Cần gỡ khó việc áp HS và thuế đối với thuốc và nguyên liệu làm thuốc
Xoay quanh Hội nghị đối thoại Thuế - Hải quan 2023, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam đề nghị cần gỡ khó việc áp HS và thuế đối với thuốc và nguyên liệu làm thuốc…
>> Đối thoại Thuế - Hải quan 2023: "Nóng" vấn đề hóa đơn, hoàn thuế
Được cho là một trong những thị trường “dược phẩm mới nổi” thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ thâm nhập dược phẩm tương đối thấp và tiềm năng tăng trưởng cao, thế nhưng, bên cạnh những mặt tích cực, ngành dược Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.
Theo đó, gửi thông tin kiến nghị tới Hội nghị “Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan 2023”, bà Trần Thị Thư - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam cho biết, ngành dược đã và đang đối mặt với những khó khăn, bất cập liên quan đến áp mã hàng hóa (HS) và thuế đối với thuốc và nguyên liệu làm thuốc.
Theo bà Thư, bất cập này xuất phát từ việc không thống nhất giữa Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) và Bộ Y tế về danh mục mã thuốc, nguyên liệu làm thuốc dùng cho người và mỹ phẩm xuất khẩu, nhập khẩu đã được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam (mã HS) gây khó khăn cho các doanh nghiệp dược.
Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, các doanh nghiệp dược nhập khẩu thuốc nguyên liệu làm thuốc thực hiện kê khai thủ tục hải quan theo mã số hàng hoá quy định tại danh mục ban hành kèm theo Thông tư số 06/2018/TT-BYT của Bộ Y tế.
>> Sắp diễn ra Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan 2023
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, trong quá trình kiểm tra hậu kiểm một số doanh nghiệp dược, một số cơ quan Hải quan địa phương đã có các thông báo tới các doanh nghiệp và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và truy thu thuế nhập khẩu thuốc, nguyên liệu sau 5 năm kèm theo yêu cầu doanh nghiệp nộp phạt thuế do các doanh nghiệp này áp mã HS không đúng quy định thông tư 65/2017/TT-BTC.
Trong khi đó, theo Bộ Y tế, Thông tư số 06/2018/TT-BYT ngày 06/4/2018 của Bộ Y tế được xây dựng căn cứ Nghị định số 08/2015/NĐ-CP là văn bản quy phạm pháp luật mang tính chất bắt buộc thực hiện. Do đó, các doanh nghiệp thực hiện kê khai mã số hàng hoá theo hướng dẫn tại Thông tư số 06/2018/TT-BYT của Bộ Y tế là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.
“Việc ban hành danh mục mã HS có một số thuốc nguyên liệu làm thuốc không đồng bộ về mã giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp dược thực hiện theo hướng dẫn Thông tư số 06/2018/TT-BYT của Bộ Y tế, Hải quan thực hiện theo hướng dẫn thông tư 65/2017/TT-BTC. Doanh nghiệp thực hiện đúng quy định kê khai thuế theo hướng dẫn Bộ Y tế nhưng lại bị xử phạt hành chính, truy thu, xử phạt lũy tiến tiền thuế gây thiệt hại về kinh tế và các hệ lụy liên quan đến việc nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động doanh nghiệp”, bà Thư bày tỏ.
Cũng theo bà Thư, Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam đã nhiều lần gửi công văn đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để xem xét giải quyết. Ngày 06/9/2022 có công văn số 62/CV-HHD gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, Bộ Y tế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để tháo gỡ khó khăn này.
Chính phủ có công văn 6504/VPCP-KHTC ngày 30/9/2022 chỉ đạo bộ Tài chính phối hợp Bộ Y tế giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Đến nay, Bộ Y tế và Bộ Tài Chính đã phối hợp rà soát toàn bộ danh mục mã HS thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Hiện Bộ Y tế đã hoàn thiện Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 06/2018/TT-BYT ngày 06/4/2018 của Bộ Y tế.
Vì vậy, Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam đề nghị, Bộ Y tế và Bộ Tài chính thống nhất hoàn thiện, ban hành Thông tư để doanh nghiệp dược và Hải quan thống nhất thực hiện; Không truy xuất, truy thu, xử phạt thuế đối với các doanh nghiệp khi thực hiện đúng các quy định tại TT số 06/2018/TT-BYT ở thời điểm trước ngày thông tư thay thế thông tư 06/2018 /TT-BYT có hiệu lực.
Bên cạnh vấn đề đã nêu, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam cũng kiến nghị về ưu đãi thuế thuế nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc.
Trong đó, đại diện tổ chức này đề nghị Bộ Tài chính xem xét có chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu về 0% đối với nguyên liệu làm thuốc; bao bì cấp I trực tiếp với thuốc, tá dược yêu cầu kỹ thuật đặc biệt mà doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được phải nhập khẩu.
Bởi, ngành dược trong nước chưa sản xuất được các nguyên liệu làm thuốc phải nhập khẩu gần như 100% từ nước ngoài. Do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu sau dịch COVID-19; khủng hoảng địa chính trị, chiến tranh một số nước,vùng lãnh thổ và một số khó khăn đặc thù của ngành dược nên chuỗi cung ứng đứt gãy, giá nguyên liệu, bao bì, tá dược nhập khẩu và các chi phí cho sản xuất đều tăng cao. Trong khi thuốc là mặt hàng bình ổn giá nên việc tăng giá thuốc rất hạn chế. Doanh nghiệp khó khăn duy trì sản xuất, tái đầu tư/ mở rộng sản xuất.
“Vì vậy, doanh nghiệp rất cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ (Bộ Tài chính) để giảm bớt khó khăn và khuyến khích doanh nghiệp dược phát triển, mặt khác, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu nhằm giảm giá thành thuốc, giảm chi phí tiền thuốc cho người dân và ngân sách nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội”, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Đối thoại Thuế - Hải quan 2023: Khẩn trương xây dựng các giải pháp về thuế để hỗ trợ doanh nghiệp
14:05, 15/12/2023
Đối thoại Thuế - Hải quan 2023: "Nóng" vấn đề hóa đơn, hoàn thuế
13:00, 13/12/2023
Nhiều vấn đề nóng tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan 2023
09:41, 10/12/2023
Sắp diễn ra Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan 2022
03:42, 19/11/2022
Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan 2021
11:22, 08/12/2021