Quảng Ninh: Lợi thế trải nghiệm du lịch nông nghiệp

MINH HUỆ 11/12/2023 19:51

Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, những thành quả từ xây dựng nông thôn mới đã trở thành điểm tựa vững chắc để Quảng Ninh phát triển du lịch gắn với nông nghiệp.

>>>Quảng Ninh: Đặt mục tiêu lớn cho du lịch năm 2024

Qua đó, tạo ra những sản phẩm mới, đa dạng phục vụ nhu cầu của du khách bên cạnh các loại hình du lịch thế mạnh của tỉnh như biển đảo, văn hóa, tâm linh, sinh thái đồng thời góp phần quan trọng nâng cao đời sống cho nông dân, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.

Sở hữu lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng dân tộc thiểu số, Bình Liêu đang phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Trong đó phải kể đến du lịch nông nghiệp với nhiều tiềm năng và mô hình, sản phẩm nổi trội.

Du lịch nông nghiệp là một mảnh ghép lớn trong bức tranh tổng thể du lịch cộng đồng của huyện. Phát huy tốt các giá trị du lịch nông nghiệp sẽ góp phần định hình du lịch Bình Liêu như một trung tâm du lịch sinh thái cộng đồng của tỉnh. Thực tế những năm qua, du lịch Bình Liêu đã khai thác khá tốt các thế mạnh nông nghiệp để phát triển thành các mô hình, sản phẩm đặc thù, điển hình phải kể tới Hội Mùa vàng và Hội Hoa sở.

Lễ hội mùa hoa sở vào tháng 12

Lễ hội mùa hoa sở vào tháng 12

Theo chị Trần Thúy Hằng – Hướng dẫn viên Hà Nội – Bình Liêu: Bình Liêu có rất nhiều lợi thế về du lịch trải nghiệm như: Hội Mùa vàng Bình Liêu thường diễn ra vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 hằng năm, phụ thuộc vào thời điểm lúa chín tại danh thắng cấp tỉnh Ruộng bậc thang xã Lục Hồn. Đến với Hội Mùa vàng, du khách được chụp ảnh check-in trên những cánh đồng lúa vàng óng quyện với sắc nắng thu dịu dàng, tìm hiểu tập quán canh tác của bà con. Du khách còn có thể tham gia chơi các môn thể thao dân tộc ngay trên bờ ruộng, nghe hát then - đàn tính, tham gia vào đám cưới Sán Chỉ, đến nhà người dân thưởng thức cơm mới.

Với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc tại Hội Mùa vàng, không gian nông nghiệp - không gian sản xuất, canh tác truyền thống của người dân được khai thác hiệu quả theo hướng gắn chặt với phong tục tập quán của cộng đồng dân cư, phát triển thành sản phẩm du lịch trải nghiệm độc đáo, đặc biệt hấp dẫn những du khách muốn tìm về những miền quê, đi sâu khám phá thôn bản.

Theo chị Hằng: Tiếp đến là mùa Hội Hoa sở được tổ chức tháng 12 hằng năm, được đánh giá là sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng, mang đến sắc màu độc đáo của Bình Liêu.

Theo Trưởng bản Hoàng Thị Huệ (sinh năm 1984 người dân tộc Tày) làm hướng dẫn viên du lịch: Hội hoa sở được tổ chức lần đầu vào năm 2016 với hoạt động chính là chụp ảnh check-in tại rừng sở thôn Đồng Long (xã Đồng Tâm). Hội Hoa sở khi đó mới dừng lại ở khai thác vẻ đẹp, giá trị thẩm mỹ bên ngoài của hoa sở.

Đến năm 2022, Ban tổ chức lễ hội dày công nghiên cứu giá trị văn hóa, khai thác yếu tố tinh thần của hoa sở gắn với hình ảnh con người Bình Liêu mạnh mẽ, kiên cường vươn lên nghịch cảnh, Hội Hoa sở đã tạo được dấu ấn đậm nét với du khách. Giờ đây đến với Hội Hoa sở, du khách không chỉ chụp ảnh, mà còn được tìm hiểu về nghề trồng sở tại Bình Liêu, cách người dân chế biến hạt sở thành tinh dầu sở - sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện.

Du khách trải nghiệm ngắm lau - Bình Liêu

Du khách trải nghiệm ngắm lau - Bình Liêu

Nói về tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp của huyện, ông Mạc Ngọc Điệp, Trưởng Phòng VH-TT huyện, cho biết: Cùng với Hội Mùa vàng, Hội Hoa sở, các mô hình HTX nông nghiệp sản xuất các sản phẩm thế mạnh của Bình Liêu (miến dong, cá nước lạnh, hoa chất lượng cao, tinh dầu hồi, quế), nhiều mô hình nông nghiệp mới được người dân đưa vào thử nghiệm (tham quan trải nghiệm tại vườn dâu, vườn cam, các mô hình vật nuôi) đang nhận được sự quan tâm của du khách, cung cấp tài nguyên cho phát triển du lịch bền vững.

Trong tương lai, huyện tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ người dân, kêu gọi và tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp một cách bài bản, chuyên nghiệp, đưa các mô hình du lịch nông nghiệp vào chương trình tour phục vụ khách nội tỉnh, trong nước, thậm chí là khách quốc tế.

Từ thành công của mô hình du lịch làng quê Yên Ðức, thị xã Ðông Triều tiếp tục triển khai mô hình trải nghiệm vườn trái cây ở làng quê Việt Dân. Theo đó, Công ty TNHH Han Nong (Hàn Quốc) liên kết với các hộ làm vườn điển hình, hỗ trợ quy hoạch vườn phù hợp với du lịch kết hợp đưa du khách thăm vườn, trải nghiệm quy trình canh tác nông nghiệp, thưởng thức hoa trái, sản phẩm của vườn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, loại hình sản phẩm du lịch nông nghiệp của Quảng Ninh khá đa dạng, phát triển từ rừng, biển cho đến đồng ruộng. Loại hình du lịch biển kết hợp với sản phẩm du lịch trải nghiệm "Một ngày làm ngư dân" ở các xã đảo Quan Lạn (huyện Vân Ðồn), Thanh Lân (huyện Cô Tô) được nhiều du khách thích thú. Ðến nay các địa phương có lợi thế về biển đảo như Hải Hà, Cô Tô, Móng Cái… đang triển khai nhân rộng mô hình này gắn với những nét văn hóa đặc sắc riêng của từng địa phương. Ðiều này giúp lượng khách tìm đến các xã đảo để trải nghiệm ngày càng tăng.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, Nguyễn Thế Huệ cho biết: Du lịch nông nghiệp đã giúp Quảng Ninh đa dạng hóa sản phẩm tạo thêm sức hút cho du khách, gia tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, du lịch nông nghiệp tại Quảng Ninh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh mà mới chỉ phát triển nhỏ lẻ, tự phát chưa có quy hoạch chiến lược cụ thể, chưa đủ mạnh để tạo thành thương hiệu, sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.

Hoàng hôn trên ruộng bậc thang

Hoàng hôn trên ruộng bậc thang

Theo ông Nguyễn Nam Phương – PGĐ Vietravel Hải Phòng cho biết: Phát triển du lịch nông nghiệp đang trở thành xu hướng phát triển kinh tế bền vững tại một số địa phương của Quảng Ninh nhờ thế mạnh về giá trị, tiềm năng sẵn có. Tuy nhiên, mô hình này còn đối mặt với nhiều thách thức về cơ chế, chính sách và nguồn nhân lực.

Thời gian tới, tỉnh cần đầu tư nhiều nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với đó là có nhiều chính sách về hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật nông thôn, hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn... Làm được điều này du lịch nông thôn mới phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân và doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước

    Quảng Ninh: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước

    17:19, 10/12/2023

  • Quảng Ninh: Tiếp lửa cho phụ nữ khởi nghiệp

    Quảng Ninh: Tiếp lửa cho phụ nữ khởi nghiệp

    08:30, 10/12/2023

  • Quảng Ninh: Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu

    Quảng Ninh: Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu

    02:37, 10/12/2023

MINH HUỆ