Quan hệ EU - Trung Quốc: Những thách thức cần vượt qua

CẨM ANH 16/12/2023 03:30

Nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc cần tăng cường niềm tin và củng cố hợp tác thương mại với EU nếu muốn có mối quan hệ nồng ấm lâu dài.

>> Kỳ vọng đà phục hồi du lịch Trung Quốc

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, tháng 12/2023.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (trái), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, tháng 12/2023.

Khi các quan chức hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) đến Trung Quốc vào tuần trước để tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc với Chủ tịch Tập Cận Bình, họ đã có một danh sách dài các mối lo ngại.

Chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel và Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell là một phần của kế hoạch xây dựng lại mối quan hệ với các chuyến thăm cấp cao đang được tăng cường ở cả Brussels và Bắc Kinh.

Tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc, sự mất cân bằng thương mại đáng kể là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của EU, đặc biệt trong bối cảnh mối quan ngại của các quốc gia thành viên như Tây Ban Nha và Italy ngày một gia tăng. Ông Michel và bà Leyen đã đề nghị Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra hành động cụ thể để giải quyết những gì họ coi là trở ngại lớn đối với việc châu Âu tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Trong bối cảnh này, quyết định gần đây của Italy về việc rời khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường là rất đáng chú ý. Italy là quốc gia duy nhất thuộc nhóm bảy nền kinh tế công nghiệp phát triển nhất thế giới tham gia vào BRI của Trung Quốc. Thật không may, sự ra đi của nước này là một phần trong xu hướng mới nổi của các nước châu Âu trong việc thu hẹp quy mô hợp tác với Trung Quốc.

Estonia, Latvia và Litva đã rời bỏ nhóm hợp tác giữa Trung Quốc và một số nước Trung và Đông Âu, trong đó Cộng hòa Séc ngày càng chỉ trích khuôn khổ này. Trong khi đó, Brussels đã nói rõ rằng họ sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược “giảm rủi ro thay vì tách rời”.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc nới lỏng mối quan hệ kinh tế giữa EU và Trung Quốc là tin xấu cho cả hai bên và nên tránh. Câu hỏi đặt ra là liệu có thể điều chỉnh được sự mất cân bằng thương mại hiện tại hay không và bằng cách nào?

Ngoài thương mại và kinh tế, trọng tâm của chuyến công du của các quan chức châu Âu tới Trung Quốc là vấn đề Ukraine và Trung Đông. Trước đây, Brussels yêu cầu Bắc Kinh tác động Nga để chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine. Mặc dù không có bước đột phá đáng kể nào được mong đợi, nhưng EU coi việc Trung Quốc không cung cấp vũ khí sát thương cho Nga và việc không lách các biện pháp trừng phạt đối với Nga là rất quan trọng để xây dựng niềm tin lẫn nhau.

>> Lộ diện tác động của xung đột Israel - Hamas tới kinh tế châu Âu

Trung Quốc cần nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện quan hệ với EU

Quan hệ giữa Trung Quốc và EU đang có một số thách thức cần vượt qua

Brussels đã nói rõ rằng, nếu cần thiết, họ sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc và yêu cầu Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện các bước để giải quyết những lo ngại của châu Âu. Về cuộc xung đột Israel-Palestine, cả hai bên đều ủng hộ giải pháp hai nhà nước.

Trong các cuộc trò chuyện riêng tư, các quan chức châu Âu hoan nghênh và thực sự khuyến khích Trung Quốc đóng vai trò tích cực hơn trong ngoại giao toàn cầu, nhất là tìm giải pháp chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine và xung đột Israel - Hamas.

Các chuyên gia nhận định, đây là những thử nghiệm để đánh giá khả năng tồn tại của mối quan hệ lâu dài cùng có lợi giữa châu Âu và Trung Quốc. 

Trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay, không phải mọi thứ đều u ám. Ngoài kinh tế và an ninh, có một số lĩnh vực chính sách đang có những tiến bộ tuy chậm nhưng rõ ràng. Ví dụ, Brussels và Bắc Kinh đóng vai trò quan trọng trong việc soạn thảo một hiệp ước quốc tế về sự chuẩn bị và quản lý đại dịch trong tương lai được cộng đồng y tế công cộng toàn cầu ủng hộ.

Đa dạng sinh học, quản lý đại dương, ô nhiễm nhựa, phá rừng và an ninh lương thực đều là những lĩnh vực mà Trung Quốc và châu Âu đang tìm thấy điểm chung. Việc thành lập các nhóm làm việc đặc biệt về rượu vang và rượu mạnh, mỹ phẩm, kiểm soát xuất khẩu và quy định tài chính nhằm mục đích xoa dịu những căng thẳng có thể xảy ra trước khi vượt khỏi tầm kiểm soát.

Về vấn đề biến đổi khí hậu, Brussels mong muốn Bắc Kinh đóng một vai trò thậm chí còn tham vọng hơn bằng cách tham gia các nỗ lực của EU về cam kết khí mê-tan toàn cầu, tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi tốc độ cải thiện hiệu quả năng lượng vào năm 2030.

Theo ông Matteo Garavoglia, cộng tác viên nghiên cứu tại Khoa Chính trị và Quan hệ Quốc tế của Đại học Oxford, trên thực tế, Bắc Kinh coi mối quan hệ với châu Âu có nhiều thách thức đáng kể nhưng nhìn chung là thỏa đáng. Mặt khác, Brussels vô cùng không hài lòng về bản chất của mối quan hệ với Trung Quốc.

"Nhưng để bền vững lâu dài, bất kỳ mối quan hệ nào cũng phải đảm bảo rằng tất cả các bên đều hài lòng với nó. Điều này rõ ràng không đúng ở thời điểm hiện tại và sự thay đổi đang đến. Hy vọng rằng, mối quan hệ giữa Trung Quốc và EU sẽ được cải thiện trong tương lai", ông nói. 

Có thể bạn quan tâm

  • Các đồng minh châu Âu đang mất kiên nhẫn với Ukraine?

    Các đồng minh châu Âu đang mất kiên nhẫn với Ukraine?

    03:00, 15/12/2023

  • Lộ diện tác động của xung đột Israel - Hamas tới kinh tế châu Âu

    Lộ diện tác động của xung đột Israel - Hamas tới kinh tế châu Âu

    03:00, 12/12/2023

  • "Phiêu lưu" năng lượng, châu Âu trả giá đắt!

    04:30, 09/12/2023

  • Trung Quốc đã

    Trung Quốc đã "đánh mất" châu Âu như thế nào?

    04:00, 25/11/2023

CẨM ANH