Đối ngoại

"Đòn bẩy" giao thương Việt Nam - Trung Quốc

TRƯỜNG ĐẶNG 12/12/2023 04:30

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của người đứng đầu Trung Quốc được kỳ vọng sẽ làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên, cũng như mở ra các lĩnh vực hợp tác mới.

Chuyến thăm từ ngày 12 đến 13-12 của ông Tập Cận Bình đánh dấu lần thứ tư ông sang thăm Việt Nam trên cương vị lãnh đạo Trung Quốc

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam diễn ra vào thời điểm hai nước kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Tại đó, các hợp tác kinh tế, thương mại chặt chẽ hơn nữa là nhân tố chính mà hai quốc gia kỳ vọng.

>>Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển đúng hướng

Điểm sáng trong quan hệ song phương

Đã từ lâu, hợp tác kinh tế - thương mại là “điểm sáng” trong quan hệ song phương Việt Nam - Trung Quốc. Kể từ đại dịch Covid-19 tới nay, nền kinh tế thế giới đã hứng chịu thêm những “cú sốc”, khiến nhu cầu tiêu dùng và sản xuất toàn cầu bị suy giảm. Như một hệ quả, kim ngạch thương mại với các đối tác lớn của Trung Quốc đã chứng kiến đà tăng trưởng chậm lại.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn duy trì được liên kết thương mại ổn định với Trung Quốc. Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều trong 10 tháng đầu năm nay đạt 139,2 tỷ USD. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Nước ta là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ 8 của Trung Quốc trên thế giới.

Với triển vọng đó, các nhà đầu tư Trung Quốc tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến tiềm năng. Tính đến tháng 11/2023, nguồn vốn Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam đạt 3,06 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng số vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép mới, đứng thứ 4 (sau Singapore, Hàn Quốc, Hong Kong).

Nhu cầu đó cũng đến từ triển vọng tăng trưởng trong nước suy yếu sau khi Trung Quốc từ bỏ chiến lược Zero Covid, theo các chuyên gia. Theo đó, những quốc gia láng giềng có nhiều tiềm năng được chú ý hơn nhờ các yếu tố như địa lý, nhân công…, trong đó có Việt Nam.

Ông Chad Ovel, đối tác tại Mekong Capital, cho biết sự suy thoái của Trung Quốc là một yếu tố ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư: “Triển vọng vĩ mô yếu kém trong ngắn hạn và trung hạn ở Trung Quốc đang thúc đẩy người Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư bên ngoài đất nước của họ”.

Bên cạnh đó, chiến lược giảm thiểu rủi ro của các nước phương Tây với Trung Quốc cũng được cho là một phần nguyên nhân.

Ông Kyle Freeman, chuyên gia của công ty tư vấn Dezan Shira nói với Reuters, sự bùng nổ trong đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam trong năm nay (tăng gần gấp đôi so với trước đại dịch) một phần là do chiến lược giảm thiểu rủi ro của các công ty trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

>>Chuyên gia "hiến kế" cho Trung Quốc thu hút đầu tư

Theo số liệu thống kê chính thức của Việt Nam, vốn đầu tư đăng ký từ Trung Quốc và Hồng Kông cộng lại đã tăng lên 8,2 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm nay, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế vì đại dịch, khiến họ trở thành những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam trong năm. Trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng 5% lên gần 50 tỷ USD.

Hai bên kỳ vọng có thể đạt được những hợp tác mới về đường sắt trong sự kiện lần này

Hai bên kỳ vọng có thể đạt được những hợp tác mới về xây dựng và nâng cấp đường sắt trong chuyến thăm lần này của Chủ tịch Trung Quốc tới Việt Nam.

Gắn chặt quan hệ kinh tế bằng đường sắt?

Tại chuyến thăm mới nhất, giới chuyên gia quốc tế kỳ vọng ông Tập Cận Bình sẽ mang tới Việt Nam những cơ hội hợp tác trong lĩnh vực đường sắt và đất hiếm – hai chủ đề kinh tế được quan tâm nhất tại Việt Nam hiện nay.

Các tuyến đường sắt cũ kỹ hiện nay của Việt Nam đã bộc lộ nhiều hạn chế trong đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Do đó, các chuyên gia kỳ vọng nâng cấp các tuyến đường sắt này có thể sẽ là chủ đề được quan chức hai bên quan tâm.

Hồi tháng 9/2023, trong chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã tiếp một số doanh nghiệp quốc doanh trong lĩnh vực đường sắt của Trung Quốc. Qua đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm xây dựng và vận hành các tuyến đường sắt cao tốc của Trung Quốc.

Tuyến đường sắt giữa hai nước nếu được tăng cường cũng có thể góp phần thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp, hay du lịch Trung Quốc đến miền Bắc Việt Nam; đồng thời hội nhập hơn nữa các ngành công nghiệp sản xuất của hai nước.

Quan trọng hơn, các tuyến đường sắt được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường năng lực vận tải có thể đi qua các trung tâm đất hiếm của Việt Nam đến các bến cảng quốc tế như Hải Phòng, theo Reuters.

Các nhà phân tích khẳng định Việt Nam đang ngày càng đóng vai trò chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực thiết yếu như chuỗi cung ứng ngành công nghệ - vốn là một thế mạnh hàng đầu của nền kinh tế Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm

  • Tầm vóc mới trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

    Tầm vóc mới trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc
    04:30, 11/12/2023
  • Xuất khẩu gặp khó, Trung Quốc chuyển hướng chiến lược

    Xuất khẩu gặp khó, Trung Quốc chuyển hướng chiến lược
    03:00, 07/12/2023
  • Chuyên gia

    Chuyên gia "hiến kế" cho Trung Quốc thu hút đầu tư
    04:00, 05/12/2023
  • Trung Quốc tìm kiếm động cơ tăng trưởng mới từ nhóm thu nhập thấp

    Trung Quốc tìm kiếm động cơ tăng trưởng mới từ nhóm thu nhập thấp
    04:00, 04/12/2023
  • Ấn Độ tham vọng thu hẹp khoảng cách quốc phòng với Trung Quốc

    Ấn Độ tham vọng thu hẹp khoảng cách quốc phòng với Trung Quốc
    04:00, 01/12/2023

TRƯỜNG ĐẶNG