, tính đến cuối tháng 8/2023, 27 tổ chức tín dụng đã liên hệ làm việc với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an để làm sạch dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán; có 7 tổ chức tín dụng đang liên hệ để triển khai ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử; 5 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai rà soát đối tượng nghi ngờ, giả mạo các loại giấy tờ với dữ liệu sinh trắc của CCCD phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, thực hiện kiểm tra hoạt động mở, sử dụng TKTT tại một số ngân hàng.
“Thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với Bộ TT&TT để có phương án hỗ trợ các ngân hàng làm sạch dữ liệu, đối khớp thông tin đăng ký tài khoản ngân hàng trực tuyến với thông tin chủ thuê bao di động theo số điện thoại di động, góp phần phòng chống tội phạm mạng”- ông Tuyên cho biết.
Mới đây, tại phiên họp 26, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về công tác phòng, chống tội phạm vi phạm pháp Luật năm 2023 đã cho thấy tình hình tội phạm trên không gian mạng, lợi dụng công nghệ để lừa đảo vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, các cơ quan cần đánh giá đúng tình hình, phân tích kỹ nguyên nhân để đề ra giải pháp cụ thể, căn cơ ngăn chặn tội phạm trên không gian mạng thời gian tới. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh yêu cầu Chính phủ cần phân tích, dự báo xu hướng tội phạm vi phạm pháp luật trong thời gian tới; làm rõ trách nhiệm, giải pháp của các cơ quan có trách nhiệm đối với các loại tội phạm mới như: các hình thức lừa đảo trên mạng; tội phạm không gian mạng; tín dụng đen...
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để tăng cường phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, cần tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật nói chung và phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng; phát huy vai trò, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác phòng ngừa, tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân được xác định là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay.
“Bên cạnh đó, bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn; Phối hợp kịp thời trong công tác điều tra, truy tố, xét xử công khai đối với các vụ án đã được phát hiện nhằm răn đe, giáo dục, tuyên truyền cho nhân dân biết; xây dựng cơ chế phối hợp các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, viễn thông, ngân hàng trong trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm trên không gian mạng”, ông Định nói.
Có thể bạn quan tâm
Sập bẫy “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa” - Bài 1: Trăm dâu đổ đầu … “người dại”
03:00, 28/11/2023
Sập bẫy “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa” - Bài 2: Luật sư giả “tung hoành”
03:30, 30/11/2023
Sập bẫy “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa” - Bài 3: Ngang nhiên quảng cáo, “giăng bẫy tìm mồi”
03:00, 02/12/2023
Sập bẫy “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa” - Bài 4: Vì sao khó ngăn chặn?
11:00, 08/12/2023