Mục tiêu phát thải ròng của châu Âu có nguy cơ "đổ bể"

TRƯỜNG ĐẶNG 17/12/2023 04:00

Một kế hoạch đầu tư lớn của các quốc gia châu Âu được thiết kế nhằm chống biến đổi khí hậu đang có nguy cơ bị đổ bể.

EU đang đề xuất thu hẹp ngân sách chống biến đổi khí hậu cho các ưu tiên quan trọng khác

EU đang đề xuất thu hẹp ngân sách chống biến đổi khí hậu cho các ưu tiên khác

Hàng tỷ euro dành riêng cho việc thúc đẩy năng lượng tái tạo và cắt giảm khí thải khắp châu Âu đang có nguy cơ bị cắt giảm sau khi các nhà lãnh đạo EU đề xuất chuyển số tiền này sang tài trợ cho các nỗ lực nhập cư và quốc phòng.

>>"Hé lộ" bức tranh kinh tế châu Âu năm 2024

Chuyển đổi ngân sách 

Động thái này được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU tuần qua tại Brussels, nơi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đề xuất cắt giảm gần như toàn bộ quỹ xanh trị giá 10 tỷ euro nhằm giúp châu Âu xây dựng mạng lưới năng lượng trong tương lai – gồm tua-bin gió, nhà máy hydro hay thu hồi carbon. Trước đó, sáng kiến này là một nỗ lực của EU trước việc Mỹ chi mạnh tay vào các ưu đãi năng lượng tái tạo, bao gồm hàng trăm tỷ USD trợ cấp.

Trong khi các quốc gia như Pháp, Italia và Tây Ban Nha đã công khai ủng hộ sáng kiến trị giá 10 tỷ euro này, EU lại phải đối mặt với những bất đồng đến từ phía Bắc Âu, khi các nước này muốn ưu tiên những đóng góp ngân sách EU của họ vào giải quyết các vấn đề cấp bách hơn như hạn chế nhập cư bất hợp pháp và tăng chi tiêu quân sự.

Nếu được thông qua, thỏa hiệp của Chủ tịch Charles Michel sẽ giảm quỹ năng lượng tái tạo này – với tên chính thức là Nền tảng Công nghệ Chiến lược cho Châu Âu (STEP) – xuống chỉ còn 1,5 tỷ euro. Theo đề xuất mới nhất, số tiền còn lại sẽ được đầu tư cho quân sự của khối.

Đổi lại, Brussels sẽ cho phép các quốc gia sự linh hoạt hơn trong việc sử dụng các khoản thanh toán từ quỹ “gắn kết” của EU - khoản bơm ngân sách cho các quốc gia có thu nhập thấp hơn được thiết kế để giảm bất bình đẳng kinh tế. Về lý thuyết, điều đó sẽ cho phép các nước tiếp tục đầu tư vào năng lượng tái tạo cần thiết. Một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên cho biết: “Điều này cho phép các quốc gia có quyền truy cập vào các quỹ của châu Âu sử dụng chúng một cách đơn giản và linh hoạt”.

Tuy nhiên, việc cắt giảm tiềm năng là một tín hiệu báo trước về khó khăn ngày càng tăng của châu Âu trong việc tìm nguồn đầu tư lớn cần thiết để đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Ngay cả Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, gần đây cũng đã phải cắt giảm đáng kể ngân sách khí hậu sau phán quyết của tòa án. Bản thân chính phủ Đức cũng không ủng hộ sáng kiến này. Cuối tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho rằng STEP là không cần thiết khi tài trợ “cho những thứ mà chúng ta chưa biết và những thứ mà chúng ta đã có lựa chọn khác”, ám chỉ Quỹ Thế hệ mới EU (Next Generation EU).

Bên cạnh đó, chi phí chuyển đổi xanh của EU cũng trở thành một luận điểm chính trị được một số chính trị gia cánh hữu ở nhiều quốc gia châu Âu sử dụng để chỉ trích đối thủ.

Khủng hoảng tái tạo

Dĩ nhiên ý tưởng này vấp phải nhiều tranh cãi. Các nhà lãnh đạo đã không thể đạt được thỏa thuận cuối cùng vào ngày 14/12 và sẽ phải nối lại các cuộc thảo luận vào tháng 1/2024 trước hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của các nhà lãnh đạo EU.

>>ECB có lý do để sớm cắt giảm lãi suất

Thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa bày tỏ sự thất vọng về việc cắt giảm, trong khi Thủ tướng Bulgaria Nikolay Denkov đề xuất chuyển số tiền chưa sử dụng từ ngân sách phục hồi sau đại dịch của EU.

Ông Thomas Pellerin-Carlin, Giám đốc đầu tư khí hậu và công nghệ sạch của EU tại Viện Kinh tế Khí hậu, cảnh báo sự thỏa hiệp có thể là thảm họa đối với ngành công nghệ sạch, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng từ Mỹ và Trung Quốc. “Trước đây, bạn có thể đoán rằng khoảng 50% quỹ STEP sẽ dành cho khí hậu, thì bây giờ có thể nó sẽ là 0%”, ông gay gắt nhận định.

Động thái mới khiến các chuyên gia nghi ngờ mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của EU vào 2050

Động thái mới khiến các chuyên gia nghi ngờ mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của EU vào 2050

Nguy cơ nguồn tài trợ khí hậu quan trọng bị “rút cạn” trái ngược với kỳ vọng của các nhà môi trường châu Âu rằng, thế giới cần nhiều tiền hơn nữa để ứng phó.

Ông Pellerin -Carlin cho biết : “Cuối cùng, chúng ta sẽ nhận được ít nguồn tài trợ của EU cho công nghệ sạch vào năm 2024 hơn so với năm 2022. Không phải tăng cường, chúng ta lại đang thảo luận về việc từ bỏ, thậm chí không chỉ dừng lại ở việc giữ nguyên hiện trạng”.

Christian Ehler, nhà đàm phán chính của Nghị viện châu Âu về STEP cho biết: “Việc cắt giảm nguồn tài trợ nghiên cứu quan trọng vì lợi ích của các chương trình khác là không thể chấp nhận được, vì nó đe dọa đến sự thịnh vượng và khả năng cạnh tranh trong tương lai của châu Âu”.

Vào tháng 11, Tổ chức Quan sát Khí hậu châu Âu (ECNO) đã cảnh báo việc thiếu đầu tư công vào năng lượng xanh và những tiến bộ khác ở cấp độ EU có thể khiến châu lục này không đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050 như cam kết.

Có thể bạn quan tâm

  • Các đồng minh châu Âu đang mất kiên nhẫn với Ukraine?

    Các đồng minh châu Âu đang mất kiên nhẫn với Ukraine?

    03:00, 15/12/2023

  • Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam

    Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam "mở khóa" trí thức người Việt tại châu Âu

    14:07, 12/12/2023

  • Lộ diện tác động của xung đột Israel - Hamas tới kinh tế châu Âu

    Lộ diện tác động của xung đột Israel - Hamas tới kinh tế châu Âu

    03:00, 12/12/2023

  • "Phiêu lưu" năng lượng, châu Âu trả giá đắt!

    04:30, 09/12/2023

  • Trung Quốc đã

    Trung Quốc đã "đánh mất" châu Âu như thế nào?

    04:00, 25/11/2023

  • Tâm lý

    Tâm lý "e ngại" Trung Quốc lan rộng khắp châu Âu

    03:30, 22/11/2023

TRƯỜNG ĐẶNG