Dù được xem là một mối quan hệ trọng yếu chỉ sau Mỹ, chính sách ngoại giao của Trung Quốc với EU dường như không còn cho thấy điều đó.
Trong năm qua, bất chấp nhiều nỗ lực ngoại giao từ cả hai phía, các nhà quan sát cho rằng sự mất lòng tin của EU đối với Trung Quốc vẫn đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Trước thềm hội nghị thượng đỉnh trực tiếp lần đầu tiên kể từ sau đại dịch vào đầu tháng 12 tới, không khí giữa hai bên không phải hợp tác mà càng trở nên cứng rắn hơn.
>>Nông nghiệp châu Âu thêm rào cản khi EU theo đuổi chuyển đổi xanh
“Trung Quốc hy vọng Liên minh châu Âu (EU) sẽ có thái độ thực dụng và hợp lý hơn trong hợp tác với Trung Quốc”, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cảnh báo Cố vấn ngoại giao hàng đầu của Pháp hôm 31/10.
Đáp lại, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch EC, phát biểu tại hội nghị thường niên các đại sứ EU vào ngày 6/11 rằng: “Chúng ta phải thừa nhận rằng có yếu tố cạnh tranh rõ ràng trong mối quan hệ của chúng ta”.
Dù có nhiều quan điểm khác nhau giữa 27 thành viên EU về cách tiếp cận với Trung Quốc, do các lợi ích kinh tế, thương mại và công nghiệp khác nhau của họ, nhưng nhìn chung EU đang hướng tới một lập trường phòng thủ hơn nhiều và thực sự có phần bảo hộ dưới khẩu hiệu “giảm thiểu rủi ro” trong mối quan hệ với Trung Quốc, theo ông Nicholas Bequelin, chuyên gia về Trung Quốc tại Trường Luật Yale.
Nguyên nhân chính do Trung Quốc vẫn khăng khăng những khác biệt về Ukraine phải nằm ngoài chương trình nghị sự của các cuộc thảo luận Trung Quốc - EU. Điều này theo quan điểm của EU là không thể chấp nhận được khi Ukraine là vấn đề trọng yếu nhất của châu Âu, với vai trò của Trung Quốc trong ủng hộ Nga là không thể phủ nhận.
“Trung Quốc muốn gạt bỏ những khác biệt của chúng tôi về Ukraine, họ không muốn nói về Ukraine,” Josep Borrell, người đứng đầu đối ngoại EU , tuyên bố trước Nghị viện EU sau Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-EU trực tuyến đầu tiên được tổ chức năm 2022.
Việc Bắc Kinh không đánh giá được tầm quan trọng của vấn đề Ukraine đối với người châu Âu - bên đã chịu cú sốc nặng nề bởi sự xuất hiện của chiến tranh ở cửa ngõ hay tình trạng bất ổn kinh tế chưa từng có - đã gây tổn hại đến hình ảnh của Trung Quốc trong mắt các nhà hoạch định chính sách châu Âu.
Tệ hơn nữa, cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với hầu hết các vấn đề kinh tế và an ninh được đưa ra kể từ đó - chẳng hạn như thâm hụt thương mại ngày càng tăng theo hướng có lợi cho Trung Quốc, tính dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng châu Âu hoặc môi trường kinh doanh đang xấu đi đối với các công ty châu Âu hoạt động tại Trung Quốc - đã làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
>>Tâm lý "e ngại" Trung Quốc lan rộng khắp châu Âu
Trong những thập kỷ trước, Bắc Kinh có thể đã thành công trong việc loại bỏ các tâm lý cứng rắn ở châu Âu nhờ sức mạnh kinh tế và thương mại của mình. Theo giới quan sát, Bắc Kinh tự tin rằng việc tiếp cận song phương với từng quốc gia châu Âu theo chiến thuật “chia để trị” là đủ để ngăn chặn khối này thực hiện hành động tập thể đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc.
Tuy nhiên, những mâu thuẫn lần này lại nghiêm trọng hơn và liên quan tới an ninh chính trị và kinh tế của toàn bộ châu Âu, khiến các quan chức EU theo đường lối bảo thủ có điều kiện để theo đuổi một chính sách mạnh mẽ hơn nữa.
“Cách Trung Quốc tiếp tục tương tác với chiến sự Nga - Ukraine sẽ là yếu tố quyết định cho mối quan hệ Trung Quốc - EU trong tương lai”, bà von der Leyen tuyên bố vào tháng 3 trong một bài phát biểu mang tính bước ngoặt về cách tiếp cận của Ủy ban châu Âu với Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích, điều mà các nhà ngoại giao Trung Quốc dường như không nhận ra, đó là sự đồng thuận trong các quyết định của các thành viên EU trong cắt đứt phụ thuộc nhiên liệu vào Nga hay vực dậy năng lực của NATO, dù cho chúng phải đánh đổi bằng nhiều lợi ích.
“Thay vào đó, họ không nhìn thấy tầm quan trọng của vấn đề Ukraine, đánh giá quá cao khả năng của mình trong việc tác động đến các động lực nội bộ thể chế trong các cơ quan EU, mắc kẹt với các chiến thuật lỗi thời nhằm tác động đến các nhà ra quyết định của châu Âu và ngừng tham gia một cách có ý nghĩa vào các vấn đề kinh tế và thương mại", chuyên gia Nicholas Bequelin bình luận.
Vào tháng 10 vừa qua, nhà ngoại giao hàng đầu của EU, Joseph Borell thực hiện nỗ lực cuối cùng nhằm thay đổi quan điểm của Bắc Kinh trước hội nghị thượng đỉnh. Nhưng đáp lại là tuyên bố “Về xung đột Nga-Ukraine, chúng tôi không cần người châu Âu bảo Trung Quốc phải làm gì” của Wu Hailong, cựu đại sứ Trung Quốc tại EU, tại một cuộc họp cấp cao của các tổ chức tư vấn châu Âu và Trung Quốc.
Hệ quả là từ đó, các đòn ăn miếng trả miếng giữa EU và Trung Quốc về kinh tế tiếp tục gia tăng. Vào tháng 10, EU tuyên bố đang tiến hành một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với việc nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc. Tháng 11, Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc đã công khai chỉ trích Hội chợ Thương mại Thượng Hải là một “sự phô trương chính trị”
Có thể bạn quan tâm
Gặp bất ổn, kinh tế Trung Quốc còn động lực nào để tăng trưởng trở lại?
14:01, 23/11/2023
Lý do Hàn Quốc kêu gọi Trung Quốc đánh giá lại quan hệ với Nga và Triều Tiên
03:30, 23/11/2023
Trung Quốc đã trở thành “ngân hàng” khổng lồ như thế nào?
04:30, 22/11/2023
Tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu bất động sản của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cao
15:00, 21/11/2023