FED tiết lộ câu trả lời cho định hướng chính sách tiền tệ
Cần lưu ý rằng, lãi suất của FED cao hay thấp dựa vào chỉ số lạm phát. Trong trường hợp này, lạm phát giảm thể hiện xu hướng cắt giảm chi tiêu, là dấu hiệu cua suy thoái kinh tế.
>>Hai thái cực cắt giảm lãi suất của FED
Cuộc họp hôm thứ tư tuần này của Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, FED đã đưa ra lộ trình cụ thể về việc cắt giảm lãi suất sau 11 lần tăng liên tục. Các nhà hoạch định chính sách trong Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đã bỏ phiếu nhất trí giữ lãi suất vay qua đêm trong phạm vi mục tiêu từ 5,25% -5,5%.
Cùng với quyết định giữ nguyên lãi suất, các thành viên FOMC đã đưa ra ít nhất ba lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024, bốn lần cắt giảm lãi suất trong năm 2025 và thêm ba lần giảm nữa vào năm 2026. Các động thái này sẽ đưa lãi suất liên bang giảm xuống từ 2% -2,25%, gần bằng với triển vọng dài hạn.
Tuy nhiên, các thị trường đã theo dõi cuộc họp báo của Chủ tịch FED Jerome Powell và đưa ra dự báo riêng về lộ trình cắt giảm lãi suất của FED thậm chí còn quyết liệt hơn, khoảng 1,5 điểm phần trăm trong năm tới, gấp đôi tốc độ được FOMC xác quyết.
Cơ sở của quyết định trên là các quan chức FED nhận thấy lạm phát cơ bản có thể sẽ giảm xuống 3,2% vào năm 2023 và 2,4% vào năm 2024, sau đó xuống 2,2% vào năm 2025. Cuối cùng, nó sẽ quay trở lại mục tiêu 2% vào năm 2026.
Trong khi đó, tính toán của Bank of America chỉ ra rằng thước đo lạm phát ưa thích của FED trong tháng 11 vào khoảng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái và có thể đạt tỷ lệ hàng năm là 2% trong sáu tháng tới, đáp ứng mục tiêu của FED.
Đồng thời, Chủ tịch FED cũng giải đáp câu hỏi lớn của nhà đầu tư rằng: Các chỉ số gần đây cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế đã chậm lại đáng kể so với con số vượt trội đạt được trong quý III vừa rồi. Có nghĩa kinh tế Mỹ dễ rơi vào suy thoái trong năm tới.
Các chuyên gia Mỹ dự đoán tăng trưởng GDP sẽ ở mức 1,4% vào năm 2024, gần như không thay đổi so với ước tính trước đó. Dự báo về tỷ lệ thất nghiệp giữ nguyên ở mức 3,8% vào năm 2023 và tăng lên 4,1% trong những năm tiếp theo.
>>FED "đau đầu" dung hoà mục tiêu tăng trưởng và lạm phát
Sau tin tức FED sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn dự báo, chỉ số Dow Jones chốt phiên 13/12 tăng vọt hơn 512 điểm (tương đương 1,4%) lên 37.090,24 điểm, mức cao nhất mọi thời đại. Bên cạnh đó, S&P 500 tăng 1,37% lên 4.707,09 điểm, lần đầu tiên vượt 4.700 điểm kể từ tháng 1/2022. Nasdaq tăng 1,38% đạt 14,733.96 điểm.
FED giảm lãi suất là tiền đề cho thị trường vốn toàn cầu sôi động trở lại, cung tiền tăng lên sẽ kích thích kinh tế phát triển. Nhưng lý thuyết này, trước hết luôn luôn có thể chỉ đúng ở Mỹ. Bởi vì mọi động thái của FED chủ yếu dựa vào tình hình kinh tế Mỹ.
Đối với các Ngân hàng Trung ương trên thế giới, nhất là tại các nền kinh tế suy thoái nặng, việc bị bao vây bởi nguồn vốn rẻ là lợi bất cập hại; trạng thái dư vốn sẽ phát sinh kênh đầu tư phái sinh, thứ cấp là nguyên nhân tiếp tục nuôi dưỡng lạm phát.
Rất nhiều nền kinh tế hiện nay không thể hấp thụ vốn, do doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng, nhưng nếu vẫn duy trì lãi suất cao trong nước thì sẽ lệch pha với dòng tiền toàn cầu, gây rối loạn cho hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài. Ở chiều tích cực, lãi suất FED hạ xuống đồng nghĩa với giá của đồng đô la giảm, bớt áp lực với các khoản vay bằng đồng tiền này.
Với Việt Nam, khi FED cắt giảm lãi suất, NHNN sẽ có thêm dư địa nới lỏng tiền tệ hơn nữa để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, tỷ giá USD/VND cũng sẽ giảm bớt đáng kể áp lực. Đây là những điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam trong năm tới nếu FED thực hiện chính sách tiền tệ như dự kiến.
Có thể bạn quan tâm