Bà Rịa – Vũng Tàu: Sản xuất công nghiệp năm 2023 tăng 9,47%
Bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phục hồi với mức tăng 9,47% so với năm 2022, cao hơn kế hoạch đề ra (9,24%).
>>> Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Tăng tốc hoàn thành toàn diện chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023
Tăng tốc cuối năm
Theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, năm 2023, sản xuất công nghiệp trong những tháng đầu năm chưa đạt kỳ vọng do bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, nên số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng sụt giảm, nhất là nhóm ngành dệt may. Lượng hàng tồn kho các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu còn nhiều do nhu cầu thị trường nước ngoài giảm; thị trường bất động sản suy giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất có liên quan như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí,...
Tuy nhiên, vào quý III/2023, tình hình sản xuất kinh doanh trong tỉnh đã dần ổn định và phục hồi mạnh; đặc biệt các doanh nghiệp tại khu công nghiệp (KCN) đã phục hồi lại được chuỗi cung ứng trong nhóm ngành công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với sản lượng sản phẩm tăng trưởng khá.
Theo thống kê, giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu thô và khí đốt ước thực hiện cả năm 2023 tăng 9,47% so với năm 2022, cao hơn kế hoạch đề ra (9,24%). Các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 29 dự án, tổng vốn đầu tư thu hút được quy đổi tương đương 1.776 triệu USD.
Tính đến nay, tỉ lệ lấp đầy tại 15 KCN đạt 56,29% và 66,47% trên 13 KCN đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng. Tổng giá trị đầu tư hạ tầng kỹ thuật các KCN khoảng 987,1 tỷ đồng, lũy kế đến nay là 20.587,6 tỷ đồng.
Về thu hút đầu tư, năm 2023, tổng vốn đầu tư trong và ngoài nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 61.628,5 tỷ đồng, tăng 26,2% so với năm 2022. Trong đó, thu hút mới FDI 21 dự án và điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 29 dự án; tổng vốn đầu tư thu hút tăng thêm trong năm đạt khoảng 1.401,4 triệu USD. Với đầu tư trong nước, tỉnh thu hút mới 28 dự án và điều chỉnh tăng vốn 15 dự án. Tổng vốn đầu tư thu hút tăng thêm trong năm đạt 28.695,6 tỷ đồng.
Tăng hiệu quả xúc tiến đầu tư
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, những nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, biến nơi đây thành “địa chỉ đỏ” về thu hút đầu tư của cả nước. Có được thành quả này vừa thể hiện sức hút của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với các doanh nghiệp, cùng với đó là việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp về xúc tiến, thu hút đầu tư.
Thực tế cho thấy, khi triển khai hoạt động đầu tư, nhà đầu tư mong muốn được thụ hưởng lợi ích thực sự từ các cam kết về cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cụ thể từ chính quyền địa phương. Cùng với đó, nhà đầu tư cũng có nhu cầu rất lớn về các dịch vụ tư vấn thị trường, lao động, pháp lý, tài chính và hỗ trợ các thủ tục cấp phép và tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Những yếu tố đó là một phần cấu thành của môi trường đầu tư mà chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang thực hiện một các đầy trách nhiệm và quyết liệt.
>>> Bà Rịa - Vũng Tàu: Tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư
>>> Bà Rịa - Vũng Tàu kỳ vọng vào cảng cạn đầu tiên
Bà Rịa – Vũng Tàu cũng xác định rằng, thu hút và xúc tiến đầu tư cần cân bằng giữa các doanh nghiệp quy mô lớn, các công ty đa quốc gia với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh luôn tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác liên ngành - liên vùng – liên cấp với các địa phương trong nước và các quốc gia có nền kinh tế phát triển, khoa học công nghệ cao, từ đó tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp trong tỉnh với doanh nghiệp ngoài tỉnh và quốc tế.
Theo Ban quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, những năm qua, ngành công nghiệp của tỉnh đã đạt được những thành tựu lớn và đang có sự dịch chuyển sang các ngành công nghiệp chế tạo ứng dụng internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo và hình thành các KCN hoá dầu. Giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh xác định lấy việc thành lập các KCN công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư và nguồn nhân lực trong các ngành sản xuất tiên tiến, sử dụng công nghệ hiện đại là động lực tăng trưởng.
Ông Choi Heung Yeon - Phó TGĐ Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ (chủ đầu tư KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, thị xã Phú Mỹ) cho biết, KCN này chỉ thu hút các dự án sản xuất sạch, sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Đến nay, đã có 12 dự án của Nhật Bản, 3 dự án của Hàn Quốc, 4 dự án của Việt Nam và 1 dự án liên doanh giữa Việt Nam và Thụy Sĩ đến đầu tư. Các dự án tập trung vào các lĩnh vực: nội thất, đồ gỗ, hóa chất, sản xuất giấy bìa… Tất cả đều là dự án công nghệ cao, bảo vệ môi trường, là một điển hình cho mục tiêu trong lựa chọn thu hút đầu tư mà tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã kiên định theo đuổi trong nhiều năm qua.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Tân, Phó TGĐ Công ty CP Sonadezi Châu Đức, chủ đầu tư KCN Sonadezi Châu Đức cho biết, với quy mô diện tích 2.287 ha, hạ tầng kỹ thuật trong KCN Sonadezi Châu Đức hiện đã được đầu tư bài bản, đồng bộ, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư thứ cấp.
Nhiều nhà đầu tư cũng rất hào hứng với định hướng xây dựng hạ tầng và phát triển các khu công nghiệp “xanh” của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bởi doanh nghiệp của họ trong các khu công nghiệp này cũng sẽ được hưởng lợi vì sản xuất “xanh”, từ đó có thể mở rộng thị trường xuất khẩu ra nhiều nơi trên thế giới, đúng theo xu hướng sản xuất thân thiện môi trường mà nhiều thị trường nhập khẩu đang yêu cầu, ông Tân cho hay.
Trong những tháng cuối năm 2023, nhiều dự án lớn, đầu tiên của Việt Nam đã đi vào hoạt động tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mang lại sự tăng trưởng mạnh mẽ, lâu dài cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Đơn cử phải kể đến dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn do Tập đoàn SCG (Thái Lan) đầu tư, tổ chức vận hành chạy thử toàn bộ tháng 11/2023 và sẽ vận hành thương mại vào đầu năm 2024. Chủ đầu tư dự án này cho biết, từ khi khởi công xây dựng dự án đến nay, doanh nghiệp đã đóng góp 140 triệu USD tiền thuế cho ngân sách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; khi vận hành thương mại dự án sẽ có doanh thu khoảng 1,5 tỉ USD và mỗi năm sẽ đóng 150 triệu USD tiền thuế GTGT cho địa phương.
Bên cạnh đó, cuối tháng 10/2023, kho cảng khí thiên nhiên LNG với tổng mức đầu tư 6.500 tỉ đồng đã được khánh thành. Đây cũng là kho cảng chứa LNG nhập khẩu đầu tiên tại Việt Nam, có vai trò rất quan trọng cho mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Bởi trong bối cảnh nguồn cung khí trong nước đang suy giảm mà nhu cầu sử dụng khí cho phát điện ngày càng tăng thì việc triển khai điện khí LNG sẽ đáp ứng được nhu cầu trên.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ, để Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục trở thành địa chỉ tin cậy đối với các nhà đầu tư nói chung, nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp nói riêng, việc đổi mới tư duy và phương pháp thu hút, xúc tiến đầu tư có vai trò quan trọng. Do đó, tỉnh đã tập trung đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, khơi thông các điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, đưa các chỉ số như PCI, PAPI, PAR-index ngày càng tốt hơn nữa.
Có thể bạn quan tâm
C.P. Việt Nam tham gia Làm sạch bãi biển 2023 tại Bà Rịa Vũng Tàu
10:03, 27/09/2023
Thúc đẩy quan hệ hợp tác VCCI - Bà Rịa Vũng Tàu, hỗ trợ doanh nghiệp
13:00, 08/09/2023
KCN Đô thị & Sân Golf Châu Đức: Điểm đầu tư chiến lược tại Bà Rịa Vũng Tàu
09:30, 17/04/2020
Công ty Xổ Số Bà Rịa Vũng Tàu: Nỗ lực phát triển vì mục tiêu “công tác an sinh xã hội”
14:10, 28/12/2019