Thanh Hóa: Kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ
Đến tháng 12/2023 giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Thanh Hóa (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023) được 9.921 tỷ đồng, bằng 66,5% kế hoạch, nhiều dự án còn ì ạch chậm tiến độ.
>>Thanh Hóa: Thần tốc, quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công
Trách nhiệm người đứng đầu
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, xử lý các dự án chậm tiến độ là một trong hai nội dung được chất vấn tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa. Giám đốc Sở KH&ĐT Thanh Hóa Lê Minh Nghĩa cho biết, đến ngày 5/12/2023, giải ngân vốn (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023) được 9.921 tỷ đồng, bằng 66,5% kế hoạch.
Trong đó giải ngân vốn năm 2023 bằng 70,5% kế hoạch, giải ngân vốn năm 2022 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 bằng 45,5% kế hoạch. Một số nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân đạt khá so với kế hoạch, như: Chi xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước đạt 82,9%; đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất đạt 80,4%.
Giám đốc Sở KH&ĐT Thanh Hóa cho rằng, việc chậm giải ngân vốn dự án đầu tư công xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn có thêm một số quy định mới của trung ương như đánh giá tác động môi trường, các dự án phải lập quy hoạch 1/500. Điều này làm mất nhiều thời gian phê duyệt các quy hoạch dự án.
Bên cạnh đó, công tác khảo sát thiết kế, chuẩn bị dự án đầu tư chưa tốt; năng lực chỉ đạo trong quá trình điều hành của chủ đầu tư còn yếu kém; công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) còn chậm. Một số địa phương và chủ đầu tư chưa thực sự nghiên cứu đầy đủ các quy định của pháp luật dẫn đến chần chừ trong việc triển khai các thủ tục; có thời điểm một số dự án thiếu hụt nguyên vật liệu dẫn đến chậm tiến độ. Để xảy ra sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư trong tổ chức triển khai thực hiện dự án, ông Nghĩa lý giải.
>>Doanh nghiệp Thanh Hóa kiến nghị nhiều vấn đề nóng
>>Thu hút FDI của Thanh Hóa năm 2023 và triển vọng
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Cao Tiến Đoan bày tỏ, trách nhiệm đã được Giám đốc Sở KH&ĐT chỉ ra, vậy cần có giải pháp nào mạnh mẽ đối với chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong thời gian tới?
Trả lời đại biểu Đoan, ông Lê Minh Nghĩa cho biết sẽ tham mưu thực thi giải pháp không giao thực hiện dự án mới cho chủ đầu tư giải ngân vốn chậm đồng thời cắt giảm vốn đầu tư công trung hạn.
Thu hồi dự án chậm tiến độ
Cũng với vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp (CCN) cũng rất chậm và thiếu đồng bộ. Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn nội dung này, Giám đốc Sở Công thương Thanh Hóa Phạm Bá Oai cho biết, theo Quy hoạch đến năm 2030, toàn tỉnh có 115 CCN, với tổng diện tích 5.267,25 ha. Đến nay, toàn tỉnh có 45 CCN đã được thành lập (có nhà đầu tư hạ tầng) với tổng diện tích 1.675,94 ha. Tổng vốn đăng ký đầu tư các dự án là 11.934 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuât các CCN còn rất chậm, cụ thể: mới có 2 CCN đã hoàn thành toàn bộ hạ tầng CCN, đủ điều kiện thu hút dự án thứ cấp đầu tư là CCN Thái Thắng, huyện Hoằng Hoá và CCN thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hoá; có 3 CCN đã hoàn thành hạ tầng CCN theo giai đoạn, đủ điều kiện thu hút dự án thứ cấp là CCN Bắc Hoằng Hóa, huyện Hoằng Hoá; CCN Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc; CCN thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định.
Kết luận phiên chất vấn, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, chỉ đạo các đơn vị cần rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư công, nhất là các dự án lớn, quan trọng, đồng thời chỉ đạo kiểm điểm làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của việc giải ngân chậm.
Bên cạnh đó, cần đề ra giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB, công tác đấu thầu các dự án đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án; kế hoạch giải ngân, nhất là việc thực hiện cam kết của chủ đầu tư đối với tiến độ giải ngân của từng dự án.
Ông Hưng nhấn mạnh, cần kiên quyết điều chuyển vốn các dự án thực hiện chậm, không bảo đảm yêu cầu theo mốc thời gian giải ngân tỉnh giao. Không giao các dự án mới cho các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, các đơn vị có nhiều dự án thực hiện chậm, không đạt yêu cầu.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn. Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Ông Hưng yêu cầu nâng cao vai trò trách nhiệm của Hội đồng lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN, trong đó Sở Công thương là cơ quan chủ trì tham mưu. Cần lựa chọn được những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm trong xây dựng các CCN; chủ động tránh lựa chọn những nhà đầu tư thiếu năng lực, đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN chỉ với mục đích “giữ đất”, hoặc chuyển nhượng dự án gây khó khăn trong việc xử lý, thu hồi dự án. Kiên quyết thu hồi dự án nếu nhà đầu tư triển khai chậm so với quy định và lựa chọn nhà đầu tư khác.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã thông qua 38 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, về kế hoạch đầu tư phát triển và phân bổ vốn, về cơ chế, chính sách, về chủ trương đầu tư các dự án, về nhóm nghị quyết thường niên và các nội dung quan trọng khác.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp Thanh Hóa kiến nghị nhiều vấn đề nóng
14:56, 13/12/2023
Lương Sơn (Thường Xuân, Thanh Hóa): Phát huy thế mạnh đưa kinh tế phát triển toàn diện
12:03, 11/12/2023
Thanh Hóa: Kết nối đầu tư, thương mại Italia
18:19, 08/12/2023
Thanh Hóa tăng sức hấp dẫn doanh nghiệp Italia
17:23, 08/12/2023