Doanh nghiệp Thanh Hóa kiến nghị nhiều vấn đề nóng

KIỀU PHIÊN 13/12/2023 14:56

Tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, ông Cao Tiến Đoan đã thay mặt đại diện cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị 6 vấn đề nóng về vốn, thủ tục hành chính, giải ngân vốn chậm...

>>4 vấn đề nóng ngành xây dựng

Chiều 13/12, tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, các đại biểu thảo luận tại hội trường nhiều nội dung quan trọng. Tại phiên thảo luận, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã thay mặt 27 nghìn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa kiến nghị 6 vấn đề “nóng” mong muốn lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa sớm giải quyết cho doanh nghiệp.

Toàn cảnh

Toàn cảnh kỳ họp

Ông Đoan khẳng định, có thể nói chưa có khi nào doanh nghiệp lại phải gồng mình đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, phát huy chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội, đại diện cho Cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã nỗ lực để làm tốt vai trò của mình, luôn lắng nghe, sẵn sàng chia sẻ, kịp thời phản ánh đến các cấp chính quyền những ý kiến, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doang đang bị vướng mắc trong thời gian qua. Qua quá trình tổng hợp những phản ánh từ phía Doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhận thấy 6 vấn đề tồn tại nổi cộm.

Vấn đề mà doanh nghiệp hiện nay đang khó khăn nhất chính là nguồn vốn. Hiện dòng vốn cho sản xuất, kinh doanh đang bị ngưng trệ, trong khi các ngân hàng, các tổ chức tín dụng thừa tiền thì doanh nghiệp lại “đói vốn”. Nhiều vướng mắc trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn tín dụng vẫn tiếp tục tồn tại. Mặc dù Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhưng cơ chế, chính sách kịp thời, nhưng thực tế, số doanh nghiệp được thụ hưởng, tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ này là rất hạn chế vì kèm theo quá nhiều điều kiện mà doanh nghiệp không thể đáp ứng được.

Cùng với đó, vấn đề cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính đối với lĩnh vực doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Theo phản ánh của doanh nghiệp, vẫn còn nhiều thủ tục hành chính chồng chéo, rườm rà, phức tạp kéo dài, làm mất cơ hội đầu tư của DN như: Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thủ tục tiếp cận đất đai, cấp phép xây dựng... Cùng với đó, vẫn tồn tại một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, yếu kém về năng lực; tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền đang ít nhiều gây bức xúc trong DN. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) bị tụt giảm so với các năm trước và nằm trong nhóm thấp của cả nước.

>>Thanh Hóa: Doanh nghiệp kiến nghị 8 vấn đề nóng

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiepejt ỉnh Thanh Hóa

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa

Bên cạnh đó, Hiệp hội doanh nghiệp đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm, xem xét, tạo cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ công chức, viên chức có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; mạnh dạn thuyên chuyển công tác những cán bộ né tránh, đùn đẩy công việc được giao đến một môi trường công việc khác phù hợp.

Ba là, hiện nay, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm tiến độ. Nguyên nhân được xác định do giá vật liệu xây dựng ban hành chưa sát với thực tế, khiến cho doanh nghiệp càng làm càng lỗ, các dự án không có khối lượng để giải ngân vốn đầu tư công, dẫn đến chậm tiến độ trong việc thực hiện các dự án. Cùng với đó, việc cấp phép khai thác khoáng sản cho các mỏ vật liệu xây dựng với trữ lượng quá thấp so với thực tế, không đủ khối lượng để đáp ứng nhu cầu cần thiết trong việc triển khai thực hiện các dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh; dẫn đến thiếu hụt vật liệu xây dựng phục vụ cho dự án, để đáp ứng tiến độ dự án. Doanh nghiệp buộc phải mua “chui” với giá cao, không hóa đơn khiến vô tình vướng vào vòng lao lí, mà ngành chức năng cũng rất khó quản lý, lãng phí ngân sách nhà nước.

Từ những nguyên nhân nêu trên, doanh nghiệp kiến nghị lãnh đạo UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo các sở, ngành liên quan, sớm có giải pháp thiết thực để khắc phục tình trạng trên để tạo điều kiện phát triển và bảo vệ DN.

Đối với việc nguồn vốn tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp trong các gói được hỗ trợ, kính đề nghị lãnh đạo tỉnh có ý kiến chỉ đạo Giám đốc Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa rà soát và chỉ đạo các ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn tỉnh tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời làm rõ số lượng các doanh nghiệp đã, đang được thụ hưởng các chính sách ưu đãi nguồn vốn nêu trên, không dựa trên báo cáo bằng tỷ lệ % số tiền đã giải ngân, mà chú trọng đến việc đã có bao nhiêu doanh nghiệp được thụ hưởng các gói hỗ trợ của Chính phủ.

Ngoài ra, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa kiến nghị tỉnh tạo điều kiện thuận lợi về cho mượn, thuê trụ sở làm việc, nhằm tạo điều kiện cho hiệp hội khi đón tiếp, làm việc với đối tác, các cơ quan chức năng khi đến làm việc và các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp, hội ngành nghề, các tỉnh bạn đến giao lưu xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương, tổ chức lễ kỷ niệm... xứng đáng vai trò, vị thế của một tổ chức đại diện cho hơn 27.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Có thể bạn quan tâm

  • Lương Sơn (Thường Xuân, Thanh Hóa): Phát huy thế mạnh đưa kinh tế phát triển toàn diện

    Lương Sơn (Thường Xuân, Thanh Hóa): Phát huy thế mạnh đưa kinh tế phát triển toàn diện

    12:03, 11/12/2023

  • Thanh Hóa: Kết nối đầu tư, thương mại Italia

    Thanh Hóa: Kết nối đầu tư, thương mại Italia

    18:19, 08/12/2023

  • Thanh Hóa tăng sức hấp dẫn doanh nghiệp Italia

    Thanh Hóa tăng sức hấp dẫn doanh nghiệp Italia

    17:23, 08/12/2023

  • Thanh Hóa: Thần tốc, quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công

    Thanh Hóa: Thần tốc, quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công

    11:17, 07/12/2023

KIỀU PHIÊN