Doanh nghiệp công nghệ cao xây dựng nhà máy tại Hải Dương
Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật năng lượng mặt trời Boviet Hải Dương vừa nhận bàn giao mặt bằng thuê đất để xây dựng nhà máy sản xuất tấm tế bào quang điện năng lượng mặt trời tại KCN Cộng Hoà.
>>>Hải Dương: Đề xuất thu hút đầu tư các dự án nhà ở xã hội
>>>Hải Dương: Hỗ trợ công nghệ số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Theo đó, Công ty CP Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam vừa tổ chức bàn giao mặt bằng cho Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật năng lượng mặt trời Boviet Hải Dương (Công ty Boviet Hải Dương) thực hiện dự án tại KCN Cộng Hoà, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Dự án có quy mô sử dụng đất là 20ha. Tổng vốn đầu tư dự án 2.820 tỷ đồng (tương đương 120 triệu USD). Mục tiêu dự án là sản xuất thiết bị điện khác. Quy mô sản xuất tấm tế bào quang điện và tấm modul chuyển hóa năng lượng mặt trời là 3 GW/năm. Dự kiến khi hoàn thành và đi vào hoạt động, mỗi năm doanh nghiệp này sản xuất 3 GW tấm tế bào quang điện và tấm modul chuyển hóa năng lượng mặt trời… 100% sản phẩm sẽ được xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các nước châu Âu.
Trước đó ngày 14/11, BQL các KCN tỉnh Hải Dương đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật năng lượng mặt trời Boviet Hải Dương.
Theo BQL các KCN tỉnh Hải Dương, thời gian hoạt động của dự án kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đến hết ngày 9/4/2058. Nhà đầu tư dự kiến đưa nhà máy vào hoạt động trong thời gian 18 tháng, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Khi đi vào hoạt động, nhà máy dự kiến sẽ sử dụng khoảng 1.000 lao động người Việt Nam...
Theo tìm hiểu của Diễn đàn Doanh nghiệp, công ty TNHH Khoa học kỹ thuật năng lượng mặt trời BoViet thuộc tập đoàn Boway. Công ty này chuyên sản xuất tấm Pin và Module chuyển hóa năng lượng mặt trời, toàn bộ hàng của công ty đều được xuất khẩu ra nước ngoài. Các mô-đun Boviet đã vượt qua các bài kiểm tra đáng tin cậy của bên thứ 3 và được PVEL/DNV GL xếp hạng là trình diễn đáng tin cậy hàng đầu các tấm pin mặt trời Boviet chủ yếu được giao cho Bắc Mỹ, Châu Âu và các thị trường khác. Công ty này cũng đầu tư cho dự án sản xuất tấm pin và module chuyển hóa năng lượng mặt trời tại KCN Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, chuyên sản xuất tấm pin và module chuyển hóa năng lượng mặt trời 2.500.000.000W/năm.
Việc tập đoàn Boway đầu tư dự án tại tỉnh Hải Dương phù hợp với định hướng thu hút đầu tư vào các KCN của địa phương này. Đó là ưu tiên, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sạch, giá trị tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách địa phương...
Theo đại diện Tập đoàn Boway, năm 2023, doanh nghiệp được Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao. Phía doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhà máy tại tỉnh Bắc Giang và đề xuất đầu tư dự án Nhà máy sản xuất tấm tế bào quang điện năng lượng mặt trời BoViet tại KCN Cộng Hoà, tỉnh Hải Dương.
Liên quan đến thu hút đầu tư tại tỉnh Hải Dương, địa phương này có nhiều điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến tìm hiểu, thực hiện các dự án. Tỉnh Hải Dương hiện có diện tích đất công nghiệp gần 5.600ha, trong đó có 6 KCN đang đầu tư xây dựng với diện tích đất công nghiệp, dịch vụ cho thuê là trên 1.000ha, bảo đảm đáp ứng được nhu cầu sử dụng đất của các nhà đầu tư mới.
Theo BQL các KCN tỉnh Hải Dương, từ tháng 1/2023 đến ngày 15/11/2023, Ban Quản lý đãcấp mới, điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1.021 triệu USD. Trong đó, cấp mới 47 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 892 triệu USD; điều chỉnh cho 27 lượt dự án FDI tăng vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm gần 129 triệu USD. Luỹ kế đến ngày 15/11/2023, các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 364 dự án đầu tư.
Được biết, trong thời gian tới, để thu hút đầu tư nói chung và đặc biệt là thu hút vốn đầu tư FDI, tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và tập trung cải cách thủ tục hành chính. Địa phương này sẽ công bố công khai các quy hoạch, kế hoạch, các cơ chế, chính sách, quy định của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn. Trong đó, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sạch, giá trị tăng cao, kết nối chuỗi giá trị, thân thiện môi trường tạo động lực phát triển ngành lĩnh vực đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.
Theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương, với mục tiêu lấy công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ là một trong năm trụ cột chính để tạo đột phá phát triển, tỉnh Hải Dương sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực để mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực.
Còn theo đại diện Công ty CP Phát triển đô thị và KCN cao su Việt Nam, phía công ty cam kết sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ các chủ đầu tư về thủ tục pháp lý nhanh chóng, thuận tiện; tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở hạ tầng, phấn đấu xây dựng KCN Cộng Hoà trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư trong lĩnh vực điện, điện tử của tỉnh Hải Dương và khu vực phía Bắc.
Có thể bạn quan tâm