“Hút” vốn đầu tư vào Khu kinh tế ven biển Quảng Nam
Với định hướng thu hút dòng vốn đầu tư trong nước và quốc tế vào khu kinh tế ven biển, tỉnh Quảng Nam đã xác định mục tiêu, kế hoạch, lĩnh vực ưu tiên cũng như “show” lợi thế sẵn có.
Quảng Nam có khu kinh tế mở (KKTM) Chu Lai, thành lập năm 2003 là khu kinh tế ven biển đầu tiên của cả nước. Đến ngày 23/9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1353/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020”.
Nhiều lợi thế để “hút” vốn đầu tư
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang có 14 Khu công nghiệp (KCN) đã được cấp phép với tổng diện tích trên 3.676 ha. Trong đó, có 11 KCN thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai đã được cấp phép với diện tích trên 2.959 ha và 03 KCN nằm ngoài Khu kinh tế mở Chu Lai đã được cấp phép với tổng diện tích trên 716 ha.
Về thu hút đầu tư, tại Quảng Nam có hơn 1.100 dự án đầu tư trong nước đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký hơn 225.000 tỷ đồng và 193 dự án FDI đang triển khai với tổng số vốn đăng ký hơn 06 tỉ USD. Với KKTM mở Chu Lai, hiện nay đã thu hút được 197 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 74.000 tỷ đồng ở các lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, đô thị nhà ở. Trong đó có 48 dự án FDI với vốn đăng ký khoảng 17.000 tỷ đồng và 149 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 57.000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, vùng Đông Nam của Quảng Nam (trong đó chủ yếu là địa bàn KKTM Chu Lai) tiếp tục được xác định là một trong những vùng động lực của địa phương. Giai đoạn tới, tỉnh Quảng Nam đã xác định ưu tiên thu hút các dự án về chế biến, chế tạo, chuyên môn hóa cao, có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu và thân thiện với môi trường,...
Nói về lợi thế, ông Nguyễn Tấn Văn – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Nam cho hay địa phương có sân bay Chu Lai được quy hoạch thành Cảng hàng không quốc tế theo tiêu chuẩn cấp 4F với công suất dự kiến phục vụ 10 triệu lượt khách vào năm 2030 và 30 triệu lượt khách/năm vào năm 2050. Đồng thời, Quảng Nam có cảng biển Chu Lai được quy hoạch, đầu tư mở rộng để đón tàu 5 vạn tấn, có Cửa khẩu Quốc tế Nam Giang kết nối với các tỉnh Nam Lào – Đông Bắc Thái Lan – Myanmar, có tỷ lệ dân số vàng, lực lượng lao động trẻ đã qua đào tạo đang ngày một tăng cao,...
Xác định hướng đi “tuần hoàn”
Theo mục tiêu, tại KKTM Chu Lai tỉnh Quảng Nam đã có kế hoạch phát triển dự án Trung tâm điện khí miền Trung gắn với các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng và sản phẩm sau khí tại đây, phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, sản phẩm cơ khí, điện, điện tử, hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia. Đặc biệt hơn, địa phương này xác định phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư theo hướng công nghiệp tuần hoàn, đưa ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành trụ cột ngành kinh tế.
Tại Diễn đàn “Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Hoa Kỳ - Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt” được tổ chức vừa qua, ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết địa phương khuyến khích thu hút đầu tư FDI đi cùng với chuyển giao công nghệ. Vì vậy, thời gian tới địa phương này sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng xã hội, xây dựng hệ thống logistics hiện đại, rộng khắp để nhà đầu tư có nền tảng đến đầu tư lâu dài trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, ông Bửu cho biết Quảng Nam đã định hướng thu hút các dự án FDI có chọn lọc kỹ càng hơn, nâng cao các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, giảm lượng khí thải để hướng tới phát triển bền vững và tuân thủ các cam kết chống biến đổi khí hậu. “Chính quyền tỉnh Quảng Nam cam kết sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để tạo bước phát triển đột phá bền vững trong thời gian tới”, ông Hồ Quang Bửu khẳng định.
Ở góc độ nghiên cứu, ông Lê Minh Dương - Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Nam (Bộ KH&ĐT) cho rằng cần chú trọng tận dụng có hiệu quả nhất các cơ hội từ các Hiệp định về đầu tư và thương mại tự do (FTA) để phát triển khu kinh tế ven biển Quảng Nam. Đồng thời, cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh,... Đặc biệt, chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn lao động kỹ thuật, nhân lực quản lý có trình độ chuyên môn, kỹ năng cao,... đáp ứng nhu cầu của khối FDI.
Có thể bạn quan tâm