Doanh nghiệp sợ... thanh, kiểm tra chồng chéo
“Cộng đồng doanh nghiệp rất lo ngại các hoạt động thanh kiểm tra chồng chéo...”.
Đây là chia sẻ của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp với Diễn đàn Doanh nghiệp.
>>Địa phương "kêu khổ" vì phải tiếp 11 đoàn thanh kiểm tra 1 năm
Xung quanh vấn đề này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng một số cơ quan nhà nước tránh áp dụng các quy định chặt chẽ về thanh tra bằng cách tiếp cận doanh nghiệp nhưng không gọi là thanh tra, mà gọi là kiểm tra. Theo VCCI, hoạt động kiểm tra này hiện đang không có quy định pháp luật điều chỉnh cụ thể hoặc có quy định nhưng rất chung chung, không minh bạch, dẫn đến nguy cơ bị lạm dụng rất cao.
Ví dụ, nhiều trường hợp pháp luật chuyên ngành chỉ quy định cơ quan quản lý chuyên môn có quyền kiểm tra doanh nghiệp, nhưng không có quy định cụ thể về kế hoạch kiểm tra, thời hạn kiểm tra, căn cứ kiểm tra, quyết định kiểm tra, đoàn kiểm tra, thủ tục thực hiện kiểm tra… Như vậy, đây mới chỉ có quy định trao quyền chứ chưa có quy định kiểm soát quyền lực.
Trong khi đó, theo nhiều doanh nghiệp chia sẻ, họ đã phải nuốt nước mắt vào trong khi bị đối tác dời lại ngày ký hợp đồng vì biết doanh nghiệp vừa nhận thông báo về lịch thanh tra chuyên ngành; thậm chí mất cả đơn hàng xuất khẩu do đối tác lo ngại khả năng doanh nghiệp không tuân thủ quy định của pháp luật - một trong những điều cấm kỵ trong làm ăn với các thương hiệu toàn cầu.
Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo về các vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản.
Đáng chú ý, câu chuyện về hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp tiếp tục được đưa vào trong báo cáo của Hiệp hội này và được dư luận hết sức quan tâm. Cụ thể, trong các vướng mắc, khó khăn, bất cập được các doanh nghiệp thủy sản phản ánh thời gian gần đây là việc có quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra mỗi năm.
>>Gần 20% doanh nghiệp bị thanh kiểm tra từ 2 lần trở lên trong năm 2018
Theo VASEP, dưới góc độ quản lý Nhà nước, thanh tra, kiểm tra là hoạt động cần thiết nhằm đảm bảo kỷ cương và pháp luật được thực hiện nghiêm minh. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích từ việc thanh tra, kiểm tra đem lại, một vấn đề nổi lên không kém phần nan giải.
Cụ thể là tình trạng hiện nay nhiều doanh nghiệp phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra trong một năm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là cùng một nội dung, một lĩnh vực nhưng lại có nhiều đơn vị thanh tra, kiểm tra khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực hải quan, thuế, môi trường... dẫn đến tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra với tần suất quá nhiều, cách thức thực hiện quá phiền hà như hiện nay đã và đang làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp, phần nào làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn như: đơn hàng và giá cả sụt giảm, thiếu hụt lao động sản xuất, chi phí đầu vào tăng liên tục…
VASEP cho rằng, việc thanh tra, kiểm tra với tần suất quá nhiều đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ về công tác thanh kiểm tra đối với doanh nghiệp tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017.
Cần phải nói, theo pháp luật hiện hành, thanh tra, kiểm tra là hoạt động bình thường của cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và trật tự xã hội. Song vì mỗi cơ quan chịu trách nhiệm một ngành, lĩnh vực; doanh nghiệp thì hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, nên mới xảy ra tình trạng “một cổ nhiều tròng”. Có giai đoạn, nhiều doanh nghiệp phải lập bộ phận với nhân sự, ban bệ đầy đủ để chuyên tiếp các đoàn thanh tra trong năm.
Với các doanh nghiệp, cho dù kết quả các đợt thanh tra tại doanh nghiệp có như thế nào, cho dù đó là cuộc thanh tra thường xuyên, thanh tra theo kế hoạch hay thanh tra đột xuất theo quy định của pháp luật hiện hành thì các doanh nghiệp cũng mong đừng... "có quá nhiều cuộc thanh kiểm tra chồng chéo".
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cân nhắc quy định về thanh tra, giám sát ngân hàng
04:00, 09/12/2023
Gần 20% doanh nghiệp bị thanh kiểm tra từ 2 lần trở lên trong năm 2018
05:30, 23/12/2019
[PHÁP LUẬT TUẦN TỪ 23-28/12] Gần 20% doanh nghiệp bị thanh kiểm tra từ 2 lần trở lên trong năm
11:05, 29/12/2019